SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

Tâm sự Công đoàn

8/22/2014 12:00:00 AM
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch
Không phải chỉ có tôi mà chắc chắn nhiều cán bộ đoàn viên ở các Công đoàn cơ sở đều nhớ những lần đi du lịch của Công đoàn...

Không phải chỉ có tôi mà chắc chắn nhiều cán bộ đoàn viên ở các Công đoàn cơ sở đều nhớ những lần đi du lịch của Công đoàn. Có người nói đi du lịch về thấy trái đất như nhỏ lại. Hoặc đi du lịch về thấy yêu quê hương đất nước hơn...

Tổ chức cho cán bộ đoàn viên tham quan du lịch là hoạt động chăm lo lợi ích cho cán bộ đoàn viên, để đoàn viên gắn bó với tổ chức Công đoàn, đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người. Đối với Công đoàn ngành việc tổ chức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt đi tham quan du lịch là sự chăm lo, là sự đãi ngộ, là sự học hỏi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, còn là sự mở hướng, qua đó các công đoàn cơ sở có thể tổ chức những chuyến đi sau.

Vì vậy mỗi lần tổ chức tham quan du lịch là một sự chuẩn bị công phu. Cơ quan thường trực Công đoàn ngành đưa ra các hướng đi, thời gian, đối tượng, tài chính. Ban thường vụ nhất trí trình Ban chấp hành. Ban Chấp hành bàn và quyết định. Có khi sự chuẩn bị chu đáo của Ban Thường vụ vẫn không đạt được kết quả do Ban Chấp hành quyết định hướng khác. Sự bàn bạc thật sự dân chủ và tập trung ý chí nguyện vọng cao.

Năm 2011, Ban Chấp hành Công đoàn ngành quyết định tổ chức chuyến đi du lịch sang Lào từ mồng 8-13/4. Tôi biết tuyến đường này, đi đường bộ phải qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, con đường đi của lái xe và thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước. Nói đến lái xe Trường Sơn và thanh niên xung phong không ai viết thật và hay như Phạm Tiến Duật. Tôi biết toàn tập của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được in nhưng tìm ở các hiệu sách không có. Tôi nhờ một người bạn chuyên bán sách tìm hộ cũng không được. Tôi vào mạng tìm Phạm Tiến Duật, được biết toàn bộ sách đã trao lại cho gia đình Phạm Tiến Duật, có số điện thoại liên hệ với vợ nhà thơ. Tôi gọi điện, chị Nguyễn Thái Vân ở đầu bên kia đáp lại:

- Nếu chú ở Hải Dương thì đồng hương với tôi rồi đấy. Và còn đang công tác thì chắc chắn ít tuổi hơn tôi. Hải Dương gần Hà Nội, nếu chú có dịp đi công tác thì rẽ vào nhà lấy sách vì sách cũng nặng; nếu tôi ra bưu điện gửi thì cũng vất vả. Chú lên chơi, thắp cho anh nén hương.

- Vậy được chị cho phép, em sẽ lên nhận sách trực tiếp và thắp cho anh nén hương.

Thời nhà thơ Phạm Tiến Duật còn sống, tôi đã may mắn một lần gặp trực tiếp nhà thơ tại Hội Văn nghệ Hải Hưng. Khi đó anh Nguyễn Phúc Lai, chủ tịch Hội, mời nhà thơ về nói chuyện trong văn phòng Hội, chỉ có mấy anh em và thông báo mời tôi sang chơi.

Tôi đến nhà của nhà thơ, tại gác năm khu tập thể Trung Tự, Hà Nội. Nhà có hai phòng, tại phòng tiếp khách có bàn thờ và treo một số ảnh của nhà thơ (ảnh đen trắng thời chống Mỹ). Qua câu chuyện với chị Vân tôi được biết thêm nhiều hoàn cảnh và cuộc sống của nhà thơ. Tôi hỏi:

- Duyên cớ nào mà chị lại trở thành vợ của nhà thơ?

Chị Vân kể lại cả quãng đời thời thanh xuân đi dạy học ở Hà Tây, hè về gia đình ở Hà Nội chơi. Anh ruột chị là nghệ sĩ Trọng Khôi, chơi rất thân với nhóm Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Phạm Tiến Duật là lính lái xe, làm thơ trong chiến trường cũng thường ra gặp gỡ mỗi khi về Hà Nội. Hai người biết nhau, trước cùng học ở đại học Sư phạm I. Phạm Tiến Duật học khoa Văn; chị Vân học khoa Toán, chênh nhau vài khoá. Duyên gặp gỡ ấy nên vợ nên chồng. Quê gốc chị Vân ở Kim Đính, Kim Thành, Hải Dương.

Chị Vân đưa tôi hai cuốn thơ, một tuyển, một toàn tập của Phạm Tiến Duật với bút tích đề tặng. Đang viết, bút hết mực, tôi đưa bút của tôi cho chị viết, bút có màu mực khác, chị ngại. Tôi nói: “Không sao, chị cứ viết đi”. Tôi để năm trăm nghìn đồng vào túi bánh đậu xanh Hải Dương đưa lên bàn thờ và thắp hương.

Gia đình nhà thơ thanh bần, không như ban đầu tôi nghĩ...

Dọc đường du lịch, tôi đọc các bài thơ của Phạm Tiến Duật cho cả đoàn nghe. Nhưng cảm xúc mạnh nhất là bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Hoàng Hiệp đã phổ nhạc. Bài hát đã hay nhưng bài thơ còn hay hơn vì bài hát chỉ lấy mấy khổ, bài thơ dài hơn. Cả đoàn đi đến cửa khẩu Cầu Treo trời mưa tầm tã, một bên núi cao, một bên vực sâu, mờ mịt. Lái xe cho xe lăn từng bước. Cả đoàn nín thở im lặng. Đến cửa khẩu Cầu Treo vẫn mưa nhưng qua cửa khẩu chỉ gần một ki lo mét thì nắng bừng lên, thật đúng với câu thơ trong bài:

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Trường Sơn một dải rừng liền

Đọc xong bài thơ, thực tế, cảm xúc lắng lại, xúc động, như sống lại một thời từng đoàn xe đi, từng đoàn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ... Bài thơ đọc đúng không gian, địa điểm Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Sự chuẩn bị chu đáo thật không uổng.

Những lần đi du lịch luôn đầy ắp kỷ niệm.

Ngược dòng thời gian tôi nhớ vào năm 2007, tổ chức cho đoàn cán bộ đi Huế rồi trở ra Quảng Trị, thăm nghĩa trang liệt sĩ đường 9, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đi con đường Trường Sơn Đông, qua ngã ba Đồng Lộc về Hà Tĩnh. Cũng vẫn con đường gian khổ năm xưa của bộ đội, thanh niên xung phong. Tôi cho chuẩn bị cả lương khô để đoàn cảm nhận lại thời chiến tranh (dù chỉ một phần nhỏ). Dọc đường hát các bài ca về Trường Sơn. Chính lần đi này, đồng chí Phạm Văn Hoan, Chủ tịch Công đoàn công ty Sáng tạo Mốt đã xúc cảm viết một số bài thơ. Tôi chọn ba bài gửi đăng tạp chí Công đoàn Công Thương Việt Nam. Một lần anh Hoan nói chuyện ba bài thơ và chuyến đi với một thanh niên trẻ, cậu này có bố đi bộ đội, hay kể về thời oanh liệt ở Trường Sơn nên đã xin cuốn tạp chí đem về cho bố đọc. Rất may anh Hoan còn lưu giữ, xin gửi tới bạn đọc kỷ niệm này:

Lời người dưới cỏ

Chúng tôi có cả ngàn người

Trở về với đất, tuổi đời còn xanh

Vì “Hạnh phúc là đấu tranh”

Để cho đất nước thanh bình hôm nay

Xin đừng quên những tháng ngày

Thắm tình đồng đội, hăng say diệt thù

Sang giàu phải nhớ khi xưa

Thanh lương khô, bát nước dừa chia nhau

Sẻ chia miếng thuốc khi đau

Cùng nhau hoà giọng vang câu quân hành

Giờ nằm dưới lớp cỏ xanh

Âm dương cách biệt mà thành xa nhau

                                           Dưới chân thành cổ Quảng trị, 13/4/2007

 

 

Xin hãy yên lòng

Những nấm mồ tít tắp

Trắng một màu nghĩa trang

Thẳng lối và thẳng hàng

Như ngày trong quân ngũ

Máu anh, chị đã đổ

Cho cuộc sống hôm nay

Mãi mãi đất nước này

Nhớ công ơn liệt sĩ

Hãy an lòng yên nghỉ

Hỡi các chị, các anh

Vang mãi khúc quân hành

Có chúng tôi: Đồng đội

                                            Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, 14/4/2007.

 

Mặc niệm

                      Tưởng nhớ mười cô thanh niên xung phong

Lệ chợt nhoà sau làn kính viễn

Những mái đầu điểm bạc rưng rưng

Dâng các chị những nén hương thơm

Bồi hồi nhớ một thời khói lửa!

                             Ngã ba Đồng Lộc, 15/4/2007.

 

Những chuyến đi du lịch, tác dụng giáo dục thật lớn. Ngoài ra còn nhiều những cảm xúc khác gợi nhớ những kỷ niệm đẹp. Ngay trong chuyến đi này, anh Phạm Văn Hoan còn những bài thơ khác, những kỷ niệm riêng, xin phép tác giả dẫn ra một chút cảm xúc ấy

 

Bâng khuâng

                 Tặng T.

Lẽ nào đã phải lòng em?

Về Hải Dương vẫn nỗi niềm...Huế xa.

Bâng khuâng một chút gọi là

Bâng khuâng một chút...chỉ là bâng khuâng.

                                   Hải Dương, 20/4/2011

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong