Xuất phát từ thực tiễn, từ khi có bộ luật lao động ra đời, đã có rất nhiều cuộc ngừng việc tập thể của công nhân lao động xảy ra tại các doanh nghiệp với mục đích đòi hỏi quyền và lợi ích của người lao động. Các cuộc ngừng việc tập thể tuy đại đa số đó đạt được hoặc được một phần những mục tiêu của người lao động nhưng cũng làm thiệt hại cả đôi bên người lao động và người sử dụng lao động. Để giải quyết các cuộc ngừng việc tập thể, không có cách nào khác người lao động mà đại diện là công đoàn và người sử dụng lao động phải ngồi lại với nhau để đối thoại, tìm ra tiếng nói chung, giải quyết vấn đề. Nhiều khi các vấn đề rất nhỏ, trong tầm tay, nếu định kỳ đối thoại, hai bên sẽ có cách giải quyết tốt hơn, kịp thời hơn, tạo nên không khí thoải mái, tin cậy lẫn nhau, làm cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, quyền và lợi ích của người lao động được nâng cao.
Chính vì vậy Bộ Luật lao động đã được Quốc hội sửa đổi vào cuối năm 2012, bắt đầu thực hiện từ 01/05/2013. Trong đó thêm mục đối thoại tại nơi làm việc, từ điều 63 đến điều 65.
Mục 1, điều 65 Bộ Luật lao động quy định: “Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc theo yêu cầu của mỗi bên”. Mục tiêu đối thoại tại nơi làm việc là nhằm trao đổi thông tin, thông báo kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, tuyên truyền luật pháp, chế độ chính sách mới. Thông qua các cuộc đối tại nơi làm việc, thông tin giao tiếp giữa các bên được tăng cường sẽ giúp mối quan hệ giữa Người lao động - Công đoàn - Người sử dụng lao động được củng cố tốt hơn, giúp các bên tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung. Đối thoại tại nơi làm việc được phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt. Những quan điểm khác nhau của các bên tham gia đến từ các vị trí, công việc khác nhau đều được lắng nghe để có được sự lựa chọn tốt nhất cho quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ và sự phát triển của doanh nghiệp. Nền tảng này giúp các bên chia sẻ và đón nhận quan điểm, ý kiến của nhau và cùng nhau phát triển những khái niệm và cách hiểu mới. Điều này khuyến khích mỗi người phát hiện và tìm hiểu những điều mới so với suy nghĩ và nhận thức từ trước đến nay của họ.

(Ban Thường vụ Công Đoàn Ngành làm việc với lãnh đạo và Công đoàn Công ty TNHH Rosviet)
Bởi vậy đối thoại tại nơi làm việc không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu xem người lao động hay đại diện người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp có giao tiếp với nhau hay không mà vì lợi ích lâu dài của việc duy trì đối thoại sẽ tác động đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ chất lượng sản phẩm, năng suất lao động đến giảm tranh chấp, giảm tỷ lệ bỏ việc trong doanh nghiệp bởi các buổi đối thoại này, công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài thoả ước lao động tập thể hay hợp đồng lao động.
Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc tạo ra sự hài hoà những mong muốn của người lao động, người sử dụng lao động đồng thời tạo ra sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu doanh nghiệp tổ chức đối thoại tốt còn tạo động lực, khuyến khích người lao động đem kiến thức của mình đóng góp cho doanh nghiệp, từ đó làm tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp hơn bởi một khi người lao động cảm thấy được tôn trọng và họ biết rằng doanh nghiệp luôn quan tâm đến đời sống của họ thì họ sẽ có động lực lớn để làm việc và làm việc với năng suất cao.
Để thực hiện đối thoại tại nơi làm việc tốt cần có sự tuyên truyền nhận thức của cả hai bên người lao động (đại diện là công đoàn) với người sử dụng lao động trên cơ sở nhằm đạt mục tiêu chung: Doanh nghiệp phát triển, nhiều lợi nhuận, người lao động có quyền và lợi ích ngày càng cao. Cần tránh xu hướng phủ nhận, coi thường, không tôn trọng pháp luật, sợ mất thời gian, tự ti hoặc bất chấp, tạo nên mâu thuẫn không đáng có. Mặt khác cần tuân thủ theo các quy định của luật pháp trong đối thoại, chuẩn bị kỹ nội dung, nhân sự, chương trình đối thoại.(Còn nữa)
Nguồn Bài: |