Trong gần 02 năm qua, dịch bệnh Covid - 19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh, phụ kiện phục vụ sản xuất công nghiệp như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nên các doanh nghiệp trong tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển công nghiệp bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 2.567ha, có 492 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ôtô, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác...; có 53 cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 2.685 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.860,24 ha với trên 300 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; các ngành công nghiệp phụ trợ; sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; các dự án không (hoặc ít) gây ô nhiễm môi trường… Đây sẽ là thị trường rất lớn và đa dạng cho các sản phẩm CNHT.

DURING VIET NAM CO.,LTD (Nguồn Internet)
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra 10 nhóm giải pháp để phát triển CNHT như: Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; về công tác tuyên truyền; về quy hoạch, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; cải thiện môi trường đầu tư; về nguồn nguyên liệu; về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về nguồn nhân lực; các cơ chế, chính sách hỗ trợ; về nâng cao các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tỉnh đã và đang tập trung tạo dựng nền tảng để phát triển CNHT như xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện; xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, từng bước thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp của tỉnh, trong thời gian qua Sở Công Thương Hải Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trợ như: Chương trình khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực may công nghiệp xuất khẩu, dây chuyền sản xuất bulông, ốc vít phục vụ công nghiệp phụ trợ; dây chuyền sản xuất cơ khí…; tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT áp dụng phương pháp cải tiến Kaizen; khóa đào tạo cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT về hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và nhiều chương trình đào tạo thiết thực khác./. Nguồn Bài: Tống Thị Thu Trang (SCT) |