SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 7, ngày 27/4/2024

Quản lý thị trường

12/10/2012 12:00:00 AM
Vấn đề ghi nhãn hàng hóa trong 3 mối quan hệ: Nhà sản xuất - kinh doanh, Người tiêu dùng và Nhà nước
Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì “Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá”

Tính đến nay, chúng ta đã có 2 văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt quy định về nhãn hàng hóa là Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/199 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa.

Theo quy định tại Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg thì nhãn hàng hóa là “bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài, chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hóa đó”, ghi nhãn hàng hóa là việc “ghi các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hóa lên nhãn hàng hóa nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để nhận biết hàng hóa, làm căn cứ để người mua quyết định việc lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa, các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra giám sát”.

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá”, ghi nhãn hàng hoá thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Như vậy, có thể thấy rõ mục đích, ý nghĩa của việc ghi nhãn hàng hóa đã có sự khác biệt nhất định. Theo quy định tại Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg thì nhãn hàng hóa chỉ có vai trò đối với nhóm đối tượng đó là Người tiêu dùng” và Nhà nước”. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, nhãn hàng hóa có ý nghĩa, vai trò với cả 3 nhóm đối tượng đó là Nhà sản xuất, kinh doanh”, Người tiêu dùng” và Nhà nước”.

Đối với Nhà sản xuất, kinh doanh”, nhãn hàng hóa là công cụ để quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá của mình. Thông tin để quảng bá có thể được thể hiện dưới dạng hình ảnh, chữ viết, màu sắc hoặc các ký hiệu, tài liệu kèm theo khác để thể hiện tính ưu việt của sản phẩm hoặc gây sự chú ý để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa đó trong nhóm các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, việc đưa các thông tin quảng bá phải đảm bảo tính trung thực, khách quan và không mang tính so sánh trực tiếp với hàng hóa cũng loại khác. Việc đưa các thông tin sai sự thật hoặc quảng cáo sai sự thật như sản phẩm không được huy chương vàng chất lượng nhưng lại đưa thông tin là sản phẩm được huy chương vàng chất lượng tại một cuộc thi, sản phẩm chưa được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa nhưng lại sự dụng biểu tượng chữ R trong vòng tròn (dấu hiệu nhãn hiệu đã được bảo hộ).... sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa sai sự thật hoặc pháp luật về quảng cáo. Bên cạnh đó, đối với các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa phải thực hiện ghi đúng quy định về nội dung, hình thức, cách ghi, ngôn ngữ, vị trí còn các nội dung khác doanh nghiệp được tự chủ nhưng không vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan như ngôn ngữ bằng chữ nước ngoài nhưng không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt....

Bên cạnh đó, đối với nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa còn được sử dụng như một công cụ để chống làm giả thông qua việc sử dụng các thông tin mang tính kỹ thuật để thể hiện các dấu hiệu đặc thù riêng làm căn cứ phân biệt, xác định hàng thật, hàng giả. Các dấu hiệu có thể thể hiện thông qua các giải pháp công nghệ cao như tem in 3D, kỹ thuật in, dập chìm... hoặc đơn thuần là những ký hiệu bằng chữ viết, hình ảnh, mép hàn, màu sắc, độ sắc nét của chữ, màu in....

Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất có định hướng bài bản, làm ăn lâu dài, quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp thì ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa đều rất quan tâm đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa và mẫu mã sản phẩm, hàng hóa.

Đối với “Người tiêu dùng”, nhãn hàng hóa là một trong trong những cơ sở quan trọng để nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa. Với việc trên nhãn hàng hóa có những thông tin bắt buộc về tên hàng hóa, tên địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và những thông tin bắt buộc khác (Tùy theo từng loại hàng hóa khác nhau Nghị định 89/2006/NĐ-CP phân chia thành 50 nhóm hàng hóa có yêu cầu ghi nhãn riêng, ngoài ra, đối với một số loại hàng hóa đặc thù như các loại thuốc tân dược... sẽ có quy cụ thể định riêng) người tiêu dùng sẽ có sơ sở để lựa chọn mua, sử dụng, bảo quản... hàng hóa. Trong đó những nội dung quan trọng nhất đối với người tiêu dùng đó là tên hàng hóa, doanh nghiệp sản xuất và ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với hàng hóa là thực phẩm). Đồng thời, các thông tin trên nhãn cũng là cơ sở để người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo đến doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật, không đảm bảo chất lượng...

Đối với Nhà nước”, nhãn hàng hóa là một căn cứ để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc ghi nhãn với đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định của pháp luật giúp xác định nguồn gốc hàng hóa, hàng hóa do doanh nghiệp nào sản xuất hoặc nào chịu trách nhiệm; các thông tin về chỉ tiêu chất lượng trên nhãn là một trong những căn cứ để kiểm tra, đối chiếu xác định chất lượng, tình trạng của hàng hóa; hàng hóa quá hạn sử dụng không được phép lưu thông trên thị trường...

Quy định về xử phạt ghi nhãn hàng hóa theo Điều 23 Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2012:

 

"Điều 23. Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo lường thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

2. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

3. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa nhập khẩu) bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

4. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị đánh tráo thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm về nhãn hàng hóa là của hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, thép xây dựng, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô;

b) Vi phạm về nhãn hàng hóa là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, pha trộn, chế tác, tái chế, sang chiết, nạp, đóng gói, lắp ráp, nhập khẩu hàng hóa.

6. Đối với các hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

7. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định này thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thương nhân có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa đối với vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định"./.

 

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Nâng cao kỹ năng phân biệt "hàng thật - hàng giả" - giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả (9/7/2018 9:44:49 AM)
Chi cục QLTT Hải Dương xử lý 123 vụ vi phạm trong tháng 7/2018 (8/6/2018 9:35:45 AM)
Kết quả công tác tháng 5, nhiệm vụ tháng 6 năm 2018 của Chi cục QLLT (5/30/2018 4:44:03 PM)
Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 13/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG (5/2/2018 11:55:45 AM)
Phê duyệt Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020" (4/16/2018 9:00:26 AM)
Một số nét chính kết quả công tác quản lý thị trường năm 2017 (2/2/2018 9:26:32 AM)
Kết quả công tác tháng 11, nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2017 (12/1/2017 10:33:37 AM)
Kết quả công tác tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 (10/30/2017 10:00:53 AM)
Công tác kiểm tra sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm sau 10 năm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP có hiệu lực (10/19/2017 4:08:39 PM)
Kết quả kiểm tra liên ngành thị trường Tết Trung thu năm 2017 (10/19/2017 10:31:11 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong