SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 7, ngày 4/5/2024

Bảo vệ quyền lợi NTD

3/6/2009 12:00:00 AM
10 sự kiện nổi bật liên quan đến người tiêu dùng năm 2008
Ngày 24-4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 55/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thay thế Nghị định số 69/2001/NĐ-CP từ năm 2001), Nghị định này hiệu lực kể từ ngày 21-5-2008 đã phần nào làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ

1- Nghị định mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 24-4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 55/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thay thế Nghị định số 69/2001/NĐ-CP từ năm 2001), Nghị định này hiệu lực kể từ ngày 21-5-2008 đã phần nào làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ như: trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác; trách nhiệm bảo đảm tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; trách nhiệm bảo hành; trách nhiệm bảo đảm cho người tiêu dùng .… Nghị định mới được đánh giá là khả thi hơn khi quy định tương đối chi tiết các vấn đề về thủ tục giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng như: hình thức khiếu nại, thời hiệu khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại…. tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Trong giai đoạn chờ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua vào năm 2010, Nghị định mới đóng vai trò hết sức quan trọng và tác động lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường hàng hóa Việt Nam.

2 - Hình thức gian lận cước taxi tinh vi bị phát hiện.

Trong năm 2008, một số hãng taxi thực hiện hành vi gian lận cước đã bị phát hiện tại các đô thị lớn trong cả nước. Thủ đoạn tinh vi mà những tài xế thường áp dụng để gian lận cước là gắn bộ tăng cây số do Trung Quốc sản xuất dưới gầm xe, nút bấm điều khiển dưới vô-lăng xe. Mỗi khi tài xế bấm còi trong vòng 1 giây sẽ làm tăng quãng đường lên khoảng 2km so với thực tế. Những hành vi này bị cộng đồng lên án và nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng ngay lập tức đã được đưa ra như: cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, kiểm định xe; lắp đồng hồ tính cước có hóa đơn; gắn niêm chì trên đồng hồ, dán niêm kiểm định; thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh ngành taxi....

3 - “Bão melamine” tràn qua Việt Nam.

Khởi nguồn vào tháng 9-2008, từ vụ Tập đoàn Tam Lộc (doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa hàng đầu Trung Quốc) bị cơ quan chức trách Trung Quốc phát hiện đã sử dụng hóa chất công nghiệp melamine trong việc chế biến sữa cho trẻ em. Sau đó, hàng chục doanh nghiệp khác của Trung Quốc cũng bị quy trách nhiệm như Tam Lộc khi đưa các loại sữa “bẩn” này ra thị trường, khiến gần 300.000 trẻ em mắc bệnh sỏi thận, sạn thận. Vụ bê bối trên tiếp tục làm chấn động ngành thực phẩm toàn cầu khi hàng loạt quốc gia công bố đã nhập khẩu sữa và các nguyên liệu sữa nhiễm melamine từ Trung Quốc, danh sách các loại thực phẩm chế biến từ sữa nhiễm melamine cũng tăng dần lên, gồm các loại: bánh gạo, bánh kem, bánh biscuit, cà-phê, trà, kẹo socola, bánh snack, nước ngọt. Tại Việt Nam, sự kiện “bão melamine” được chính thức ghi nhận khi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đã nhập nguyên liệu nhiễm melamine từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ và xử lý kiên quyết, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia nhanh chóng công bố “thị trường sữa an toàn” cho người tiêu dùng vào trung tuần tháng 12.

4 - Móc túi người tiêu dùng trong lĩnh vực xăng dầu.Gian lận trong đo lường và kinh doanh sản phẩm xăng dầu là thực trạng mà nhiều năm qua người tiêu dùng Việt Nam đã phải gánh chịu. Năm 2008, giai đoạn mà giá xăng trong nước gặp nhiều biến động do tình hình thế giới càng khiến nhiều gian thương gia tăng hành vi “móc túi” khách hàng bằng thủ đoạn tinh vi hơn. Theo một số thống kê chưa chính thức, những kiểu đong thiếu xăng, gắn chíp điện tử, pha xăng dỏm… đã khiến người tiêu dùng thiệt hại với giá trị ước tính lên đến vài trăm tỷ đồng. Cũng trong năm nay, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng loạt lên tiếng phê phán các hành vi gian lận trong đo lường xăng dầu, đồng thời, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị truy tìm và xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân buôn bán, cung cấp những thiết bị, phụ kiện tiếp tay cho việc thi hành gian lận thương mại.

5 - Rượu độc và bài học từ mạng người.

                   

                                                                   (Ảnh minh hoạ)

Methanol là một chất độc hại thường làm dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ, được coi như một chất dung môi công nghiệp. Methanol khi vào cơ thể có khả năng tích lũy nếu con người thường xuyên uống vào loại độc chất này. Cụ thể, nếu một người hấp thu khoảng 7ml methanol có thể rơi vào tình trạng hôn mê và dẫn đến tử vong do chất này chuyển thành formaldehyd và acid formic rất độc. Hai chất này làm tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh thị giác bị tê liệt, gây ngừng hô hấp. Tại nước ta, bắt nguồn từ nhiều trường hợp người dân tử vong sau khi uống rượu, Bộ Y tế đã tiến hành các đợt kiểm tra rộng khắp và phát hiện nhiều trường hợp cơ sở nấu rượu kém chất lượng và rượu độc. Số liệu từ Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, có tới 90% rượu do người dân tự nấu có hàm lượng độc tố và tạp chất cao gấp hàng trăm lần so với rượu đã thực hiện theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay tại TPHCM, Sở Y tế cũng đã phát hiện trường hợp cơ sở nấu rượu có hàm lượng methanol cao gấp 400 lần cho phép (hàm lượng methanol trong rượu được quy định giới hạn khoảng 0,1%. Nghĩa là cứ 1.000ml rượu mới có 1ml methanol).

6 - Thuốc giả và GPP - Hai thử thách lớn của ngành y tế.

Số liệu của Cảnh sát Quốc tế Interpol cho thấy Việt Nam đang là nước có mẫu thuốc giả lưu thông nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Bất chấp nỗ lực ngăn cản của các cơ quan chức trách, thuốc giả vẫn được vận chuyển vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không... cho đến mua bán qua mạng internet, tạo nên thử thách lớn cho ngành y tế Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngược lại với tình trạng thuốc giả hoành hành, năm 2008 cũng là năm bản lề cho việc triển khai hệ thống "Thực hành nhà thuốc tốt - Good Pharmacy Practices (GPP)" - mô hình có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp kiểm soát nguồn thuốc đầu vào, chất lượng thuốc và khả năng cung cấp thuốc an toàn cho người bệnh tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, theo lộ trình đến ngày 1-1-2011, mô hình GPP sẽ được áp dụng bắt buộc trong tất cả nhà thuốc trên toàn quốc.

7 - Cấm sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Quy định bắt buộc tất cả người tham gia lưu thông đường bộ bằng môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) hiệu lực từ cuối năm 2007 đã thực sự trở thành vấn đề nổi bật trong năm 2008, thời điểm mà đại bộ phận người tiêu dùng khá quan tâm đến tiêu chuẩn, chất lượng các loại MBH. Nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn NBH quốc gia với các quy định cụ thể: MBH phải có cấu tạo cơ bản theo 3 kiểu dáng: mũ che nửa đầu (bảo vệ phần đầu phía trên của người đội); che cả đầu và tai (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm và tai); che cả đầu, tai và hàm (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm, tai, cằm). Các loại MBH có gắn vành vải rộng để che nắng, che khuất tầm nhìn bị buộc phải gỡ bỏ phần phụ kiện này, phải có chu vi vòng đầu 500-520mm, khối lượng từ 0,8kg đến 1,5kg… Với quy chuẩn này, hầu như những lo ngại của người tiêu dùng về thông số chất lượng MBH đã được giải tỏa, cũng đồng nghĩa với việc các loại MBH không đạt theo quy chuẩn (kể cả các loại MBH thời trang) sẽ bị cấm sử dụng.

8 - Tranh cãi xung quanh việc thu phí ATM.

Năm 2008 xuất hiện sự kiện ngay trong hệ thống các ngân hàng thương mại và khách hàng đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc áp dụng thu phí thẻ ATM (máy rút tiền tự động). Đối với đại đa số ngân hàng thương mại, việc thu phí thẻ ATM là vấn đề bức thiết giúp các ngân hàng đủ chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng đã lên tiếng phản ứng trước động thái thu phí thẻ ATM, thậm chí nhiều khách hàng còn khẳng định sẽ không tiếp tục sử dụng thẻ nếu như bị tính phí. Cuối cùng, sau những tranh cãi giữa hệ thống ngân hàng thương mại và người tiêu dùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức yêu cầu việc lùi thời hạn áp dụng thu phí đến năm 2009, với lộ trình phù hợp hơn.

9 - Tin đồn thất thiệt và những hệ lụy khôn lường.

Không đơn thuần là một sự kiện riêng lẻ, vấn đề tin đồn thất thiệt đã thực sự gây tác hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tạo ra những hệ lụy khá lớn ngăn cản sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Nhìn lại năm 2008, mọi người vẫn còn nhớ chỉ trong vòng thời gian ngắn, tin đồn thiếu gạo “ảo” đã tạo ra những hình ảnh “thật” là người dân chen lấn đổ xô mua gạo tại TPHCM với mức giá “sốt” gấp 3 - 4 lần giá lúc bình thường. Đó là chưa kể những tin đồn về thuế xe ôtô, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng … liên tục gây nên tâm lý bất an trên thị trường hàng hóa cả nước. Và trải qua mỗi tin đồn, dường như người tiêu dùng trong nước lại có thêm những kinh nghiệm thiết thực để đối phó với nạn đầu cơ, ghìm hàng tăng giá. Về góc độ quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế sự tồn tại của các tin đồn thất thiệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn số 5431/VPCP-KTTH ngày 19-8-2008, yêu cầu: các Bộ, ngành chủ động công bố công khai sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và của các Bộ về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu để người dân biết, cảnh giác với các thông tin sai lệch có thể xảy ra… UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời xử lý những biến động bất thường về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt trên địa bàn, gây tâm lý bất ổn trong xã hội.

10 - Hàng lậu và hàng giả vẫn tồn tại.

Năm 2008 khép lại với những nỗ lực chiến đấu “không mệt mỏi” của các lực lượng chức năng nhằm chống lại tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng trên phương diện thực tế, các vấn nạn này dường như vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm ngay trước giai đoạn đất nước “mở cửa” toàn bộ thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn năm 2009 sẽ là thời kỳ cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều đại gia bán lẻ thế giới và các kênh phân phối hàng hóa truyền thống tại Việt Nam. Do đó, nếu tư duy của các nhà kinh doanh Việt Nam vẫn duy trì trạng thái cũ, không cập nhật những quan điểm mới về kinh doanh hợp pháp, chất lượng và bản quyền sản phẩm thì chúng ta sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong tương lai. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ “thua ngay chính trên sân nhà” và người tiêu dùng thì phải gánh chịu nhiều thiệt hại dài lâu. Hàng lậu và hàng giả - vấn nạn thực sự của thời hội nhập./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Gần 180 đại biểu dự Hội nghị phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại huyện Thanh Hà (10/20/2023 5:05:05 PM)
Tổ chức lại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lại người tiêu dùng Việt Nam (9/21/2018 3:56:18 PM)
Nguồn gốc hàng dệt may - khó quản lý (12/7/2017 4:35:06 PM)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan đến Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (7/6/2017 10:13:20 AM)
Kinh nghiệm kiểm soát việc sử dụng các loại thuốc thú y, kháng sinh độc hại trong chăn nuôi của một số quốc gia trên thế giới (4/29/2016 3:08:03 PM)
Một số kiến thức cơ bản về mã số - mã vạch (3/31/2016 10:09:32 AM)
Từ "Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới" đến "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam" (3/22/2016 11:03:07 AM)
Tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 (1/21/2016 11:01:54 AM)
Tổng kết Dự án nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy (10/13/2015 3:37:09 PM)
Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng (4/24/2015 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong