SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

Tâm sự Công đoàn

8/22/2014 12:00:00 AM
Một lần đến LOHR
Chuyến bay CX289 của hãng hàng không Cathay dừng bánh trên đường băng sân bay Frank Furt lúc 6 giờ sáng ngày 20/8/2005 sau một chặng bay liên tục 14 giờ..

Chuyến bay CX289 của hãng hàng không Cathay dừng bánh trên đường băng sân bay Frank Furt lúc 6 giờ sáng ngày 20/8/2005 sau một chặng bay liên tục 14 giờ từ sân bay Hồng Kông đưa đoàn cán bộ Công đoàn Công nghiệp Việt Nam cùng hành khách xuống sân bay. Bây giờ đã là 11 giờ trưa ngày 20/8 tại Việt Nam. Chúng tôi bước xuống sân bay, trời se lạnh, đã chuyển sang thu. Tiết thu nhận ra trong sắc vàng đầu lá và gió se lạnh. Nhiệt độ ngoài trời buổi sáng 190 c.

Ông Wallz Wellez, thầy dạy của chúng tôi đã đi một chặng đường hơn 600 km từ Berlin đến để đón chúng tôi về Trung tâm đào tạo Lohr. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thầy trò bắt tay, ôm hôn trong niềm vui được gặp lại ngay trên đất Đức. Xe chạy với tốc độ 100 km/giờ, một giờ sau chúng tôi đã có mặt tại Lohr. Một trong bảy Trung tâm đào tạo Cán bộ Công đoàn của Công đoàn Kim khí Đức (IGM).

Lohr là một thành phố cổ của Bang Bavaria (Bayyon) một trong 16 bang của Cộng hoà Liên bang Đức có thủ đô là Munich.

Lohr có số dân 17.000 người, 80% theo đạo Thiên chúa.

Phong cảnh ở đây thật thanh bình tĩnh mịch. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, cửa sổ rực rỡ các chậu hoa nằm nghiêng theo sườn đồi. Rừng phía sau xanh thẳm. Dòng sông Main uốn khúc chảy qua đây tạo nên những dải rừng xanh đậm trên các triền đồi. Đây là khu vực có nhiều rừng nhất ở Đức. Rừng ở đây là rừng trồng. Rừng nguyên sinh không còn nữa nhưng những cánh rừng bạt ngàn, khai thác có quy hoạch tạo nên một sức sống mãnh liệt và một không khí thanh bình.

Đi thuyền trên sông Main ngắm cảnh làng mạc nhà máy hai bên bờ với nhiều bãi cắm trại ngoài trời vào sáng ngày nghỉ cuối tuần, những chú thiên nga, vịt trời nhởn nhơ dập dờn trên sóng nước, phía bên rừng loáng thoáng những chú nai con, hươu con gặm cỏ. Chỉ từng ấy đã đủ thấy một xã hội trật tự nền nếp kỷ cương. Bạn cho biết ở đây đã có trường Lâm nghiệp từ thế kỷ 17. Các ngôi nhà cổ của Lohr còn giữ nguyên dáng vẻ của thế kỷ thứ 15, 17. ở Lohr còn giữ được Lâu đài cổ từ thế kỷ 13, sự cổ kính lâu đời ấy cho phép người ta suy diễn rằng nàng Bạch Tuyết đã sinh ra ở nơi này.

Giao thông ở đây thuận tiện. Gọi là làng, nằm trên các triền đồi nhưng đường nhựa đến tận từng gia đình. Các gia đình ở đây chủ yếu là làm công nghiệp, dịch vụ. Đến giờ nghỉ hoặc ngày nghỉ cuối tuần mới thấy họ ở nhà chăm bón tưới cây hoa xung quanh, còn bình thường họ trong công xưởng, ở trường học, trong cơ quan, siêu thị, ngồi ô tô trên đường... Người đi bộ chỉ thấy nhiều trên phố cổ.

Trên đường giao thông chỉ thấy xe ô tô qua lại với tốc độ cao. ở Đức chỉ có 4% dân số làm nông nghiệp song sản xuất ra một lượng sản phẩm nông nghiệp vượt cầu, còn dành cho xuất khẩu. Người lái xe đưa chúng tôi đi cho biết: Con ông cũng làm nông nghiệp, quản lý 80 ha. Nhưng ông bảo làm như thế sẽ lỗ. Muốn có lãi phải làm từ 120 ha trở lên.

Đi qua nhiều vùng đồi dốc, rừng xen với cánh đồng trồng nho, hoa hướng dương, trồng cỏ cho chăn nuôi. Tháng 8 đã là tháng thu hoạch cỏ, người ta dùng máy cắt, phơi ngay trên cánh đồng rồi lại dùng máy gom lại thành từng cuộn trông giống như các cuộn giấy to rồi cho vào túi ni lông để ngay trên ruộng, đến mùa đông cho gia súc ăn.

Những triền đồi trồng nho dốc tới 400 phải kè bằng các tường gạch để làm thành ruộng bậc thang nhưng nho trồng nhiều và rất tốt, cung cấp lượng sản phẩm vượt cầu. Điều đó cho thấy phải có sự hỗ trợ thêm của các phương tiện máy móc kỹ thuật như máy bơm nước v. v.... Mới có thể cung cấp nước cho các ruộng bậc thang rất dốc như vậy.

ở Đức, chính sách xã hội chăm lo cho người dân rất tốt. Đẻ con thứ nhất, thứ hai được 150 EURO/ tháng cho tới khi mười tám tuổi (nếu không còn đi học). Con thứ ba được 170 EURO/ tháng. Nhà nước khuyến khích người dân mua sắm tiêu dùng, kích cầu như: Nếu đi tàu hoả vào ngày làm việc thì giá vé cao, còn đi vào ngày thứ bảy, chủ nhật giá vé rất thấp. Chúng tôi đi trong đoàn năm người, nếu đi từ Lohr tới Nurnberg ngày thường mất 20 EURO/người nhưng đi vào ngày chủ nhật cả năm người chỉ mất 23 EURO cho cả đi và về. Dịch vụ ở đây rất đắt. Nếu mua vé qua nhân viên bán hàng mỗi vé phải thêm 3 EURO còn mua qua máy tự động giảm được 3EURO/vé. Cắt tóc ở Frank Furt mất 26 EURO (tương đương 520.000đ Việt Nam). ở Berlin rẻ hơn cũng phải mất 16 EURO. Người hướng dẫn chúng tôi thăm khu phố cổ của thành Nurnberg trong hai tiếng đồng hồ phải trả họ 80 EURO (1.600.000 đ Việt Nam).

Thiên nhiên và môi trường ở đây thật tuyệt. Một màu xanh bất tận của rừng cây và cánh đồng xen giữa là các làng mạc và nhà máy. Con người chấp hành pháp luật rất nghiêm. Đi trên đường, dù đường vắng, đêm khuya, các lái xe vẫn dừng khi có đèn đỏ. Các xe ô tô đều dừng, vẫy tay mời chúng tôi qua đường trước, khi thấy chúng tôi đứng bên vạch đi bộ sang đường. Việc chấp hành giờ giấc làm việc và học tập rất nghiêm. Bạn không hài lòng khi chúng tôi đến lớp muộn hoặc ngủ gật vào buổi chiều.

Các giá trị của cá nhân được nhà nước tôn trọng. Còn những lâu đài của các Bá tước từ thế kỷ 15, 16, đến nay con cháu họ vẫn được quản lý thu tiền thăm quan và giữ gìn các hiện vật cổ.

Với diện tích 357.000 km2. Đức có diện tích lớn hơn nước ta một chút. Dân số 82, 532 triệu người. Số dân gần ngang nhau nhưng kinh tế thì cách nhau một khoảng cách rất xa. Thu nhập bình quân đầu người 25.910 USD/năm (nước ta từ 400 - 800 USD/năm). Đức có tới 50 triệu ô tô con. Đức thực hiện đường lối "kinh tế thị trường xã hội", với phương châm "ít nhà nước như có thể, nhiều nhà nước như cần thiết". Nhà nước không can thiệp vào việc hình thành giá cả và lương bổng mà chỉ tạo điều kiện khung cho các quá trình kinh tế phát triển sao cho có hiệu quả cao, đảm bảo công bằng và ổn định xã hội. Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới. Đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nhật Bản về GDP và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chủ yếu là chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử.

Nhưng Đức cũng đang đứng trước khó khăn về kinh tế và xã hội. Do chính sách xã hội đảm bảo mà từ nhiều năm nay (kể cả khi còn hệ thống xã hội nghủ nghĩa) nhiều người ở các nước Châu Âu, Châu á tìm tới Đức để nhập cư. Ngoại kiều có 7,320 triệu người. Riêng người Việt Nam ở Đức có khoảng 85.000 người. Trong đó Đức đã cho phép ở lại trên 60.000 người. Với đà tăng cơ học của người nhập cư và tăng sinh học của người ngoài gốc Đức thì trong vòng 100 năm nữa người Đức sẽ trở thành thiểu số ngay trên nước Đức.

Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng mạnh, khoảng 10% lao động. Đây chính là vấn đề nhạy cảm với các Đảng ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2005. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trong chiến lược tranh cử nêu ra là giải quyết bằng được bảy triệu lao động thất nghiệp bằng cách các doanh nghiệp phải chia sẻ việc làm giữa người đang có việc và thất nghiệp. Như vậy tiền lương của công nhân sẽ giảm, thời gian lao động sẽ tăng, các cửa hàng sẽ mở cửa cả tối và ngày nghỉ. (Hiện nay các siêu thị chỉ mở cửa đến tám giờ tối và nghỉ chủ nhật).

Một lý do làm cho kinh tế Đức khó khăn vì trong lúc thống nhất nhanh chóng hai miền, Đức đổi tiền với tỷ giá một mác Tây đức = một mác Đông đức. Thực tế kinh tế Đông Đức thấp nhiều so với Tây Đức. Các doanh nghiệp của Nhà nước nộp ngân sách hết để Nhà nước điều tiết theo kế hoạch chung mà không có vốn tự có để tự đổi mới. Các món nợ Ngân hàng Nhà nước phải gánh chịu; Mỗi năm Nhà nước phải gánh chịu 1.000 tỷ Euro cho các doanh nghiệp mà những doanh nghiệp này rất khó cạnh tranh trong điều kiện hiện nay do thiết bị lạc hậu. Tình trạng hiện nay nhiều làng ở Đông Đức vắng bóng thanh niên vì họ phải đến các vùng phía tây, phía nam nước Đức để làm thuê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Wolf Juergen Roeder, uỷ viên Thường vụ ban chấp hành IG Metall phụ trách về đào tạo cho biết: Nhà nước Đông Đức trước đây kém về kinh tế song không để xảy ra thất nghiệp. Tuy vậy hiện nay có khó khăn song không ai muốn trở lại thời như cũ. Còn Đảng xã hội dân chủ (SPD) hay dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) lên lãnh đạo thì cũng vẫn là tư bản thôi. Liên hiệp Công đoàn Đức trong đó có Công đoàn Kim Khí Đức (IGM) đang tìm biện pháp đối phó trong một tương lai nhiều khó khăn hơn trước. Có thể một số thành quả đã đạt được nay sẽ phải điều chỉnh, thay đổi.

Bạn nói: "Cuối cùng Mác vẫn đúng, chỉ riêng cạnh tranh không thể thúc đẩy xã hội tiến bộ được. Cần phải có kế hoạch, có sự điều chỉnh. Dân chủ là mục đích của loài người phải kiên trì tiếp tục phấn đấu".

IGM là một Công đoàn ngành lớn thuộc Liên hiệp Công đoàn Đức, có 2,4 triệu đoàn viên. Trong bộ máy có 2.920 cán bộ hưởng lương làm công tác công đoàn và phục vụ công tác công đoàn. Trong đó hệ thống Trung ương có 600 cán bộ và phục vụ. Trụ sở chính 21 tầng toạ lạc bên cạnh sông Main ở thành phố Frank Furt. Bạn cũng chỉ làm việc 14 tầng còn lại cho thuê.

Toàn bộ tiền hoạt động của Công đoàn trông vào tiền đoàn phí của đoàn viên (bằng 1% tiền lương mỗi người). Đoàn viên đã nghỉ hưu đóng 0,5% lương tháng, còn đoàn viên đang thất nghiệp đóng tượng trưng 1,25 Euro/tháng. Người lao động khi viết đơn xin gia nhập công đoàn đã kê khai hưởng lương hàng tháng, số tài khoản và thông báo cho Ngân hàng trừ hàng tháng, chuyển vào tài khoản của công đoàn. Những đoàn viên không có tài khoản sẽ nộp trực tiếp cho các tổ trưởng công đoàn hoặc đến thẳng trụ sở Công đoàn vùng để nộp.

Tại Lohr có Công đoàn vùng(gọi là Công đoàn cơ sở) quản lý 21.000 đoàn viên, có 2 cán bộ chuyên trách. Các cán bộ ở doanh nghiệp không có lương và phụ cấp mà chỉ hoạt động với sự nhiệt tình. Tuy vậy, uy tín của IGM cao và thu hút 85 % công nhân lao động trong vùng tham gia.

Có lần đoàn tôi đi dạo chơi bị mưa ướt, xin đi nhờ một xe ô tô. Khi nói đến địa điểm IGM họ vui vẻ chở đến tận nơi. Đi tàu hoả gặp Cảnh sát giao thông kiểm tra hộ chiếu, chúng tôi nói là đoàn cán bộ đến học ở IGM, cảnh sát cho qua luôn.

IGM không có giới hạn cho nhân sự ở cơ sở. Với 25% tổng số đoàn phí thu được, Công đoàn cơ sở (thực chất là Công đoàn một vùng) có thể tuyển chọn nhân viên giúp việc, làm chuyên trách công đoàn. Trong số 75% tiền nộp lên trên, cấp trên tiếp tục giúp đỡ cơ sở về đào tạo còn phần lớn dành cho quỹ đình công. Khi đình công, công nhân được công đoàn thanh toán 1/2 đơn giá tiền lương ngày. Ông Roeder cho biết: IGM rất ít khi đình công nhưng khi đã đình công thì ra vấn đề. Như năm 2003 đã đình công để đòi tăng 5% tiền lương cho những người lao động và đã thành công.

IGM tập trung cho công tác đào tạo, chiếm 12 - 16% tổng kinh phí. Có bảy trung tâm đào tạo như ở Lohr. Các lớp học thường là một tuần theo phương pháp mới. Phòng học không có bàn, chỉ có ghế ngồi vòng quanh, có phòng ở cho học viên và các công trình vui chơi rất khang trang như: bể tắm, phòng xông hơi, phòng chơi bi - a, bóng bàn, Internet, bowling, phòng xem vô tuyến, ... các phòng ở của học viên rất khang trang nhưng không trang bị ti vi.

IGM sử dụng  lực lượng giảng viên kiêm nhiệm là chủ yếu. Giáo viên hưởng lương chỉ là người quản lý và chuyên giảng về phương pháp. Các lĩnh vực khác đều do giảng viên kiêm nhiệm đảm nhận. Họ là những đoàn viên ở các doanh nghiệp, nhiệt tình công tác Công đoàn được học phương pháp giảng dạy và say mê một vấn đề nào đó, được IGM mời giảng về vấn đề đó. Họ cộng tác chặt chẽ với Trung tâm đào tạo và Công đoàn cấp trên. IGM coi công tác đào tạo là hết sức quan trọng, đương nhiên nó phải phù hợp với các đoàn viên Công đoàn trong các điều kiện khác nhau.

Khi đoàn viên đã đóng đoàn phí họ đòi hỏi Công đoàn có những cán bộ có khả năng bảo vệ họ. Ông Roeder cho biết: IGM rất cân nhắc khi trao đổi phương pháp đào tạo với Việt Nam vì nó là thành quả 30 năm nhưng hiện nay nó cũng đang đứng trước ngưỡng cửa cần thay đổi vì nó liên quan đến sự thay đổi từng con người, từng nội bộ xí nghiệp.

Thách thức lớn nhất với Công đoàn Đức là mở rộng tác động Công đoàn vào các doanh nghiệp nhỏ. Đó là điểm yếu của chúng tôi nhưng ở đó đang vi phạm quyền lợi nhiều nhất. Tương lai Công đoàn như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ. Cạnh đó là sự thách thức của toàn cầu hoá. Ví dụ như các hãng thương mại kêu trời vì Trung Quốc đưa rất nhiều hàng may mặc sang. Hiện hàng may mặc ở Đức chỉ có 8% hàng nội. Đó cũng là lý do vì sao phải tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao đời sống cho người lao động ở các nước đang phát triển. Vì vậy cuộc đấu tranh của công nhân nếu không có Công đoàn sẽ rất khó khăn.

Hiện nay mất bảy triệu suất lao động rõ ràng tác động đến sức mạnh của IGM. Ngày 18/11/2005 sẽ tổng tuyển cử, dấu hiệu lực lượng lên cầm quyền sẽ gây khó khăn cho IGM. Nếu Đảng dân chủ Thiên chúa giáo lên cầm quyền sẽ cắt bớt quyền lợi xã hội. Trong 100 ngày đầu cầm quyền sẽ ban hành các Luật mới ảnh hưởng đến công đoàn như Luật về Quyền của Hội đồng Xí nghiệp, Thoả ước lao động tập thể trên diện rộng. Rất có khả năng các thành quả đã đạt được bị giảm bớt như hiện nay giới chủ doanh nghiệp đã tuyên bố do chi phí đắt, phải chuyển doanh nghiệp đi nơi khác hoặc người lao động phải giảm quyền lợi (tới 20%). IGM sẽ không bị tiêu biến nhưng sẽ có khó khăn và phải thay đổi. Tương lai IGM sẽ thành công đến đâu trong việc phát triển công đoàn trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Công tác đào tạo cũng phải thay đổi làm thế nào để người công nhân tự bảo vệ mình. Cơ cấu IGM sẽ có sự thay đổi, các Công đoàn vùng, cơ sở sẽ mạnh lên. Vấn đề là làm thế nào để đông người đoàn kết tự bảo vệ mình. 05 năm nữa các bạn sẽ không gặp IGM dưới dạng như thế này. IGM sẽ mạnh ở các vùng, cơ sở, phải xây dựng lại từ bên dưới lên. Công đoàn không nên trông chờ vào phán quyết của người khác mà phải tự trông chờ vào chính mình. Vấn đề là Ban chấp hành Công đoàn phải nhận thức được: Công đoàn chỉ mạnh khi cơ sở mạnh.

Hiện bảy Trung tâm đào tạo của IGM hàng năm bồi dưỡng 30 nghìn lượt người. IGM có 150.000 cán bộ tổ Công đoàn. Nếu không tăng cường đào tạo cho các vùng thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ...

10 ngày ở Lohr học tập và làm việc đã cho chúng tôi những hiểu biết của những người đi trước để áp dụng vào công việc của mình./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong