SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 7, ngày 27/4/2024

KHUYẾN CÔNG & TƯ VẤN PTCN

12/15/2020 4:13:39 PM
Trình diễn kỹ thuật chế biến hàng nông sản xuất khẩu
Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản sấy khô xuất khẩu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới sự phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 
Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hải Dương tiến hành nghiệm thu mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản sấy khô xuất khẩu tại Công ty TNHH Vũ Công (xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Dự Hội nghị có cán bộ lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hải Dương, phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương); Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Sách; lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Nam Trung; lãnh đạo đơn vị sở tại và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trong tỉnh.

 

Hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến hàng nông sản tại Công ty TNHH Vũ Công

Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hàng nông sản được vận hành trên hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại, vận hành bán tự động, đạt năng suất cao. Tổng mức đầu tư dây chuyền hơn 15 tỷ đồng với công suất 400 tấn thành phẩm mỗi năm. Số lao động thường xuyên trong công ty là 30 người.

Nguyên liệu đầu vào là hàng nông sản tươi của nông dân gồm hành, tỏi, đậu bắp, cà rốt.... Các sản phẩm trên được lựa chọn, làm sạch, chạy qua hệ thống máy rửa sơ chế để vệ sinh để loại bỏ tạp chất và sục rửa trong nước ozone trong thời gian 30 giây.       

Đối với hành lá tươi sẽ được đưa vào chế biến ngay hoặc lưu giữ trong điều kiện nhiệt độ mát nhằm tránh dập nát, hư thối. Sản phẩm được lựa chọn kỹ càng bằng các chỉ tiêu cảm quan, lý hóa, vi sinh và được kiểm tra các chỉ tiêu không biến đổi gen GMO, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, giới hạn độc tố vi nấm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.

Nông sản tươi được phân loại trước khi đưa vào hệ thống làm sạch, theo băng tải đi vào hệ thống bể sục khí, chà rửa và vệ sinh, khử trùng bằng ozone và chạy qua hệ thống máy cắt nhỏ theo đơn đặt hàng trước khi chuyển vào hệ thống lò sấy. Để giữ được tinh dầu trong quá trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và đầu ra phải đảm bảo độ ẩm ban đầu 80%, độ ẩm cuối 4%, nhiệt độ sấy là 65oC trong thời gian 2 giờ. Sau khi hoàn thiện tỷ lệ thành phẩm đạt khoảng 15 kg tươi được 1 kg khô.

 

Ông Hoàng Đức Dũng (đeo kính) - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN cùng các đại biểu nghiệm thu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến hàng nông sản.

 

Hệ thống lò hơi đốt than được sử dụng để cung cấp hơi nhiệt lượng cho quá trình sấy với công suất 3 tấn mỗi 1 giờ

Sau khi sấy khô, sản phẩm được kiểm tra phân loại lần nữa rồi chuyển sang hệ thống tách màu để xác định, phân màu theo yêu cầu rồi chuyển qua hệ thống máy sàng trước khi đóng gói và chuyển sang kho cấp đông bảo quản ở nhiệt độ -18oC trước khi xuất khẩu.

Việc giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hàng nông sản giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương được tham quan học tập, tiến tới đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại, phát triển ngành chế biến nông sản, hướng tới nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh và trong toàn quốc. Nông sản được chế biến trên dây chuyền hiện đại vừa đảm bảo được chất lượng, vừa giúp tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Mô hình này cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành chế biến nông sản của tỉnh theo hướng sản xuất - chế biến hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu đối với hàng nông sản chủ lực có nhiều thế mạnh của tỉnh.

 

Công nhân vận hành hệ thống máy sàng phân loại sản phẩm sau sấy khô.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng nông sản hoạt động tốt sẽ tạo ra nhiều việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Mô hình trình diễn sẽ góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết và ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào ngành chế biến nông sản của huyện Nam Sách nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung. Qua đó sẽ giúp cho các nhà quản lý tiếp cận với thực tế sản xuất để hoạch định chiến lược phát triển ngành chế biến nông sản của tỉnh và nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh và trong toàn quốc, đồng thời giới thiệu về Công ty TNHH MTV Vũ Công là địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp sản phẩm nông sản chế biến sấy khô đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Nghiệm thu chất lượng sản phẩm sau khi chế biến trước khi đóng gói hàng nông sản sấy khô.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương đánh giá cao sự quan tâm tạo điều kiện của UBND huyện Nam Sách, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Sách, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đã làm tốt công tác phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương, sự cố gắng của Công ty TNHH Vũ Công trong sản xuất và kinh doanh. Trong thời gian ngắn Công ty đã chủ động xây dựng nhà xưởng quy mô lớn, đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. Đây là những việc làm tích cực, cần được phát huy để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm và sự phát triển ổn định của Công ty trong thời gian tới.

Giám đốc Công ty TNHH Vũ Công cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ khuyến công của Trung ương để mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho lao động khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân tháng từ 5,5 đến 6 triệu đồng/người.

 

Ông Vũ Đình Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Công cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động sản xuất của đơn vị.

Sự thành công của mô hình trình diễn đã thể hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sự phát triển công nghiệp nông thôn; sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển ngành chế biến nông sản của tỉnh, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua mô hình trình diễn, các doanh nghiệp có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tham quan mô hình sản xuất để áp dụng vào thực tế của từng đơn vị, hướng tới nhân rộng mô hình, góp phần gia tăng giá trị hàng nông sản chế biến xuất khẩu của tỉnh./.

 

 

Nguồn Bài: V.H.Hưng

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Hải Dương năm 2023 (12/13/2023 3:19:18 PM)
Tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người quản lý năng lượng (9/13/2023 10:38:41 AM)
Hội nghị khuyến công 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVII tại Quảng Ninh (8/7/2023 4:56:47 AM)
Triển khai phổ biến, hướng dẫn kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 (6/30/2023 2:51:16 AM)
Nghiệm thu Đề án Khuyến công Quốc gia năm 2022 (12/12/2022 10:10:21 AM)
Họp Hội đồng thẩm định các đề án khuyến công địa phương năm 2022 (11/11/2022 3:17:09 AM)
Một số giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh 3 tháng cuối năm 2022 (9/30/2022 2:34:14 AM)
Tăng cường công tác quản lý hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương (3/31/2022 9:52:54 AM)
Đẩy nhanh triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia (2/28/2022 3:28:05 PM)
Phong tặng danh hiệu 08 Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương (11/8/2021 9:13:13 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong