SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 2/5/2024

Tâm sự Công đoàn

7/24/2014 12:00:00 AM
Kỷ niệm về bảo vệ đoàn viên
Bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là một trong ba chức năng của tổ chức Công đoàn. Đây là chức năng nguyên thuỷ, chức năng đầu tiên, chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn...

Bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là một trong ba chức năng của tổ chức Công đoàn. Đây là chức năng nguyên thuỷ, chức năng đầu tiên, chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn. Người lao động khi gia nhập tổ chức Công đoàn đều hiểu điều này. Kể cả những người lao động chưa là đoàn viên Công đoàn, theo quy định của luật Công đoàn cũng có quyền yêu cầu tổ cức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Tuy nhiên trong cuộc sống, việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động rất khó khăn phức tạp, phải căn cứ vào văn bản pháp luật, các tình tiết cụ thể, các yếu tố chủ quan, khách quan…

Với các vụ việc rõ ràng đúng sai theo quy định của pháp luật, việc bảo vệ sẽ thuận lợi hơn. Có những vụ việc vừa đúng, vừa sai hoặc rơi vào tình trạng cụ thể mà pháp luật chưa đề cập đến thì quá trình giải quyết đòi hỏi cán bộ Công đoàn phải hiểu rõ sự việc, có những biện pháp và bước đi thích hợp.

Cũng phải thấy rằng khi viết đơn, trình bày sự việc, ai cũng cố gắng tìm các tình tiết, các lập luận cho mình là đúng.

Lần ấy, tôi nhận được đơn đề nghị của Lê Thanh Vân, Kế toán trưởng công ty X. (đơn vị 100% vốn nước ngoài) đề nghị Công đoàn ngành giúp đỡ với lý do: Vân được ký hợp đồng lao động làm Kế toán trưởng của công ty từ ngày 01/3/2006 đến 01/3/2010. Nhưng đến ngày 04/6/2009 Vân được Tổng giám đốc chuyển sang làm công việc khác là Trưởng phòng Quản lý tổng hợp, có nhiệm vụ phụ trách chung khối Văn phòng - Hành chính và phòng Kế toán, tư vấn cho Ban lãnh đạo công ty về các công việc hành chính và các công việc liên quan đến phòng Kế toán, bàn giao nhiệm vụ kế toán trưởng cho người khác.

Ngày 04/8/2009 Vân được điều xuống làm quản đốc phân xưởng may với lý do: Không hoàn thành nhiệm vụ của Trưởng phòng Quản lý tổng hợp.

Vân được đào tạo làm kế toán, không hiểu ngành may nên không làm quản đốc phân xưởng may được. Và vì lương thấp hơn, vì danh dự, Vân làm đơn đề nghị các cấp Công đoàn giúp đỡ theo quy định của điều 34 - Luật Lao động (thuyên chuyển làm việc khác chỉ được 60 ngày).

Qua tìm hiểu, tôi được biết Vân có mâu thuẫn với các Giám đốc điều hành người nước ngoài; là người được đào tạo từ thời bao cấp, Vân hiểu chuyên môn nhưng hơi cứng trong quan hệ và không thông thạo tiếng Anh. Trong công ty đã xuất hiện một lớp cán bộ trẻ, thông thạo tiếng Anh và đáp ứng yêu cầu công việc của người sử dụng lao động.

Qua các diễn biến ở công ty, Tổng giám đốc không muốn sử dụng Vân ở cương vị Kế toán trưởng nữa. Tổng giám đốc lý luận rằng: việc điều chuyển Vân lên cấp cao hơn đã được Vân tự nguyện đồng ý và phù hợp với điều lệ của công ty nên sự thuyên chuyển này không gọi là đơn phương điều chuyển mà là đã có sự thoả thuận và đồng ý nhưng Vân đã không hoàn thành nhiệm vụ vì khả năng và vì tư tưởng.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, đảm nhiệm công việc chuyên môn, ký hợp đồng lao động với Tổng giám đốc nên cũng không ủng hộ Vân. Một số cán bộ tổ chức ở các cấp Công đoàn khi được công đoàn cơ sở tham khảo cũng đưa ra quan điểm không ủng hộ Vân.

Trong văn bản Vân yêu cầu đền bù khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn gồm tiền lương năm triệu đồng/tháng, phụ cấp trách nhiệm bảy triệu đồng/tháng, tiền phép năm, tiền lương tháng thứ 13, tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thôi việc…tổng cộng các khoản phải trả là 135 triệu đồng.

Tổng giám đốc không đồng ý. Tình thế tranh chấp trở nên căng thẳng.

Sau khi tìm hiểu tình hình, tôi đề nghị cơ sở bố trí cho tôi gặp gỡ riêng từng đối tượng để thuyết phục. Với Chủ tịch Công đoàn cơ sở tôi đề nghị không tỏ thái độ căng thẳng với bất cứ bên nào, nên tránh ra vì là người ký hợp đồng lao động, có những khó khăn riêng. Với Vân tôi đề nghị không nên quá căng thẳng trong thương lượng, nên nhận một khoản tiền và đi nơi khác làm việc, kể cả khoản tiền đó được công ty gọi là tiền thưởng. ở lại công ty sẽ không được trọng dụng mà bị ức chế về tư tưởng tình cảm, trước sau 6 tháng nữa rồi cũng phải ra đi. Với Tổng Giám đốc, tôi phân tích có những điểm sai theo hợp đồng và cách giải quyết vấn đề. Tôi nói: "Sao ông không dùng tiền để giải quyết việc này vì thực chất ông không muốn Vân ở lại làm việc vì Vân là Kế toán trưởng của công ty cũ được hợp đồng lại khi công ty B.S. bán 80% cổ phần cho công ty X. và đến năm 2010 là bán hết cổ phần cho X." Ông Tổng Giám đốc tán thành ý kiến của tôi.

Kết quả khi bước vào bàn thương lượng, do đã được phân tích kỹ các vấn đề nên các bên đều cảm thấy hài lòng. Vân nhận được một khoản tiền gồm lương và tiền thưởng là 85 triệu đ?ng, chấm dứt hợp đồng lao động và đi làm việc ở nơi khác. Ông Tổng Giám đốc giải quyết được việc đưa Vân đi khỏi công ty, lại thể hiện được là người đàng hoàng vì ông nói rằng: Ông không trả phụ cấp vì Vân không hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị Trưởng phòng Quản lý tổng hợp và thưởng cho Vân vì Vân có những năm tháng đóng góp cho sự phát trển của công ty. Chủ tịch công đoàn cơ sở không bị mất lòng ai.

Có lần một công nhân nữ đến Văn phòng Công đoàn đề nghị giúp đỡ vì bị tổ đuổi việc, trả lại công ty, công ty không bố trí việc làm vì nghỉ tự do một ngày. Tìm hiểu sự việc thì không như vậy. Nữ công nhân chiều thứ sáu lên báo tổ sản xuất và lên công ty xin giấy đi khám bệnh. Ngày hôm sau là thứ bảy, đến bệnh viện không làm việc, chỉ trực cấp cứu và làm các công việc điều dưỡng. Vì không khám được bệnh nên thứ hai nữ công nhân tiếp tục đi khám (vì cho rằng chưa khám xong nên chưa xin phép tổ trưởng). Sáng thứ ba đến làm việc, tổ trưởng không nhận, trả lại công ty và công ty không bố trí được việc làm. Theo quy định của Bộ luật lao động thì mức độ như vậy cũng chưa đến phải đuổi việc.

Tôi đến công ty, gặp lãnh đạo công ty và phân tích sự việc. Lẽ ra người cấp giấy giới thiệu đi khám bệnh phải biết được thứ bảy bệnh viện không khám bệnh để xử lý các tình huống tương tự. Lỗi nghỉ việc của công nhân không phải cố ý. Lãnh đạo công ty nghe ra và yêu cầu tổ nhận lại công nhân. Nữ công nhân được trở lại vị trí công tác.

Vào buổi sáng chủ nhật sau thời điểm đó, nữ công nhân kia tìm đến tận nhà tôi chơi, đem theo cân đường, hộp sữa để cảm ơn vì đã giúp cô không bị đuổi việc. Tôi giải thích rằng đây là công việc tôi phải làm, nhiệm vụ phải làm, đã có lương, không phải cảm ơn như vậy. Nhưng cô công nhân ấy cứ nằng nặc đưa. Tôi và vợ tôi giải thích hết cách. Qua câu chuyện trao đổi, tôi được biết mẹ cô đang nằm bệnh viện. Sau khi đến cảm ơn tôi, cô sẽ ra bệnh viện thăm mẹ. Vì vậy tôi nói:

- Túi quà này anh nhận. Bây giờ là của anh. Lẽ ra biết tin mẹ em ốm anh ra thăm song thời gian và công việc không cho phép nên anh gửi túi quà này qua em đem đến biếu mẹ em và cho anh chị gửi lời hỏi thăm. Chúc bà chóng khỏi bệnh.

Nói như vậy buộc cô công nhân phải nhận lại túi quà. Vật chất tuy nhỏ song sự việc nói với tôi nhiều điều, và là kỷ niệm tôi không quên.

Lại một lần khác, hai bố con một công nhân làm ở công ty sản xuất giầy tới nhờ công đoàn bảo vệ. Cậu công nhân vì bị bạn bè mâu thuẫn đánh tại nhà vệ sinh công ty đồng thời đe doạ đón đường đánh tiếp nên xin thôi việc. Đang thiếu lao động nên công ty không nhận đơn. Lo sợ bị đánh tiếp cậu tự bỏ việc đi nơi khác. Còn một tháng lương (lúc đó là 1,5 triệu đồng) chưa được lĩnh nên nhờ Công đoàn can thiệp để lấy lương. Ông bố đến đặt vấn đề cùng con và đưa hai trăm nghìn đồng lót tay “nhờ bác giúp đỡ”. Tôi nói:

- Anh cất tiền đi. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Nhưng cũng nói rõ là phải chờ đợi không thể lấy ngay được. Khi đó cũng đừng nghĩ là không nhận tiền nên không làm.

Kết quả theo đuổi, ra vào, lên xuống với công ty nhiều lần mới thanh toán được. Trong thời gian chờ đợi, bố cậu công nhân lại đến Văn phòng Công đoàn đề nghị. Tôi giải thích phải tiếp tục chờ đợi. Trong câu chuyện ông than phiền:

- Cháu nó còn nhỏ nên dại lắm. Nó đi làm về, ở nhà trọ, tắm nước giếng khơi, thấy bạn gái đi làm về, nó trêu trọc bảo vào kỳ lưng hộ. Con bé kia bảo:

- Kỳ thì kỳ nhưng phải trả tiền.

- Bao nhiêu?

- Hai trăm ngàn đồng!

- Hai trăm thì hai trăm, sợ gì?

Thế là con bé kia vào kỳ lưng và nó đòi hai trăm nghìn thật.

Tôi cười nói với ông:

- Con anh giỏi thật. Tôi làm sắp đến về hưu mà chưa dám thuê ai hai mươi nghìn đồng kỳ lưng chứ chưa dám nói hai trăm nghìn đồng. Gần ba tháng mới đòi cho con anh 1,5 triệu đồng mà nó lại chơi sang quá, thuê kỳ lưng mất hai trăm nghìn đồng. Ăn chơi thật đấy!

Cả hai cùng cười...

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong