SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 3, ngày 23/4/2024

Tâm sự Công đoàn

8/22/2014 12:00:00 AM
Một chuyến đi Tây hãi hùng
T. là thợ kỹ thuật của công ty may, có tham gia Ban chấp hành Công đoàn. Đùng một cái, T. mời tôi đến dự liên hoan để đi sang CHLB Nga lao động.

T. là thợ kỹ thuật của công ty may, có tham gia Ban chấp hành Công đoàn. Đùng một cái, T. mời tôi đến dự liên hoan để đi sang CHLB Nga lao động. Tôi những mong cho T. làm ăn phát đạt để vực kinh tế gia đình lên. Bẵng đi một thời gian, T. đột ngột đến chúc Tết tôi. T. kể tôi nghe những điều cay đắng trong chuyến đi Nga và mong muốn tránh cho nhiều người lao động khác. Sau đây là những điều T. kể:

“...Như em đã nói với anh trong hôm liên hoan chia tay, lương kỹ

thuật của em một tháng được ba triệu đồng. Nếu không có gì đột biến thì việc lo cho hai con đi học, chuẩn bị vào đại học và chi tiêu của gia đình sẽ khó khăn. Qua người thân chuyên làm việc môi giới đi nước ngoài nói rằng: đi sang Nga làm may trong công ty, chế độ làm việc một ngày 8 giờ, chủ nhật nghỉ, các vấn đề an ninh, quyền con người được đảm bảo. Tính chi phí ăn tiêu rồi còn mỗi tháng ít nhất được 500 – 600 USD để gửi về nhà. Sau 15 năm làm việc tại công ty sẽ được hưởng BHXH như một người lao động của Nga có BHXH. Sau 3 năm được về phép một lần và được hỗ trợ tiền vé máy bay. Chi phí cho chuyến đi Nga hết 40 triệu đồng trong đó gồm tiền vé máy bay, tiền visa, quyền lao động, hộ khẩu thường trú trong năm đầu (sang năm thứ hai người lao động tự đóng) và em đã nộp đủ 40 triệu đồng cho người môi giới.

Chuyến bay cất cánh từ Nội Bài lúc 11 giờ ngày 01/4/2008 bay thẳng tới Matxcơva vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày (theo giờ Việt nam là 21 giờ). Xuống sân bay mới thấy người lao động Việt Nam bị phân biệt đối xử. Cũng đứng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh nhưng khi có đoàn khách nước ngoài đi thì người Việt Nam phải lùi xuống để nhân viên làm việc. Xong việc mới tiếp tục làm thị thực nhập cảnh cho người Việt Nam. Mất 4 giờ em mới làm xong thị thực nhập cảnh vào Nga. Ra khỏi sân bay, chủ sử dụng lao động đến đón, đưa vào trung tâm thành phố. Đây chỉ là một chủ sử dụng lao động người Việt Nam làm nghề may có 7 – 8 máy may công nghiệp. Người sử dụng lao động đưa đến một căn nhà, thực chất là  một container đã cũ gồm 20 người, ăn và nghỉ trong đó. Nấu nướng thì ra ngoài trời sử dụng bếp ga. Mọi ăn uống do người sử dụng lao động nuôi và trừ vào lương khi đi làm. Thời tiết giá lạnh, nhiệt độ dưới 0 độ nhưng không có nước nóng. Chúng em phải dùng dây mayso sục và đem ra nhà vệ sinh để lau rửa (Không thể gọi là tắm được, anh ạ).

Khu vực em ở gồm nhiều container và các phòng ở ngăn tạm bợ bằng gỗ mùn cưa ép. Tổng số khoảng 400 người thuộc 16 xưởng nhỏ. Em thấy họ gọi đây là chợ San Kiệt.

Em ở đây 15 ngày thấy sinh hoạt quá khổ, qua môi giới em tự tìm chỗ làm khác cách xa Matxcơva 150 km. Đây gọi là Alencuvơ. Xưởng này có khoảng 30 người nằm trong khu vực nhà máy nước của Nga xây dựng từ năm 1974 nay đã bỏ hoang. Khi vào trong nhà, em thấy các cửa sổ được đóng kín và che bằng vải đen để không nhìn ra nhìn vào được. Cửa ra vào luôn luôn khoá và khi người lao động vào xong và chủ ra ngoài thì khoá lại để tránh cảnh sát và tránh người lao động bỏ trốn.

Phòng rộng nhưng giường ngủ chỉ là các tấm ván ghép lại. Giường ngủ của các cặp vợ chồng được che bằng các tấm vải. Người sử dụng lao động nấu cơm cho ăn và trừ vào tiền lương. Một tháng ăn và nghỉ như vậy mất 200USD. Công việc của em là may nhái tất cả các mặt hàng ở chợ mà chủ hàng tiêu thụ được. Thực chất là ăn cắp mẫu mã sản xuất hàng giả hàng nhái đem bán tại các chợ. Thời gian làm việc tối thiểu 12 giờ/ngày. ăn hai bữa sáng và tối, lương hưởng theo sản phẩm. Người chưa biết việc mất ít nhất 3 tháng tập việc mới làm được. Người đã có nghề may ở Việt Nam sang mất ít nhất 1 tháng. Như em đã thạo việc từ nhà thì làm như  vậy sau khi trừ tiền ăn ở, em còn 300 USD một tháng. Đấy là những tháng có việc còn 6 tháng không có việc. Một năm dù làm hay không làm cũng mất 1.000 USD mua hộ khẩu. Trong quá trình sống và làm việc, người lao động luôn bị áp lực của công việc, sợ cảnh sát ập đến lúc nào là bị bắt lúc bấy giờ. Người lao động không được rời nơi ở và làm việc, chỉ như con chim nhốt ở trong lồng. Suốt 6 tháng em không nhìn thấy ánh mặt trời. Vậy mà chỗ em vẫn còn may mắn, có nơi làm dưới hầm, cả năm không nhìn thấy ánh mặt trời.

Người Việt Nam thật khốn khổ, phải chạy cảnh sát như chạy Tây hồi chín năm kháng chiến chống Pháp. Khi đi ngủ chúng em vẫn mặc quần áo ấm và xỏ giầy để đề phòng cảnh sát đến là chạy được ngay. Chúng em chạy ra ngoài rừng, mạnh ai nấy chạy. Rừng đây là rừng nhân tạo xen lẫn các khu nhà ở để đảm bảo môi trường. Em được nhiều người kể lại có cô gái chạy trốn cảnh sát bằng cách dòng dây vải từ tầng 2 xuống tầng 1, vì dây đứt nên ngã xuống chết. Mỗi khi cảnh sát bắt được đưa lên xe bịt kín và lục soát. Bất cứ thứ gì là tài sản và tiền đều bị cảnh sát lấy sau đó họ đưa đến bìa rừng thả xuống. Người lao động không có tài sản bị đưa về đồn rồi cho liên lạc với người thân hoặc chủ sử dụng lao động đến chuộc lại. Nếu không có tiền chuộc phải đi lao động công ích không có lương, thời gian không có hạn định rõ ràng. Sợ nhất là bọn Amon (cảnh sát mặc quần áo rằn ri, bịt mặt, chỉ để ở hai con mắt). Bọn này đánh người vô tội vạ. Do bọn em lâu ngày không cạo râu, râu mọc dài, bọn này dùng kìm nhổ rồi cười. ở dãy 19 op Tàu còn không có nước để sinh hoạt. Mỗi lần đi tắm mất 50 rup. ở Việt Nam không có cảnh rận rệp nhưng ở đây chúng em phải thường xuyên tìm bắt bằng cách dùng bình xịt hoặc dùng máy sấy tóc sấy vào các khe cho rệp bò ra. Tối đến dùng điện thoại di động bật sáng để tìm, khi đó mắt rệp bắt ánh sáng loé lên là tìm được.

Như em cũng vẫn còn may mắn. Nhiều người gặp chủ không tốt bị họ tìm cách quỵt tiền và công nhân chán bỏ đi hoặc mỗi khi cảnh sát đến đập xưởng, mỗi người chạy một nơi thì cũng không bao giờ hy vọng đòi được tiền. ở nhà nghe nói nhiều người đi Tây rồi bồ bịch không về. Còn em và các đồng nghiệp chẳng có bồ bịch gì nhưng không có tiền để về. Suốt 10 tháng qua em không được xem tivi, đọc báo hoặc nghe radio, chỉ có nghe ca nhạc Nga qua sóng FM của điện thoại di động. Em cũng không biết gì về Việt Nam, muốn một tờ báo cũ của Việt Nam để đọc cũng không có. Nhiều lúc muốn khóc mà không khóc được.

ở đây nơm nớp lo sợ. Bọn amon chỉ chúng em nói: “Mạng chúng mày không bằng con chó. Có bắn chết chúng mày cũng chỉ đi tù”. Ngoài cảnh sát chúng em còn sợ bọn phân biệt chủng tộc đầu trọc. Bọn này gặp người đầu đen (Châu á) là đánh. Người Nga tốt bụng, người Việt ở Nga lâu năm đều khuyên trong năm có 3 ngày không nên đi ra ngoài. Đó là ngày chống phátxít, ngày Cách mạng tháng Mười và ngày Thuỷ thủ lên bờ. Những ngày đó bọn đầu trọc thường hay tụ tập hành động. Điều đó dễ hiểu vì sao hai sinh viên Việt Nam (trong đó có một người ở Hải Dương) bị đâm chết.

Em làm được 5 tháng thì qua một tờ báo lá cải của người Việt tại Nga rao vặt tìm người làm. Có một chủ Nga là Lisa cần người làm nên em đến đó. Chỗ này gọi là op Sông Hồng, cách chỗ làm cũ 100 km, điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Thoả thuận miệng là sau khi trừ tiền ăn ở, còn lại được 500 USD một tháng. Làm ở đây được 3 tháng nhưng em không được đồng tiền nào vì chủ bảo không có tiền vì ngân hàng không thanh toán do khủng hoảng tài chính. Ông chồng bà Lisa khuyên em nếu tiếp tục làm thì ông tìm hàng chợ may để có tiền ngay. Các tháng chưa trả tiền thì sẽ trả sau. Nếu không tiếp tục làm thì ra khỏi op luôn. Chúng em đã điện hỏi ngoại giao đoàn nhưng họ nói phải có hợp đồng lao động thì mới can thiệp được. Nhưng chúng em chỉ hợp đồng miệng, chủ không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Thế là chúng em mỗi người lại tuỳ theo sự liên hệ cá nhân mà tìm việc làm mới. Em về Naginxcơ cách Matxcơva 70 km. Đây là một khu vực nhà máy của Nga có nhà bỏ hoang. Có 5 xưởng may với khoảng 300 người Việt mới chuyển từ dãy 19 op Tàu về, do chỗ cũ đã bị cảnh sát đập xưởng (có đưa hình lên truyền hình Nga). Em làm ở đây được 2 tháng nhưng cũng chỉ có chủ nuôi cơm còn không được đồng lương nào. Những người làm trước em cũng không có lương. Phòng ở rộng khoảng 25 – 30 m2 nhưng tới 40 người nằm trong các giường tầng, cả nam và nữ lẫn lộn. Đôi lúc lại đùa nhau: “Hình như động đất ở đâu đó”. Ngày Tết Dương lịch mọi người tự lo. Chúng em vào rừng chặt cành cây đem về rồi lấy giấy tạo ra hoa giả để vui chơi với nhau cho quên nỗi vất vả nhọc nhằn và để đỡ nhớ nhà.

Mấy tháng cuối năm 2008 gần như xưởng nào của người Việt cũng không có việc. Từ đây em thấy đi đâu cũng khốn khó, không bằng ở nhà. Em tìm cách bắt liên lạc với gia đình để gửi tiền sang qua một người bạn giúp đỡ. Tại Việt Nam gia đình người bạn đến nhà em để lấy tiền. Theo em được biết: nhiều người Việt Nam muốn về nhưng không có tiền về. Bản thân họ lại mặc cảm vì đã tốn tiền đóng góp để đi nước ngoài, nay tay trắng về nhà là không hay, không phải chỉ có người Việt, những người gốc á đều như vậy. Em chơi với 2 người Udơbekixtan cũng trong trường hợp như em. Một người nhận em là bố, một người nhận em là anh. Hôm chia tay tất cả cùng khóc. Em phải nói dối là đi tìm chỗ làm mới nếu thấy tốt sẽ kéo họ đi”.

- Làm thế nào mà chú về được quê hương? Tôi hỏi.

- Trong hoạ còn có phúc. Em may mắn được ông chồng bà Lisa tạo điều kiện nhờ một người Việt Nam chuyên chở taxi đưa ra sân bay. Hôm chia tay để em về, 40 người Việt không ai có đồng xu nào để liên hoan. Chúng em liên hoan bằng những giọt nước mắt giữa kẻ đi người ở. Em có nói với mấy người cùng quê hương (Hải Dương) có quà gì gửi về quê không nhưng không ai gửi gì. Chỉ có 3 cô gái viết thư gửi em cầm về nhưng dặn đi dặn lại là nếu gia đình có hỏi thì đừng nói ra sự thật vì gia đình lo nghĩ.

Lúc lên máy bay là gần 12 giờ đêm (giờ Matxcơva) ngày 23/1 tức là đã 28 Âm lịch rồi nhưng cả dẫy người Việt không hề có không khí Tết vì không có tiền. Tại sân bay em bị cảnh sát Nga giữ lại kiểm tra giấy tờ. Họ thấy giấy quy định quyền lao động và visa không trùng ngày cấp nên đòi 5.000 rúp (tương đương 150 USD). Qua người lái taxi biết tiếng Nga thuyết phục, họ đưa em vào phòng cảnh sát sân bay và sau một hồi nhờ người bạn thuyết phục họ bắt nộp 2.000 rúp tại kho bạc mới được đi. Em không có tiền, người lái taxi lại cho em và nói: “Tôi giúp anh rồi người khác lại giúp tôi. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn”. Sau khi nộp tiền, em được lên máy bay. Sau 12 giờ, máy bay vòng qua Quata và về thành phồ Hồ Chí Minh lúc 8 giờ tối ngày 29/12 Âm lịch. Đến đây em nói với mọi người: “Thế là sống rồi, lại được làm người rồi”. Thực là xúc động qúa, em mua vé tiếp về Hà Nội. Và qua một chặng taxi, em về đến nhà lúc 11 giờ đêm 30 Tết, còn kịp  nhìn thấy pháo hoa quê nhà chào đón Xuân Kỷ Sửu.

Thế là em muốn xoá nghèo nhưng lại nghèo thêm. Hơn 10 tháng mất hết quyền con người, sống vạ vật, lầm lũi, lo sợ, buồn chán. Con người tranh giành nhau việc làm, miếng ăn, bị phân biệt đối xử. Em nghĩ: “Mình không nên mặc cảm mà phải dũng cảm vượt qua, không vì sĩ diện mà cứ sống như lẩn trốn tại nước ngoài. Dù bị lừa nhưng mình về nhà còn có cuộc sống tự do hơn, đàng hoàng hơn và còn giúp được gia đình. Em muốn anh làm thế nào để nhiều người biết mà tránh xa bọn lừa đảo vẽ ra tương lai tại miền đất hứa rồi đem con bỏ chợ, chỉ cốt kiếm được tiền. Nhiều người nhẹ dạ cả tin tìm đến miền đất hứa để đổi đời nhưng sự thực lại càng khốn khổ, không còn đường về nữa!”

Tôi đùa: “Coi như chú làm một chuyến đi du lịch sang Nga biết đó biết đây là được”.

T. chua chát: “Nào có được đi du lịch. Người ta nói đã đến Nga là phải biết quảng trường Đỏ nhưng em chỉ biết tuyến tàu điện ngầm, có biết ở đâu. Sống chui lủi, lẩn trốn, không luật pháp, lo sợ suốt ngày”.

Hai anh em cùng lặng đi. Sông có khúc, người có lúc! Ngoài kia mưa lất phất bay. Trời ấm dần lên. Mùa xuân vẫn len lỏi trong từng con người, từng nhịp sống. Nụ đào như đang thức dậy, cựa mình, phá lớp vỏ cứng xù xì để nở bông hoa thắm.

Ngày 02 tháng 2 năm 2009

_______________________________________________

Ghi chép ‘Một chuyến đi Tây hãi hùng’ được đăng trên tạp chí Lao động và Công đoàn Hải Dương số 11, tháng 3 năm 2009 và bản tin Công đoàn Công thương Việt Nam số 16 tháng 4 năm 2009. Sau khi được đăng, phóng viên báo Lao động điện thoại cho tôi đề nghị được đăng lại trên báo Lao động, tuy nhiên phải cắt cho gọn vì khuôn khổ tờ báo có hạn. Tôi đồng ý. Phóng viên đề nghị được gặp trực tiếp nhân chứng L.V. T. Tôi điện cho T. và T. đồng ý gặp nhưng thời gian sau đó phóng viên báo Lao động điện cho tôi : Ban biên tập báo đã họp, bàn và thống nhất không đăng vì mối quan hệ với Liên bang Nga và ảnh hưởng tới nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tự do ở Nga.

Vấn đề không hề nhỏ, không hề đơn giản chút nào.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong