SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

Tâm sự Công đoàn

8/22/2014 12:00:00 AM
Những mảnh đời trôi giạt
Con bé đứng tần ngần trước cửa nhà. Từ trong nhà ánh sáng hắt thẳng ra chiếu rõ lối đi hẹp với hàng gạch xếp lổng chổng. Nó không dám vượt qua vùng sáng ấy dù chỉ còn cách nửa bước chân...

Con bé đứng tần ngần trước cửa nhà. Từ trong nhà ánh sáng hắt thẳng ra chiếu rõ lối đi hẹp với hàng gạch xếp lổng chổng. Nó không dám vượt qua vùng sáng ấy dù chỉ còn cách nửa bước chân. Nửa muốn bước qua, nửa muốn dừng lại. Nó ngửi rất rõ mùi cơm gạo mới, mùi rau cải luộc và mùi thịt kho từ trong nhà bốc ra. Nó nhận ra cả mùi kẹo đắng kho với thịt để nhuộm màu. Mùi thức ăn thơm phưng phức làm nó bước từ nhà đến cửa nhà bác Hải. Đã tối lâu rồi, mọi người ăn cơm xong rồi. Nhà bác Hải cũng thường ăn cơm muộn vì chị Lan đi làm về. Nhưng chị Lan cũng chưa về, bác cứ ăn cơm trước với anh Tân để anh còn học bài. Giờ này người lớn tuổi còn đói bụng huống chi là nó, một đứa trẻ 09 tuổi. Đói quá, bị kích thích bởi mùi cơm nóng và thức ăn, nó không ngồi ở nhà được nữa mà muốn bước sang nhà bác Hải. Nhưng mẹ đã dặn: “Con không được ăn chực nhà ai, ăn chực là xấu. Chờ mẹ về rồi ăn. Cứ ở nhà học bài. Nếu mệt thì ngủ”. Vì câu dặn của mẹ mà nó nửa muốn bước qua vùng sáng ấy để được bác Hải gọi vào ăn cơm, nửa lại không dám bước qua vì sợ mẹ mắng.

Nhà bác Hải với nhà nó cách nhau một bức vách. Đây là khu tập thể của Công ty May ánh Dương. Bác thuê lại của một người trước đây cũng làm công nhân của Công ty nay đã nghỉ, có nhà ở chỗ khác nhưng vẫn giữ gian nhà đó cho thuê. Nhà nó cũng phải thuê như vậy. Hàng tháng mẹ nó vẫn phải trả tiền cho người chủ cũ. Căn nhà hẹp, nền đất trũng ẩm thấp quanh năm. Mái ngói dột nát nên mẹ nó phải căng nhiều tấm nilong che cho đỡ dột xuống giường. Hai mẹ con nó ngủ ở cái giường mét hai còn cái giường một kê dọc là giường cô Tâm. Cô cũng làm ở công ty với mẹ nó, cô đến ở cùng cho vui.

Nó nghe mọi người kháo nhau: Chồng bác Hải đi làm xa đã theo gái bỏ lại 03 mẹ con bác. Bác phải từ quê lên đây ở cùng chị Lan và lo cho anh Tân học để thi vào Đại học. Chị Lan là chị của anh Tân cùng làm ở công ty may ánh Dương với mẹ nó. Cũng đã nhiều lần bác Hải cho nó ăn cơm nhưng lần nào về mẹ nó cũng mắng nó. Mẹ bảo: “Lớn rồi, không được ăn chực nữa”. Nhưng mẹ thường xuyên về muộn. Có hôm nửa đêm mới về, có tối mẹ vội qua nhà cho nó ăn, bảo nó học bài rồi đi ngủ, mẹ khóa cửa lại và đi làm đến sáng.

Cái giường của mẹ con nó để buông màn quanh năm vì nó không tự mắc được màn. Mẹ dặn: “Không được nghịch ngợm lung tung vì điện giật, cháy nhà”. Thỉnh thoảng mất điện mẹ phải đi nhờ bác Long gần nhà đến mắc dùm. Bác Long hay “lườm” mẹ nó. Anh Tân bảo đấy là lườm yêu.

Mọi nhà ở khu tập thể này đều có tivi, chỉ nhà bác Hải và nhà nó đều không có. Lúc này nhà thì ăn cơm, nhà thì đang dọn dẹp nên nó cũng không đi xem ở đâu được. Mẹ đã dặn: “Không được xem tivi. Chịu khó học không thì khổ. Năm ngoái còn được học sinh tiên tiến, năm nay đứng cuối lớp rồi”. Vì thế mà nó thèm xem tivi lắm. Chơi mãi một mình cũng buồn phải sang hàng xóm nhưng trời tối rồi, đi đâu được. Nhà bác Hải đã ăn cơm xong. Nó lại quay về nhà, nằm lên giường chờ mẹ về. Sao mẹ lâu về thế?

Nhiều người cũng đi làm đều về sớm, sao mẹ nó, chị Lan và cô Tâm hôm nào cũng về muộn. Cô Tâm kém mẹ nó 7 tuổi, năm nay đã ba mươi sáu rồi, mẹ nó giục: “Thôi hoàn cảnh của mình nó thế, đồng ý người ta đi, tuổi của mình, phận của mình thì cũng chỉ lấy người góa vợ thôi, những người 40-50 chưa lấy vợ thì cũng hay có vấn đề. Người tốt, người giỏi ai để ý đến mình”. Cô Tâm thì hay cãi mẹ nó: “Em chẳng lo gì, cứ ở một mình cho nó rảnh. Cứ tưởng thằng đến sau hay hơn, ai ngờ còn kém hơn thằng đến trước”.

Lâu lâu mới có dịp cả 2 mẹ con và cô Tâm về thăm bà ngoại ở quê. Mà sao chẳng bao giờ mẹ đưa về thăm bà nội, bên nội, nói về bố cả. Có hỏi mẹ lại nói: “Bà nội chết rồi. Bố cũng chết từ khi chưa đẻ con cơ”. Nó thèm được như anh Tân có bà nội đến thăm cho quà. Có đêm nó nằm mơ được gặp bà nội. Bà cũng già như bà ngoại, cũng giống bà ngoại, cũng xoa đầu nó và nói: “Khổ thân cháu tôi”.

Ngày nào mẹ cũng đi làm từ sáng sớm, đến tối khuya mới về. Ngày nghỉ mẹ đi nhặt túi nilon, ống bơ, chai nhựa dân phố vứt ở thùng rác đem về bán. Không có chỗ để, phải để bên lối vào khu tập thể, lại bị người khác lấy đi mất. Cô Tâm bảo: “Chị đi nhặt làm gì cho mệt người?”. Mẹ nói: “Thêm đồng nào hay đồng ấy”. Cô Tâm bảo: “Thế một tuần chị được bao nhiêu?”, mẹ nói: “Được tám ngàn đồng”, “Thế thì làm gì cho mệt”. Mẹ khẽ khàng: “Còn hơn không có đồng nào…” Những câu chuyện giữa mẹ và cô Tâm mà nó nghe được đại loại như vậy. Cả hai đi làm suốt, có ở nhà mấy đâu.

Con bé ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

Nó giụi mắt ngái ngủ khi mẹ nó lay dậy: “Dậy ăn con, đói lắm phải không? Mẹ mua cơm và thức ăn về rồi đây. Hôm nay hoàn chỉnh hàng nên cố làm cho xong. Khổ thân con tôi. Đã hơn 12 giờ đêm rồi”…

Tháng 8 năm 2008

 

Trong một lần đi tặng quà và trợ cấp cho công nhân lao động gặp khó khăn. Tôi đã gặp nguyên mẫu trong truyện. Kết hợp với những thực tế đang diễn ra trong cuộc sống lao động của công nhân ngành may tôi đã viết truyện ngắn này. Truyện ngắn đã được đăng trên tạp chí Công đoàn Công Thương Việt Nam số 9 tháng 9 năm 2008 .

Sau khi truyện ngắn được đăng, có một số phụ nữ nói với tôi: “Anh viết về lao động ngành may vất vả quá. Cứ trôi dạt thế này thì ai dám lấy con gái ngành may”. Những năm trước đây, việc làm thêm giờ tràn lan, nhiều cuộc đình công đã xảy ra. Tình hình hiện nay đã khá hơn. Nếu như không còn ai như người trong truyện nữa thì thật mừng.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong