SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 2/5/2024

Hoạt động BCĐ 389

3/23/2009 12:00:00 AM
Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2009: Chông gai phía trước
Ngày 21/3/2009, Ban chỉ đạo 127TW đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại năm 2009. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng – Trưởng Ban Chỉ đạo 127TW chủ trì Hội nghị .

Buôn lậu, gian lận tinh vi muôn lối

Trong năm 2008, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thuốc lá ngoại, rượu ngoại, nước giải khát, máy điều hòa nhiệt độ, gỗ quý hiếm, động vật hoang dã quý hiếm…

Đánh giá về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng – Trưởng Ban Chỉ đạo 127TW khẳng định: Phương thức, thủ đoạn của hành vi buôn lậu ngày càng tinh vi và sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Thậm chí, các đối tượng được trang bị máy thông tin liên lạc để theo dõi lực lượng chức năng và điều hành buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Điều này gây khó khăn và là một thách thức rất lớn đối với lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

Theo Phó Tổng Cục trưởng- Tổng Cục điều tra Cục Hải quan Nguyễn Ngọc Tùng, tại các cảng nội địa và một số bến bãi có địa hình phức tạp, khó quan sát, hàng hóa thẩm lậu thường được tập kết với số lượng lớn và vận chuyển đi Trung Quốc hoặc dùng bộ hồ sơ lưu thông nội địa để hợp thức hóa khi có lực lượng kiểm soát, đưa tàu gần đến lãnh hải quốc tế rồi rẽ đi xuất lậu. Nổi bật trên các tuyến Biển là tình trạng vận chuyển hàng lậu hoạt động về ban đêm và sử dụng tàu công suất lớn. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng sẵn sàng vứt hàng xuống biển.

Đặc biệt, một số đối tượng nước ngoài còn lợi dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bằng container và thông qua các hình thức chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, thậm chí hàng gửi kho ngoại quan cũng có hành vi vận chuyển hàng cấm.

Nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn lợi dụng quy định về phân luồng hàng hóa, ưu tiên doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật để buôn lậu, gian lận; xuất, nhập khẩu hàng hóa sau khai báo về tên hàng, chủng loại, xuất xứ; nhập khẩu hàng thừa so với khai báo, không khai báo; nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định.

Hơn nữa, ở nhiều vùng biên giới, lợi dụng dân trí thấp và đời sống khó khăn của nhân dân, đối tượng “đầu nậu” không trực tiếp tham gia việc vận chuyển hàng lậu mà thường khoán gọn cho người làm thuê, người vận chuyển, gắn trách nhiệm của họ bằng cách đặt cọc số tiền tương ứng với trị giá số hàng vận chuyển. Đây là một hành vi rất xảo quyệt và độc ác, bởi một khi bị bắt, những người này sẽ chống trả lại lực lượng quản lý rất quyết liệt.

Ngoài hành vi lợi dụng về chính sách quà tặng để nhập tân dược trái quy định và các loại hàng hóa có giá trị cao như: ngoại tệ, vàng, kim loại quý, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim..; các đối tượng còn tận dụng chính sách ưu đãi đối với cơ quan ngoại giao, chuyên gia nước ngoài, phương tiện hoạt động trong khu kinh tế cửa khẩu để gian lận sử dụng ô tô mang tên nước ngoài.

Bên cạnh đó, hoạt động gian lận của doanh nghiệp còn diễn ra dưới hình thức khai thấp trị giá hải quan, nhập hàng vào khu miễn thuế niêm yết giá bán thấp, sau đó thông đồng với “đầu nậu” tổ chức thuê người mua gom hàng theo tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân biên giới, người du lịch để vận chuyển về nước tiêu thụ. Nhiều mặt hàng được nhập khẩu vào Việt Nam rồi lợi dụng cơ chế xin giấy chứng nhận xuất xứ C/O Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này không những gây ảnh hướng xấu đến chất lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mà còn gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng điều tra bắt giữ trong việc phân định và xử lý.

Tăng cường lực lượng, quyết liệt xử lý

Thời gian tới, hoạt động buôn lậu qua biên giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động và sẽ tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận lớn. Vì thế, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong tình hình mới cần phải được tăng cường mạnh mẽ và triển khai quyết liệt hơn nữa.
Với thực trạng kinh phí, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú- Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 127TW: Vấn đề tiên quyết hiện nay là chất lượng và số lượng của lực lượng chức năng chống buôn lậu. Chúng ta không thể đưa ra kết luận điều tra mà chỉ dựa trên kinh nghiệm và quan sát trực quan. Phải làm sao để lực lượng chức năng chống buôn lậu được trang bị các phương tiện kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa để có thể áp dụng các biện pháp phi thuế quan trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu. Cần hỗ trợ nguồn kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, mua tin, giám định sản phẩm cũng như đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, đặc biệt đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Đề án công nghệ thông tin của lực lượng Quản lý thị trường để hiện đại hóa công tác thu thập số liệu báo cáo và xử lý thông tin nghiệp vụ; xây dựng hệ thống cơ sở dự liệu và tin học hóa công tác kiểm tra- kiểm soát.

Bên cạnh đó, một trở ngại không nhỏ là tình trạng người dân địa phương ở gần tuyến biên giới còn trực tiếp mang vác hàng hóa cho các đối tượng gây nên tình trạng lộn xộn, phức tạp trên địa bàn. Phó Tư lệnh- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Vũ Trần Bình khẳng định: Ở khu vực biên giới, bên cạnh đổi mới, nâng cao hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới không tiếp tay cho bọn tội phạm và tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu; các đơn vị bộ đội biên phòng sẽ tích cực tham mưu cho chính quyền cơ sở để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường các hoạt động “xóa đói giảm nghèo”, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Ngoài ra, để tránh tình trạng lợi dụng trốn lậu thuế, Đại tá Bùi Hà- Phó Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công An đề nghị Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đối với xe mang biển số ngoại giao, biển số liên doanh, nước ngoài lưu thông tại Việt Nam.

Riêng với mặt hàng thuốc lá, ngoài kiến nghị đưa thuốc lá vào danh mục hàng cấm, đại diện Ban chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Trị cũng mong muốn đề nghị Ban chỉ đạo 127/TW đề xuất với Chính phủ cho phép và giao cho Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chọn một số doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu ở trong nước tổ chức mua thuốc lá ngoại nhập lậu do các lực lượng chống buôn lậu bắt giữ để làm nguyên liệu sản xuất thuốc lá và bán với giá hợp lý cho người tiêu dùng, tránh việc tiêu hủy vừa lãng phí, vừa tốn chi phí tổ chức tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường, hạn chế việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu tốn kém ngoại tệ.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Thành lập 5 Đội kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm 2018 (9/7/2018 10:29:29 AM)
Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (12/14/2017 6:13:30 PM)
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc tại Hải Dương (6/16/2017 3:43:15 PM)
Kết quả hoạt động của 5 Đội kiểm tra liên ngành thị trường Tết Đinh Dậu 2017 (1/24/2017 9:32:00 AM)
Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán 2017 (11/25/2016 11:16:53 AM)
10 ngày cao điểm kiểm tra thị trường Tết Trung thu 2016 (9/21/2016 3:36:16 PM)
Kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo 389 tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 (8/12/2016 4:25:05 PM)
Tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá cả trong dịp Tết Nguyên đán (2/1/2016 10:46:59 AM)
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm (8/3/2015 3:52:09 PM)
Chính thức công bố đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (6/4/2015 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong