SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 2/5/2024

Tin hoạt động

7/11/2011 12:00:00 AM
Làm thêm giờ nhiều – con dao hai lưỡi đối với người sử dụng lao động và người lao động
Theo điều 69 – chương 7 – Bộ luật Lao động của nước CHXHCN Việt Nam, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày, không quá 200 giờ trong một năm

Theo điều 69 – chương 7 – Bộ luật Lao động của nước CHXHCN Việt Nam, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày, không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép không quá 300 giờ trong một năm.

Trong thực tế, việc làm thêm giờ tràn lan, đặc biệt trong ngành may và sản xuất giầy thể thao xuất khẩu. Qua nghiên cứu khảo sát tại nhiều đơn vị, tình trạng làm thêm giờ do các nguyên nhân:

Doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp giao hang, nếu không sẽ bị phạt, vừa mất tiền, vừa mất uy tín, không tiếp tục ký được hợp đồng với đối tác.

Doanh nghiệp có nhiều việc làm, vượt khả năng sản xuất (gồm vấn đề nhà xưởng, máy móc, lao động...) nhưng muốn giữ chân bạn hàng nên thúc ép lao động làm thêm giờ nhiều.

Một số doanh nghiệp thuê mặt bằng, nhà xưởng, máy móc của doanh nghiệp khác để tiến hành sản xuất, muốn trong thời gian thuê tận dụng tối đa công suất máy móc và khả năng lao động để tăng lợi nhuận.

Do trình độ quản lý thấp không lường trước các yếu tố xảy ra dẫn tới bị động trong kế hoạch, để bù đắp lại phải tiến hành làm thêm.

Do trình độ của công nhân thấp, không tăng năng suất lao động được hoặc làm hỏng sản phẩm phải làm lại dẫn đến phải làm thêm giờ.

Do định mức lao động cao, không phù hợp, người lao động phải làm thêm giờ mới hoàn thành (trong trường hợp này, người lao động làm thêm mà không được hưởng chế độ tăng lương do làm thêm giờ).

Do người lao động (phần nhiều là lao động trẻ tuổi ở nông thông ra thành thị) muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập vì làm thêm giờ được tăng 150% đơn giá tiền lương vào ngày bình thường, 200% vào ngày Chủ nhật, 300% vào lễ và ngày nghỉ có hưởng lương (điều 61 – Bộ luật Lao động).

Doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ để tận dụng sức lao động, tận dụng các chi phí về nhà xưởng, điện nước, quản lý mặc dù trả chênh lệch làm thêm giờ cao gấp rưỡi giờ làm bình thường nhưng thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với mức lương thấp, chỉ vượt ngưỡng lương tối thiểu. Để đảm bảo có thu nhập khá hơn, đáp ứng cuộc sống, người lao động phải “tự nguyện” làm thêm giờ.

Người lao động khó nhìn thấy doanh nghiệp vi phạm thời gian làm thêm giờ vì không có ngày nào làm thêm quá 4 giờ nhưng cộng lại cả năm, con số vượt quá ngưỡng 300 giờ là rất lớn.

Nếu một doanh nghiệp áp dụng làm thêm 4 giờ/ngày, trong một năm (trừ mỗi tháng 4 chủ nhật, 9 ngày nghỉ lễ trong năm và 12 ngày phép năm) tổng số thời gian làm thêm giờ là 1.184 giờ, tương đương 148 ngày công.

Nếu làm thêm 3 giờ/ngày (trừ số ngày nghỉ như trên) số giờ làm thêm một năm là 888 giờ tương đương 111 ngày công.

Nếu làm thêm 2 giờ/ngày (cũng trừ các ngày nghỉ như trên) số giờ làm thêm trong một năm là 592 giờ tương đương 74 ngày công.

Một số doanh nghiệp có lúc chỉ cho công nhân nghỉ một ngày hoặc hai ngày Chủ nhật trong tháng, ngày thứ bảy chỉ nghỉ sớm so với các ngày khác một giờ làm thêm thì tổng số giờ làm thêm gấp 3 lần mức tối đa Nhà nước cho phép.

Hiện có doanh nghiệp áp dụng làm thêm 2 giờ/ngày, nghỉ 4 Chủ nhật thì số thời gian làm thêm một tháng là 52 giờ, tương đương 6,5 ngày công và tiền lương của người lao động trong tháng thực chất là 32,5 ngày công. Nếu mức lương cơ bản của người lao động là 1.200.000đ/tháng (vùng 3: mức tối thiểu:1.170.000đ, vùng 4:1.100.000đ) tiền làm thêm giờ một tháng là (1.200.000/26)*6,5))*1,5 = 450.000 đ.

Tiền lương một tháng là:1.200.000đ+450.000đ = 1.650.000 đ.

Ngoài ra doanh nghiệp trả thêm tiền thâm niên, hỗ trợ nhà trọ và đi lại, hỗ trợ nuôi con nhỏ, thưởng chuyên cần, năng suất...thì tổng thu nhập có thể lên tới 2.000.000 đ. Mức lương cơ bản cao có thể lên tới  2.800.000 đ. Tất cả số tiền này cũng do người lao động làm ra cả. Nhiều người đã nhầm lẫn khái niệm tiền lương với thu nhập trong tháng. Khi hỏi lương tháng được bao nhiêu, người lao động thường trả lời con số tổng thu nhập trong tháng của mình.

Nhiều doanh nghiệp mức thưởng chuyên cần cao từ 150.000 – 200.000 đ/tháng nhưng nếu nghỉ một ngày có phép hoặc có doanh nghiệp áp dụng nghỉ từ 4 giờ có phép là bị cắt toàn bộ tiền thưởng. Vì vậy người lao động phải cố sức để nhận được nguồn tiền thưởng này. Việc này cùng với làm thêm giờ đã làm cho sức khoẻ người lao động cạn kiệt, ảnh hưởng tới cuộc sống lâu dài. Đặc biệt với phụ nữ sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lý, ảnh hưởng chức năng làm vợ, làm mẹ, làm cho nòi giống suy kiệt. Người phụ nữ ít có thời gian chăm sóc gia đình, không có thời gian dạy dỗ, con cái học hành không đến nơi đến chốn....

Nếu doanh nghiệp không chú ý cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động hợp lý, không chú ý tới vấn đề xã hội của con người, không đáp ứng được nhu cầu vật chất tối thiểu của người lao động, họ sẽ bỏ đi, đến với doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu lao động, vừa sản xuất vừa đào tạo dẫn đến năng suất thấp, lương thấp, người lao động lại ra đi, một cái vòng lẩn quẩn làm cho cả doanh nghiệp và người lao động đều thiệt hại.

Những doanh nghiệp hiện nay không thu hút được lao động chính là những doanh nghiệp làm thêm giờ quá nhiều, các chế độ đãi ngộ cho người lao động thấp, trở thành nơi đào tạo không công cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế; họ không cần đào tạo, chỉ cần giảm giờ làm thêm, tăng các chính sách đãi ngộ là thu hút được người lao động.

Làm thêm giờ nhiều, thu nhập thấp, thái độ của người quản lý, bữa ăn ca không đảm bảo, thời tiết nắng nóng...luôn là nguyên nhân của các cuộc ngừng việc tập thể trong thời gian vừa qua./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Hoạt động công đoàn không theo lối mòn (1/24/2019 2:29:07 PM)
Hướng tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023 (9/10/2018 11:50:57 AM)
Đại hội Công đoàn Ngành Công Thương Hải Dương, nhiệm kỳ 2018-2023 thành công tốt đẹp (3/29/2018 11:25:22 AM)
Công đoàn Văn phòng Sở Công Thương tổ chức thành công Đại hội lần III, nhiệm kỳ 2017-2022 (11/29/2017 1:57:23 PM)
Công đoàn ngành Công Thương Hải Dương sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 (7/27/2017 9:20:12 AM)
Hướng dẫn đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" (4/25/2017 4:43:19 PM)
Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam quan tâm người lao động (11/18/2016 9:43:11 AM)
Công đoàn Công ty TNHH Shints BVT Tổng kết khen thưởng cán bộ đoàn viên (1/22/2016 11:11:38 AM)
CÔNG TY TNHH MAY MẶC MAKALOT 1 TỔ CHỨC Fesstival “Đêm hội nối vòng tay lớn” (1/15/2016 11:09:08 AM)
Công ty TNHH Makalot VN 2 tổ chức "Ngày hội đoàn kết Makalot 2015” (1/11/2016 11:04:14 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong