SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 7, ngày 27/4/2024

Quản lý thị trường

9/1/2015 4:31:04 PM
Xây dựng Pháp lệnh Quản lý thị trường
Việc ban hành Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý chung, thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm sự hợp lý, thống nhất, minh bạch.

Ở thị trường trong nước, thực tiễn hoạt động đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về thương mại nhưng đến nay, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Quản lý thị trường vẫn chủ yếu được quy định tại các văn bản pháp quy, phần lớn là Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong điều kiện hoạt động kinh doanh thương mại có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các quy định pháp luật chưa thống nhất về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường nói riêng và của các cơ quan quản lý chuyên ngành nói chung đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế làm suy giảm hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật ở thị trường trong nước.

Chính vì vậy, việc luật hóa địa vị, tổ chức, quyền hạn của Quản lý thị trường, sắp xếp lại lực lượng Quản lý thị trường hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan, cấp yếu và quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ là xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ, phù hợp với Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03/01/1996 của Bộ Chính trị.

Thực hiện Nghị quyết số 89/2015/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ XIII năm 2015 và 2016, vừa qua Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường. Việc ban hành Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý chung, thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm sự hợp lý, thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 08 chương, 40 điều gồm các nội dung cơ bản:

- Chương I. Quy định chung (gồm 05 điều, từ Điều 1 đến Điều 5): Quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường và những hành vi bị nghiêm cấm.

Trong đó, tại dự thảo Pháp lệnh, khái niệm hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đã được định nghĩa có bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường. Điều này giúp cho chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường rõ ràng hơn theo nghĩa rộng, bao quát mọi hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi của các tổ chức, cá nhân mà không bị ràng buộc bởi vướng mắc khi xác định khái niệm hoạt động công nghiệp như hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh quy định cụ thể về một số khái niệm liên quan đến hoạt động của Quản lý thị trường như: hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường; hoạt động kiểm soát của Quản lý thị trường.

- Chương II. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và công chức Quản lý thị trường (gồm 04 điều, từ Điều 6 đến Điều 9): Quy định về vị trí, chức năng của Quản lý thị trường; nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường; tổ chức Quản lý thị trường; công chức, tiêu chuẩn công chức và các ngạch công chức chuyên ngành Quản lý thị trường.

Dự thảo Pháp lệnh quy định Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công Thương được tổ chức từ trung ương đến địa phương có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đấu tranh chống các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Căn cứ vào vị trí, chức năng của Quản lý thị trường, dự thảo Pháp lệnh quy định thành 12 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường thuộc về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; hoạt động phối hợp; hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, tham mưu cho cấp có thẩm quyền và đào tạo, xây dựng lực lượng.

Dự thảo Pháp lệnh không quy định cụ thể về mô hình tổ chức của Quản lý thị trường như trên mà chỉ quy định khái quát là “Quản lý thị trường được tổ chức tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương bao gồm cơ quan Quản lý thị trường trung ương, cơ quan Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) và cơ quan Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện)”. Trên cơ sở quy định đó, Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường các cấp.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Quản lý thị trường, Pháp lệnh đưa ra các tiêu chuẩn đối với công chức Quản lý thị trường, cụ thể công chức Quản lý thị trường là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Quản lý thị trường; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Chức danh, tiêu chuẩn của công chức Quản lý thị trường theo quy định của Chính phủ.

So với quy định tại Nghị định số 10/CP và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP, Pháp lệnh đã loại bỏ ngạch công chức là Nhân viên Quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu hiện đại, chính quy hóa đội ngũ Quản lý thị trường. Như vậy, Pháp lệnh chỉ quy định có 04 ngạch là: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường.

- Chương III. Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường (gồm 02 Mục, 10 điều, từ Điều 10 đến Điều 25): Xác định rõ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường; trình tự, thủ tục kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường được thể chế hóa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III của Pháp lệnh tạo chủ động và đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường các cấp cũng như công chức Quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính; bảo đảm nguyên tắc lực lượng Quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

- Chương IV. Hoạt động kiểm soát của Quản lý thị trường (gồm 04 điều, từ Điều 26 đến Điều 29): Dự thảo quy định các hoạt động nghiệp vụ gồm quản lý địa bàn, thẩm tra, xác minh, trinh sát, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin do cơ quan Quản lý thị trường áp dụng để phát hiện kịp thời các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra của Quản lý thị trường. Trong các hoạt động nghiệp vụ nói trên, hoạt động quản lý địa bàn, thẩm tra, xác minh đã được quy định tại Thông tư số 24/2009/TT-BCT ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thông tư số 09/2013/TT-BCT ngày 02 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương được luật hóa lại dưới dạng Pháp lệnh.

Các hoạt động trinh sát, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin của Quản lý thị trường trên thực tế đã được thực hiện và đạt hiệu quả cao nhưng đến nay chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Điều này làm cho Quản lý thị trường địa phương gặp nhiều lúng túng khi thực hiện chế độ chính sách, đãi ngộ trong các hoạt động này, việc áp dụng không thống nhất dẫn đến hiệu quản công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa cao. Chính vì vậy trong dự thảo Pháp lệnh có Điều 23 và Điều 24 quy định về các hoạt động trinh sát, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin của Quản lý thị trường là tiền đề làm căn cứ để ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện sau này.

- Chương V. Hoạt động phối hợp của Quản lý thị trường (gồm 02 điều, từ Điều 30 đến Điều 31): Cho đến nay, cơ cấu tổ chức, phân công các lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được từng bước hợp lý hoá, có sự phân công, phối hợp tạo nên thế trận liên hoàn và sâu rộng. Ở biên giới có Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; ở thị trường trong nước có các cơ quan, lực lượng có chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự quản lý kinh tế nhà nước như Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thuế, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính...

Với tư cách là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến địa phương, lực lượng Quản lý thị trường có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước và trên thực tế đã trở thành một lực lượng nòng cốt, đặc biệt hiệu quả và không thể thay thế trong thực tiễn. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có sự phối hợp giữa các cơ quan Quản lý thị trường với nhau và giữa cơ quan Quản lý thị trường với các Bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

- Chương VI. Đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với Quản lý thị trường (gồm 03 điều, từ Điều 32 đến Điều 34): Quy định về bảo đảm hoạt động của Quản lý thị trường; trang phục, trang bị, phương tiện làm việc; chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường

Biên chế Quản lý thị trường thuộc biên chế công chức do Chính phủ quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; kinh phí hoạt động của Quản lý thị trường do ngân sách nhà nước đảm bảo phù hợp với tính chất thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường được giao; Nhà nước bảo đảm quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở, nhà ở công vụ, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho lực lượng Quản lý thị trường.

Quản lý thị trường được trang cấp trang phục, cấp hiệu, số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu và Thẻ kiểm tra thị trường thống nhất trong cả nước; được ưu tiên trang bị ô tô, xe mô tô phân khối lớn, tàu xuồng cao tốc, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị chuyên dụng phục vụ hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp luật khi thực thi công vụ; được sử dụng công cụ hỗ trợ phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra kiểm soát thị trường, phòng chống, ngăn chặn và xử lý vi phạm khi thực thi công vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ.

Dự thảo Pháp lệnh quy định Công chức Quản lý thị trường được hưởng lương, phụ cấp theo ngạch, bậc, chức vụ công chức chuyên ngành Quản lý thị trường và các chế độ phụ cấp ưu đãi đặc thù khác phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của Quản lý thị trường; công chức Quản lý thị trường có thành tích trong khi thực hiện công vụ kiểm tra kiểm soát thị trường được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; công chức Quản lý thị trường bị thương hoặc hy sinh trong khi thực thi công vụ kiểm soát thị trường được xét hưởng chính sách đãi ngộ theo quy định của pháp luật về người có công; công chức Quản lý thị trường công tác lâu dài tại địa bàn xa nhà được bố trí nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

- Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Quản lý  thị trường (gồm 04 điều, từ Điều 35 đến Điều 38): Chương VII của dự thảo Pháp lệnh quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về Quản lý thị trường. Theo đó Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thống nhất quản lý đối với Quản lý thị trường. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường và hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực quản lý nhà nước được giao đồng thời chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chuyên trách của Bộ, ngành phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát với lực lượng Quản lý thị trường.

- Chương VIII. Điều khoản thi hành (gồm 02 điều, từ Điều 39 đến Điều 40): Chương này quy định thời điểm có hiệu lực của Pháp lệnh, trách nhiệm quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Pháp lệnh.

Toàn văn dự thảo pháp lệnh cũng như báo cáo đánh giá tác động sơ bộ, thuyết minh chi tiết được đăng tải trên website của Bộ Công Thương và nhiều cơ quan, đoàn thể, Hiệp hội nghề./.

Vũ Minh Hải, Trưởng phòng THNV Chi cục QLTT

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Nâng cao kỹ năng phân biệt "hàng thật - hàng giả" - giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả (9/7/2018 9:44:49 AM)
Chi cục QLTT Hải Dương xử lý 123 vụ vi phạm trong tháng 7/2018 (8/6/2018 9:35:45 AM)
Kết quả công tác tháng 5, nhiệm vụ tháng 6 năm 2018 của Chi cục QLLT (5/30/2018 4:44:03 PM)
Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 13/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG (5/2/2018 11:55:45 AM)
Phê duyệt Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020" (4/16/2018 9:00:26 AM)
Một số nét chính kết quả công tác quản lý thị trường năm 2017 (2/2/2018 9:26:32 AM)
Kết quả công tác tháng 11, nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2017 (12/1/2017 10:33:37 AM)
Kết quả công tác tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 (10/30/2017 10:00:53 AM)
Công tác kiểm tra sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm sau 10 năm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP có hiệu lực (10/19/2017 4:08:39 PM)
Kết quả kiểm tra liên ngành thị trường Tết Trung thu năm 2017 (10/19/2017 10:31:11 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong