SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 7, ngày 27/4/2024

TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH

12/16/2022 2:50:48 PM
Triển khai Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhân dân dịp Tết cổ truyền năm 2023.
  

Để sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân tỉnh Hải Dương trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Sở Công Thương Hải Dương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 2061/KH-SCT ngày 02/12/2022 tới các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thương nhân chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. Kinh tế tỉnh Hải Dương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch, song vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng của các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo quy luật những năm qua, sức mua trên thị trường Hải Dương, nhất là khu vực đô thị, khu đông dân cư sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do việc lưu chuyển, dự trữ hàng hoá giữa các doanh nghiệp bán buôn và nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, thăm thân cũng như tổ chức các sự kiện, hội họp, liên hoan, lễ hội đầu năm cũng tăng đáng kể so với các năm trước do dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Do đó, dự báo sức mua hàng hoá trong dịp Tết Quý Mão năm 2023 tăng khoảng 15-17% so với Tết Nhâm Dần năm 2022.

Dự báo sức mua hàng hoá trong dịp Tết Quý Mão năm 2023 tăng khoảng 15-17% so với Tết Nhâm Dần 2022

Tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi,…); thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn,…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…)  và một số mặt hàng nông sản như rau, củ quả các loại,... Trong đó:

- Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, xu hướng nhân dân mua tích trữ để tiêu dùng với số lượng vừa đủ trong khoảng 2-3 ngày Tết. Sức mua sẽ tập trung cao những ngày giáp tết (28 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau tết (từ 03 đến 15 tháng Giêng). Bên cạnh xu hướng tiêu dùng hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh; nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sẽ tăng thêm đối với hàng thực phẩm chế biến sẵn của các cơ sở sản xuất có uy tín và trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn.

- Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao (Bánh kẹo các loại), có mẫu mã bao bì đẹp và hàng đồ uống có độ cồn thấp (Bia, rượu vang...); sức mua tập trung từ khoảng ngày 06/01 đến 21/01/2023 (tức ngày 15 đến 30 tháng Chạp).

Về tổng nguồn cung hàng hoá trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 12/2022 cho thấy: Gạo tẻ duy trì sản lượng khoảng 300.000 tấn trong dân; trứng gia cầm đã có trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị 9-10 triệu quả; các mặt hàng khác có mức cung ứng bình quân/tháng gồm: thịt lợn hơi: 6.800 tấn (tương ứng 5.100 tấn thịt lợn); gia cầm 4.750 tấn; trứng gia cầm 11 triệu quả; thủy sản 9.000 tấn; rau, củ, quả khoảng 50.000 – 70.000 tấn; bánh kẹo khoảng 1.000-1.200 tấn; rượu, bia (quy lít) khoảng 20.000 lít; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền...) 40 triệu gói; gia vị (muối ăn, bột canh, bột ngọt) khoảng 1.000 tấn; dầu ăn khoảng 1,6 triệu lít; nước mắm khoảng 916 nghìn lít; nước giặt, chất tẩy rửa: 814 nghìn lít.v.v. Đối với nhóm hàng hoá mỹ phẩm, các doanh nghiệp phân phối lớn có thể tăng năng lực nhập hàng và cung ứng bán buôn trên phạm vi toàn tỉnh với quy mô gấp 2-3 lần so với bình thường

Như vậy, tổng nguồn cung hàng thiết yếu hiện tại cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết; ngoài ra, nhiều nhóm, mặt hàng còn có thể cung ứng ra các tỉnh bạn như: Gạo bình quân khoảng: 10.000 tấn/tháng; Lợn thịt 3.000 tấn/tháng; Gia cầm 2.600 tấn/tháng; Trứng: 6 triệu quả/tháng; cá nước ngọt 3000 tấn/tháng; rau củ quả: 20 - 40 nghìn tấn/tháng.v.v.

Để chủ động các phương án phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

1. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm thiết yếu, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị và thương nhân trên địa bàn tỉnh:

- Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương: Xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; không để xảy ra mất an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh.

- Chi nhánh xăng dầu Hải Dương, Xí nghiệp kho vận K132, Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Hải Dương, Công ty Cổ phần Vật tư Hải Dương, Công ty TNHH Tân Bình, Công ty cổ phần thương mại Chí Linh, Công ty TNHH Tiến Minh và các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho các cửa hàng trực thuộc, các đại lý, nhượng quyền thương mại.v.v. đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời duy trì thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần có kế hoạch bố trí nhân viên bán hàng, đảm bảo cửa hàng xăng dầu mở cửa phục vụ nhân dân thường xuyên, liên tục. Tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng ký giờ bán hàng và bán hàng theo giờ đã đăng ký.

- Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ Tết: Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải, Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương, các doanh nghiệp sản xuất Bánh đậu xanh, bánh kẹo khác.v.v. cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết, chú trọng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giữ gìn an ninh trật tự.

- Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, phân phối nhu yếu phẩm và doanh nghiệp quản lý siêu thị, trung tâm thương mại: Tính toán sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của nhân dân để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ cho mọi đối tượng tiêu dùng. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về thị trường hàng hoá; chủ động mở rộng quan hệ với nhà sản xuất lớn; dự báo tình hình thị trường để xây dựng kế hoạch dự trữ phù hợp; thực hiện luân chuyển hàng hóa kịp thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá hàng đột biến và không để hàng tồn đọng sau Tết.

Đối với các siêu thị kinh doanh tổng hợp (Big C, Intimex, Lan Chi Mart...), hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tự chọn (Vinmart+, Vi-Mart...) cần chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: cần quan tâm chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá nhu cầu và nguồn cung hàng hóa tại địa phương để chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo, bố trí địa điểm đã được phê duyệt để tổ chức các chợ hoa xuân, chợ nông sản phục vụ Tết cho nhân dân; phối hợp cùng đoàn kiểm tra của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện các yêu cầu, các quy định trong kinh doanh thương mại, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hỗ trợ, đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng tiêu dùng, vật tư, nguyên liệu sản xuất được diễn ra bình thường; hỗ trợ các thương nhân khai thác nguồn hàng tại địa phương để tăng nguồn cung trên thị trường.

Chỉ đạo Ban quản lý các chợ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chợ sắp xếp hàng hoá ngăn nắp, gọn gàng, tránh tình trạng các quầy bầy bán lấn chiếm lối đi chung, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, cản trở và mất mỹ quan, văn minh chợ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực chợ. Nghiêm cấm việc thắp hương, đốt vàng mã ở các quầy hàng. Bố trí lực lượng bảo vệ trực thường xuyên 24/24h, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

3. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đánh giá sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, diễn biến thời tiết có ảnh hưởng xấu đến trồng trọt, chăn nuôi; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm; chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung, mặt hàng thịt lợn, thịt gà nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão; tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường hàng thực phẩm phục vụ nhân dân.

Kịp thời phối hợp, cung cấp thông tin về nguồn cung hàng nông sản thực phẩm trong tỉnh gửi Sở Công Thương để tổng hợp, chủ động đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp cần thiết nhằm điều tiết cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh khi có yêu cầu.

4. Đề nghị Cục Quản lý thị trường: Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương, các ngành và đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết.

Tập trung kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hoá, nhất là đối với hàng thực phẩm như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, nước mắm.v.v.; kiểm tra việc niêm yết giá của các đối tượng kinh doanh phục vụ Tết.

Chủ động đánh giá tình hình, giám sát hoạt động tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, có kế hoạch đối phó với việc găm hàng, đầu cơ tạo cơn sốt ảo trong dịp Tết. Ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc;

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”.

5. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và các phòng, đơn vị thuộc Sở: tăng cường triển khai, theo dõi diễn biến tình hình thị trường, dự báo cung, cầu hàng hoá và giá cả một số mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết; thông tin kịp thời trên website của ngành, các trang web khác có liên quan và cung cấp cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước khi có nhu cầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Với việc triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc cân đối cung cầu nhóm hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, giá cả các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 chắc chắn sẽ mang lại kết quả tích cực; góp phần chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường, giá cả; phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc với tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm./.

Nguồn Bài: Nguyễn Văn Quang (SCT)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị giới thiệu giải pháp vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, huyện Cẩm Giàng (4/3/2024 2:35:10 PM)
Sở Công Thương Hải Dương chuẩn bị tổ chức Hội nghị giới thiệu giải pháp vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế tại Ga Cao Xá, huyện Cẩm Giàng (4/1/2024 10:24:59 AM)
Ngành Công Thương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 (2/16/2024 3:22:54 PM)
Lịch trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (2/6/2024 10:47:13 AM)
Sở Công Thương tổng kết công tác năm 2023 và trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2023 (1/20/2024 7:37:00 PM)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp thục đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (12/29/2023 9:02:37 AM)
Sở Công Thương Hải Dương triển khai Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (12/21/2023 11:25:25 AM)
Đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12/19/2023 11:30:57 AM)
Tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023” (12/1/2023 6:47:36 PM)
Sở Công Thương tổ chức công bố Quyết định Phó Giám đốc Sở (12/1/2023 5:02:39 PM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong