SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 19/4/2024

Tâm sự Công đoàn

8/22/2014 12:00:00 AM
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Trong quãng đời công tác Công đoàn, tôi có nhiều dịp được tham gia dự án đào tạo, biên soạn tài liệu đào tạo cán bộ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam...

Trong quãng đời công tác Công đoàn, tôi có nhiều dịp được tham gia dự án đào tạo, biên soạn tài liệu đào tạo cán bộ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trong đó có dự án phối hợp giữa Liên hiệp Công đoàn Đức với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đặt cơ quan thường trực tại trường Đại học Công đoàn Việt Nam do Phó hiệu trưởng Vũ Quang Thọ làm thường trực, cán bộ Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn là Đàm Quang Cử làm điều phối viên. Dự án đào tạo cán bộ công đoàn với nhiều chuyên đề công tác theo phương pháp tích cực. Trước đó tôi đã được Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đào tạo trở thành giảng viên giảng dạy theo phương pháp mới cho người lớn. Tôi được đi nhiều nơi, giảng nhiều lớp và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không phai mờ.

Năm 2001 Công đoàn Công nghiệp Việt Nam được Công đoàn Kim khí Đức giúp đào tạo cán bộ làm giảng viên theo phương pháp tích cực. Biết tôi đã từng giảng dạy ở trường Đại học Công đoàn Việt Nam, Ban tổ chức Công đoàn Công nghiệp Việt Nam điện thoại mời tôi tham gia học một tuần tại Quảng Ninh. Nhưng vì đợt triệu tập học lại đúng vào tuần tôi phải học lớp cử nhân chính trị nên không thể tham gia. Tôi đề nghị cử Phó chủ tịch đi thay, cấp trên đồng ý. Tôi dặn đồng chí Phạm Văn Trưởng (Phó chủ tịch CĐ ngành Công nghiệp Hải Dương) đi học cố gắng xin tài liệu và ghi chép đầy đủ để về tôi học lại.

Qua hai kỳ học (mỗi kỳ một tuần) các cán bộ được tham gia học tập đã mở lớp đào tạo ở Hà Nội và tôi được tham gia một tuần. Sau đó có lớp học tại Sầm Sơn cho các cán bộ Công đoàn công nghiệp khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh). Tôi được mời tham gia giảng dạy ngay trong khoá này.

Trong buổi giảng, khi trình bày một vấn đề, tôi đang viết trên giấy khổ to thì Q. - bạn giảng cùng kíp với tôi nói:

- Sai phương pháp rồi.

Và Q. giật bút của tôi, trực tiếp giảng. Tôi đứng ra bên cạnh chăm chú lắng nghe. Tôi lại nghĩ chính Q. đang sai phương pháp bằng hành động giật bút của tôi.

Ngồi nghe ở dưới lớp có hai chuyên gia của Công đoàn Kim khí Đức, đó là các ông Jo, Vanler sẽ giảng phần sau tại Cửa Lò, Nghệ An cho khoá 1 từng đào tạo và lựa chọn tôi giảng thử trước các chuyên gia.

Buổi chiều họp kíp giảng để nhận xét đánh giá kíp giảng, ông Jo bảo Q.:

- Thế mày giật bút của thằng Thắng như vậy, học viên họ bỏ ra ngoài cho hai thằng đánh nhau xong rồi vào học thì sao? Đó là việc làm không được phép diễn ra khi giảng.

Tôi còn thấy sau đó ông giơ ngón tay cái lên dứ dứ về phía tôi.

Lúc đi ăn cơm, tôi hỏi anh Phạm Tấn Phúc, người đại diện của viện FES và là người phiên dịch:

- Em thấy ông Tây chỉ ngón tay cái về phía em, thế là thế nào?

Anh Phúc cười nói:

- Nó khen ông đấy! Nó bảo ông number one!

Tôi yên tâm hơn và đến cuối đợt giảng, các chuyên gia đã quyết định cho tôi theo học ngay tại khóa 1 tại Cửa Lò trong tuần tiếp theo.

Liên tục theo học các khoá được triệu tập, cuối cùng các chuyên gia Đức đã chọn trong 60 người được đào tạo ra 20 người để đào tạo nâng cao, trở thành “máy cái” đào tạo các lớp giảng viên theo phương pháp tích cực.

Tôi theo học sau nhưng cũng được lựa chọn vào đội ngũ 20 người. Ông Vanler nói với tôi:

- Thắng tham gia sau nhưng lại về đích trước.

Khi tôi được lựa chọn tham gia dự án với Tổng Liên đoàn cũng rất tình cờ. Buổi sáng hôm ấy, anh Phúc ở viện FES gọi điện cho tôi:

- Hôm nay có hai ông Tây dạy ông xuống thăm đấy, ông chuẩn bị đón tiếp.

Tôi chờ đợi và lo lắng không biết báo ăn ở đâu cho hợp khẩu vị của người Châu Âu. Tôi chờ gần đến 11 giờ trưa mà không thấy gì, gọi điện lại cho anh Phúc để hỏi để liệu công việc chờ đợi tiếp nếu không có thì còn về nhà ăn cơm. Anh Phúc nói:

- Họ đi từ sáng cơ mà?

- Em không thấy gì cả! Tôi trả lời.

- Thế là có vấn đề rồi. Để tôi liên hệ lại với Liên đoàn lao động tỉnh. Ông cứ chờ đấy.

Một lúc sau tôi thấy đồng chí Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh gọi tôi sang ngay để làm việc. Tôi đến nơi thấy hai thầy người Đức đã dạy tôi, một phụ nữ Đức trẻ tên là Nina và Đàm Quang Cử, cán bộ Ban Đối ngoại Tổng liên đoàn, phiên dịch tiếng Đức.

Người quen cũ gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Các thầy hỏi tôi về tình hình đào tạo, nhu cầu đào tạo, nội dung cần đào tạo... Câu chuyện làm việc lẽ ra là với Liên đoàn lao động tỉnh, bây giờ chỉ còn laị giữa thày trò. Các câu trả lời của tôi đáp ứng được những mong muốn tìm hiểu của đoàn chuyên gia.

Quan bữa cơm trưa, các chuyên gia muốn đi bộ thăm thị xã. Tôi mời cả đoàn đi bộ về thăm trụ sở của Công đoàn ngành Công nghiệp Hải Dương. Tại phòng làm việc, các thầy thấy hình ảnh của mình ở các lớp tập huấn mà tôi tham gia và hình ảnh hoạt động của Công đoàn ngành. Họ rất thích.

Cô Nina tuy còn trẻ nhưng là trưởng đoàn nói:

- Tôi rất muốn trong khoá học tới có ông tham gia.

Tôi đáp:

- Tôi sẵn sàng!

Thế là khi bàn hợp tác với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong công tác đào tạo, cô Nina và các thầy dạy tôi đã đề nghị trong số các học viên chiêu sinh có tên tôi.

Được tiếp tục đào tạo, tôi được tham gia đi giảng ở nhiều nơi, có nhiều kỷ niệm song nhớ nhất vẫn là những lần phải vượt lên chính mình để đáp ứng yêu cầu của dự án.

Lần ấy đến giảng ở Bình Định. Trong kíp giảng có một giảng viên từ Đà Nẵng vào. Còn đoàn đi từ Hà Nội, bay vào Phan Rang. Từ Phan Rang đi Bình Định. Xong buổi giảng của tôi, trưởng đoàn Vũ Quang Thọ nói:

- Anh chuẩn bị bài Thoả ước lao động tập thể giảng cho cán bộ ở đây, sáng mai.

Tôi nói:

- Bài ấy bố trí anh V. cơ mà?

Anh Thọ nói:

- Anh V. nói chưa giảng bài này bao giờ, đề nghị anh giảng để dự giờ, anh V. sẽ giảng ở buổi sau.

Tôi nhận lời và buổi chiều, tối hôm đó miệt mài soạn bài mới để sáng hôm sau giảng. Anh V. ngồi dự giảng.

Hôm sau nữa anh Thọ lại yêu cầu tôi giảng tiếp vì anh V. nói mới nghe một lần nên muốn tôi tiếp tục. Tôi nhận lời. Vì có khả năng để “chữa cháy”, các nhận xét sau buổi giảng rất tốt nên tôi được cán bộ điều phối và cơ quan thường trực dự án gọi đi nhiều. Điều này cũng gây khó chịu cho một số ít người.

Một lần ra huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Liên đoàn lao động huyện đề nghị đổi bài giảng vì nhu cầu của cán bộ không giống với yêu cầu khi Liên đoàn lao động tỉnh đặt vấn đề với dự án. Anh Thọ lại gọi tôi yêu cầu chuẩn bị gấp để sáng hôm sau giảng. Đêm ấy tôi lại phải soạn thêm bài mới để đáp ứng yêu cầu vào sáng hôm sau.

Có lần khoa Luật trường Đại học Công đoàn mở lớp Đại học tại chức Luật cho công ty Than, cô Châu phụ trách khoa đã mời phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Viết Vượng đến khai mạc và giảng buổi đầu tiên nhưng sát ngày đi ông bị ốm không thể đi được. Cô vội tìm một người bạn là tiến sĩ Luật để giảng thay nhưng cô này lại có hợp đồng ở nơi khác nên không đi được. Loay hoay chưa biết thế nào thì về nhà, mở ngăn kéo bàn làm việc thấy quyển sổ tay cán bộ công đoàn của Công đoàn Công nghiệp Hải Dương tặng. Cô nhớ đến tôi, trước đã giảng cùng cô ở khoa Kinh tế lao động. Cô gọi điện ngay, mời tôi giảng và yêu cầu không được từ chối. Cô nói:

- Anh cứ nhận lời đi. Em sẽ đi qua Hải Dương đón anh đi Quảng Ninh.

Tôi nói:

- Nhưng anh đã biết nội dung bài giảng thế nào đâu? Sợ không đáp ứng được.

Cô quả quyết:

- Em biết khả năng của anh đáp ứng được. Em sẽ đưa nội dung tổng quan để anh xem, chắc chắn anh làm được.

Hai giờ chiều, xe đón tôi tại ngã ba đường 5 nối đường Thanh Niên, chiều tối đến công ty Than. Mọi người tắm rửa và đi ăn cơm. Xong xuôi công ty đón cả đoàn đi tắm nước khoáng nóng. Tôi đề nghị với cô Châu:

- Anh không đi được, phải soạn bài. Em cử cho anh một cán bộ làm vi tính giỏi để soạn các slide giúp anh.

Cô Châu cứ quả quyết:

- Anh đi tắm cùng đoàn, về làm vẫn kịp, em tin là anh hoàn thành mà.

Tôi nói:

- Cô chủ quan quá. Anh đã giảng bài này bao giờ đâu? Thôi, anh không đi đâu, cả đoàn cứ đi đi!

Cô Châu chọn cho tôi một giảng viên nữ trẻ, tốt nghiệp đại học Luật mới về khoa giúp tôi vi tính, tôi soạn đến đâu, cô làm slide đến đó. Đến 9h30’ thì xong, đoàn đi tắm nước khoáng nóng cũng vừa về, tôi ôn lại bài để chuẩn bị sáng mai khai mạc xong thì giảng. Kết quả tốt. Cứ nhìn thái độ tiếp thu của người nghe là biết. Tôi hiểu điều này thêm một lần nữa tại bãi biển Đà Nẵng.

Lần ấy tôi đi hội thảo tại Đà Nẵng. Hội thảo nghiêm túc và liên tục ba buổi rồi. Đến buổi chiều hôm cuối, không bố trí ăn cơm tập trung để các cá nhân tự lo và đi chơi tự do. Tôi thấy đến bờ biển Đà Nẵng hội thảo mà chưa đi ra bãi biển, chưa biết bãi biển đẹp thế nào nên lững thững một mình ra bãi biển, mua một bánh mì kẹp thịt, vừa đi vừa ăn và ngắm cảnh để tranh thủ thời gian. Đang vẩn vơ đi dạo và suy nghĩ thì đột ngột có tiếng chào:

- Em chào thầy!

Tôi ngượng quá vì tay đang cầm bánh và miệng đang nhai.

- Thầy còn nhớ em không?

Tôi nuốt vội và ậm ờ:

- ...còn... (kỳ thực trông quen lắm, gặp ở đâu rồi),.

- Em học lớp Luật ở Quảng Ninh mà.

- Cô ngồi bàn đầu, đúng không?

- Đúng ạ!

Tôi nhớ ra rồi. Cô gái ngồi bàn đầu ở lớp học Luật hôm ấy.

- Thế cô đi đâu?

- Em đi tập huấn theo ngành, mới vào chiều nay.

- Vậy à? Tôi vào được hai hôm rồi, đi hội thảo, ngày mai về.

Thêm một vài câu trao đổi nữa rồi chúng tôi chia tay, mỗi người đi theo một công việc của mình.

Đó là những kỷ niệm đẹp bắt nguồn từ các lớp học mà tôi tham gia làm giảng viên.

Tháng 5 năm 2014.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong