SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 3/5/2024

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

4/26/2023 7:19:09 PM
Vải thiều Thanh Hà, Top 10 trái cây đặc sản ngon nhất thế giới hứa hẹn vụ mùa bội thu
Vụ vải năm 2023 đang tới gần, dự kiến từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, hứa hẹn một vụ mùa bội thu với sản lượng, chất lượng vượt trội so với những năm trước.
   
Chiều ngày 26 tháng 4 năm 2023, Sở Công Thương Hải Dương phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm 2023. 
 

Vải thiều Thanh Hà từ lâu đã được biết đến là đặc sản nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn đứng Top đầu trong 10 trái cây đặc sản ngon nhất thế giới. Vải thiều Thanh Hà đạt được nhiều giải thưởng danh giá và cũng chính là cội nguồn nhân giống, sản sinh ra những vùng vải ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện nay.

Chất lượng của quả vải thiều đã được khẳng định bởi nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, đã trở thành tinh hoa đặc sản trái cây Việt Nam. Bất cứ thực khách nào lần đầu thưởng thức cũng phải trầm trồ với vị ngọt lành thanh mát, hương thơm nhẹ; cùi vải mềm giòn và trong như thạch bích,  mọng nước nhưng khi bóc rất khô ráo. Hạt vải thiều nhỏ xinh chứ không to như các loại vải khác.

Hiện nay cây vải thiều tổ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà vẫn còn sống xanh tốt và được kỷ lục Guinness thế giới công nhận là vải thiều tổ lâu đời nhất của Việt Nam. Chính vì thế, việc gìn giữ và phát huy giá trị của quả vải thiều Thanh Hà, kết hợp với với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn để quảng bá tinh hoa, giá trị của quả vải thiều đến với du khách trong cả nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, đưa quả vải thiều ngày cáng vươn xa ra thị trường thế giới. 

 

Chủ trì hội nghị có ông Trần Văn Hảo – Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư huyện ủy Thanh Hà, ông Phạm Văn Hùng – Phó Bì thư thường trực huyện ủy, ông Vũ Việt Anh – Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà. Dự hội nghị có ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ Trưởng Vụ châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương; các doanh nghiệp thu mua, chế biến vải; UBND các xã, thị trấn, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, các Hợp tác xã có nhiều diện tích trồng vải.  

 

Hội nghị Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và thiếu Thanh Hà năm 2023

 Vụ vải năm 2023 đang tới gần, dự kiến từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, hứa hẹn một vụ mùa bội thu với sản lượng, chất lượng vượt trội so với những năm trước. Hiện nay toàn huyện đang duy trì sản xuất 3.300 hecta vải (trong tổng số gần 10.000 hecta vải của toàn tỉnh) với sản lượng từ 35.000 – 40.000 tấn. Trong đó, diện tích vải sớm khoảng 1.600 hecta, vải thiều chính vụ là 1.700 hecta. Diện tích vải được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP ngày càng được mở rộng, chất lượng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU ngày càng tăng về cả sản lượng và diện tích đáp ứng tốt nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Niên vụ vải 2023, số lượng vùng trồng theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và diện tích tiếp tục được mở rộng tại các xã Thanh Quang, Vĩnh Lập, Thanh Sơn, Thanh Xá và Thanh Hồng. Toàn huyện hiện có 45 vùng sản xuất với 450 hecta vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 hecta đạt tiêu chuẩn Global GAP. Huyện đã phối hợp với Viện Rau quả của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai nghiên cứu đề tài sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại hai xã Thanh Thủy, Thanh Khê với diện tích 03 hecta, thời gian thực hiện trong 3 năm.

Về cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói: Năm 2023 toàn huyện đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.200 hécta. Trong đó có 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, 40 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Úc, 36 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản, 39 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ, 08 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan.

Toàn tỉnh đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan. Hiện Sở NN&PTNT đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày.

Dự kiến từ giữa tháng 5 trà vải sớm của huyện Thanh Hà gồm vải u trứng, vải u hồng và Tàu lai bắt đầu cho thu hoạch nhưng ngay tại thời điểm này đã có nhiều thương lái tìm đến tận vườn vải để đặt mua vải sớm với giá hơn 120.000đ/kg.  

Năm nay, tổng sản lượng vải của tỉnh Hải Dương dự tính đạt từ 60.000 – 65.000 tấn (trong đó của riêng huyện Thanh Hà là 40.000 tấn, vải sớm là 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn), sản lượng tăng hơn so với niên vụ 2022 - 2022. Toàn bộ diện tích trồng vải đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Trong đó, có 15.000 tấn đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính đòi hỏi kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Những vườn vải thiều chính vụ được các hộ dân theo dõi, chăm sóc cẩn thận theo quy trình sản xuất, ghi chép ngày giờ bón phân, tưới nước, sử dụng đúng loại thuốc phòng trừ sâu bệnh đã được chỉ định... 

Để đảm bảo vải thiều có chất lượng tốt nhất trong khâu sản xuất, UBND huyện khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây… Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái tại một số điểm. 

Mặt khác, UBND huyện cũng tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá vải thiều trên các kênh thông tin báo, đài từ trung ương đến địa phương và trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại vải thiều tại các thành phố lớn trong nước, phối hợp với các trung tâm siêu thị lớn tại các thành phố tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp. Đồng thời huyện cũng triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch sông Hương, du lịch miệt vườn kết hợp trải nghiệm hái vải; hướng tới việc đầu tư quy hoạch vùng sản xuất thâm canh cây trái đặc sản phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn,.. tham quan trải nghiệm và thưởng thức trái cây, vật nuôi tiêu biểu của huyện.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số doanh nghiệp thu mua, chế biến vải thiều xuất khẩu cũng cho biết đã có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, EU, Úc, Thái Lan, Malaysia… lên tới hàng nghìn tấn và đang chờ tới mùa vải chín để thu mua, chế biến phục vụ xuất khẩu. Nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài rất lớn nhưng công suất tại một số nhà xưởng phục vụ chế biến có hạn nên không thể đáp ứng đủ tất cả các đơn hàng trong thời gian ngắn vì vụ vải chỉ kéo dài chưa đầy 2 tháng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất quan tâm tới việc thu mua vải quả có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy người trồng cần tiếp tục tuân thủ chăm sóc, thu hoạch vải theo đúng quy trình VietGAP và GlobalGAP để quả vải đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khó tính, tránh việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch. Đồng thời các doanh nghiệp cũng mong muốn được UBND huyện tạo điều kiện mở thêm điểm thu mua tại các vị trí thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết những năm qua Sở luôn quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Ngoài việc phối hợp với các báo, đài tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản vải thiều Thanh Hà tới du khách trong nước và quốc tế trên các phương tiện truyền thông đa kênh có độ phủ rộng như đăng video clip, hình ảnh và bài viết, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Á – Phi, Vụ châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức nhiều Hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trọng điểm; tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương sau các hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến trong và ngoài nước, đặc biệt là với các nhà nhập khẩu lớn ở nước ngoài do Thương vụ Việt Nam hỗ trợ kết nối. Qua đó nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được các hợp đồng lớn với đối tác mới, xuất khẩu hàng nghìn tấn vải thiều tươi, nhãn tươi và nhiều mặt hàng khác ra thị trường nước ngoài.

 

Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Trần Văn Hảo đánh giá cao thị trường tiêu thụ vải thiều trong nước.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang các thị trường cao cấp, thị trường mới và các thị trường truyền thống, ông đánh giá thị trường trong nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn, đông dân cư. Vì vậy công tác xúc tiến thương mại vải thiều phải phối hợp giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Xúc Tiến Thương mại, Sở Công Thương các tỉnh trong cả nước, các cơ quan báo đài tăng cường quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương nhằm giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng về đặc sản này. Ngành công thương cũng chủ động liên hệ, kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá về thương hiệu, chất lượng, sản lượng vải thiều Hải Dương và thông qua các hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới các thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng.

Được sự quan tâm của Bộ Công Thương, trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại, tổ chức Hội nghị tiếp xúc với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh giao thương trực tiếp với các đơn vị phân phối, nhập khẩu ở trong và ngoài nước. Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên cung cấp thông tin xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ vải thiều tới các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ các đơn vị thông tin nhu cầu kết nối giao thương. Ngoài ra, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp cần gần chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác mới để mở rộng kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam. Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này đặt ra những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu. Hiện nay Trung Quốc là thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Khi địa phương đã làm tốt khâu quản lý chất lượng sản phẩm thì thị trường Trung Quốc luôn rộng mở và tạo ra rất nhiều cơ hội với mặt hàng trái cây từ Việt Nam.

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên tích cực hỗ trợ huyện trong công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Ông khẳng định huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân trồng vải duy trì sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để quả vải không chỉ là tinh hoa của địa phương mà còn là tinh hoa của tỉnh, của quốc gia, đưa thương hiệu trái vải thiều Thanh Hà ngày càng vươn xa và được khẳng định trên bản đồ trái cây thế giới. 

 

Các đơn vị doanh nghiệp thu mua và sản xuất ký kết hợp đồng nguyên tắc với Hợp tác xã và tổ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và Tiểu Thanh Hà năm 2023.


Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. (5/1/2024 8:10:08 AM)
Hưởng ứng các hoạt động Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và và Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2024 (4/12/2024 8:35:13 AM)
Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại tại Bulgaria và Kazakhstan (4/8/2024 3:06:19 PM)
Đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương (3/27/2024 9:29:04 AM)
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm trong năm 2024 (3/25/2024 4:37:08 AM)
Thông báo: Thay đổi thời gian tổ chức Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Australia 2024 (3/12/2024 2:32:38 AM)
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm tiêu biểu tại các lễ hội truyền thống (2/25/2024 10:39:27 AM)
Mời doanh nghiệp tham gia Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Áo và Đức (2/22/2024 3:49:00 PM)
Sôi động Lễ hội thu hoạch hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (1/20/2024 3:43:22 PM)
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ (1/16/2024 10:09:01 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong