Trong bài diễn văn chào mừng các đại biểu quốc tế đến dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Bác Hồ có viết:
“Quan san muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em”
Tính chất quốc tế sẵn có trong dòng máu của giai cấp công nhân, những người vô sản và được giữ gìn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bất kể ở châu lục nào, màu da nào.
Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã xác định rõ tính chất của giai cấp công nhân, trong đó có tính quốc tế. Huy hiệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thể hiện tính quốc tế bằng một hình trái đất tròn, vàng với các đường kinh tuyến, vĩ tuyến. Hoạt động quốc tế của Tổng Liên đoàn luôn được quan tâm, duy trì. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, những hoạt động đối ngoại lại càng cần thiết và hết sức quan trọng. Với những người anh em cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn “Việt Lào hai nước chúng ta/tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có mối quan tâm đặc biệt, giúp bạn trên tất cả các phương diện hoạt động Công đoàn.
Một phương pháp giảng dạy mới, tích cực mà chúng ta mới tiếp thu được của các Công đoàn châu Âu, chúng ta cũng sẵn sàng chia sẻ với bạn.
Từ năm 2004, Tổng Liên đoàn đã giao cho Công đoàn Công nghiệp Việt Nam thực hiện giúp các bạn Lào cả về vật chất và cán bộ giảng dạy. Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã mở 02 lớp tại Bắc và Trung Lào đào tạo được 42 giảng viên và theo thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào lựa chọn 26 cán bộ xuất sắc đưa sang đào tạo nâng cao một tuần tại Việt Nam. Tôi là một trong hai giảng viên được vinh dự nhận nhiệm vụ này.
Các bạn Lào xuất phát từ Viêng Chăn lúc 4 giờ sáng, theo cửa khẩu thuộc địa phận Nghệ An sang tới nhà nghỉ Công đoàn Công nghiệp tại Sầm Sơn – Thanh Hoá lúc 19 giờ ngày 25/6/2006. Đến 14 giờ ngày 26/6 khai mạc lớp và bắt đầu học. Để tạo điều kiện cho bạn vừa học vừa nghỉ ngơi, tham quan ở Việt Nam và tắm biển (ở Lào không có biển) nên lịch học cả tuần: Sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30’; chiều từ 13 giờ 30’ đến 16 giờ. Giữa tuần có một buổi chiều đi tham quan. Thứ bảy các bạn họp lớp, đi chợ mua sắm và buổi tối liên hoan. 4 giờ sáng ngày 02/7 các bạn lên đường về nước.
Đoàn cán bộ Lào do chị Bun Xỏn, Uỷ viên BCH Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, Trưởng Ban Tuyên giáo làm trưởng đoàn đồng thời cũng là học viên của lớp. Các đồng chí khác công tác tại các Ban của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, công đoàn các Bộ, các tỉnh và một đại biểu của Liên đoàn lao động huyện. Trong đó có 9 đồng chí trước đây làm giáo viên. Phiên dịch cho chúng tôi là anh Xỏn Nức, nguyên là học viên Đại học Công đoàn khoá 21 trường Đại học Công đoàn Việt Nam.
Điều đáng nói ở đây là các bạn Lào nắm bắt vấn đề rất nhanh trong phương pháp mới. Do Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào không có trường đào tạo cán bộ dài hạn, chỉ bồi dưỡng ngắn hạn, khoá nào dài cũng chỉ 45 ngày nên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực là phù hợp và hiệu quả.
Các bạn Lào học tập rất nghiêm túc. Ngay cả chị Bun Xỏn trong lúc học cũng thể hiện đúng là một học viên, khiêm tốn, nhiệt tình tham gia tranh luận sôi nổi. Côm Phon, cô gái trẻ nhất đoàn, 28 tuổi, chưa có gia đình riêng, đại biểu duy nhất của LĐLĐ huyện lại trình bày bài giảng đầu tiên nhưng rất duyên dáng, rất thuyết phục.
Tìm hiểu về Công đoàn Lào, tôi được biết: BCH Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào có 35 uỷ viên, không có Đoàn chủ tịch hoặc Ban thường vụ. Có một Chủ tịch, một Phó chủ tịch. Đoàn viên khoảng chừng 100.000 người. ở Lào cũng tổ chức thành các ban gần giống như ở Việt Nam. Có ban bảo vệ quyền lợi người lao động, giải quyết tranh chấp lao động. Lào có 7 Công đoàn Bộ gồm: Xây dựng, Công nghiệp, Giáo dục, Y tế, Văn hoá thông tin, Nông nghiệp và Lâm nghiệp. Có 16 Liên đoàn lao động tỉnh và một thủ đô. Tổng số cơ sở 2.341.
Các doanh nghiệp tư nhân ở Lào chưa phát triển mạnh như ở Việt Nam song vấn đề lớn nhất trong hoạt động của Công đoàn Lào cũng là vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động, là phát triển công đoàn khu vực ngoài quốc doanh.
Tuy giảng bằng tiếng Việt, phải qua phiên dịch nhưng do anh Xỏn Nức đã công tác nhiều năm tại Việt Nam, lại là học viên Đại học Công đoàn Việt Nam nên chất lượng dịch rất tốt. Tôi hiểu điều này thông qua việc làm bài thảo luận tình huống và thông qua bản dịch bài hát Hoa Chămpa anh dịch cho tôi, qua bản dịch bài phát biểu của chị Bun Xỏn trong buổi liên hoan chia tay mà anh nhờ tôi soát lại hành văn.
Kết quả học thật đáng phấn khởi: bằng cách đánh dấu X, không ký tên trên bảng đánh giá, các học viên đã bình xét:
Giáo viên truyền đạt rất tốt: 18, tốt 8.
Nội dung khoá học rất tốt: 13, tốt 13.
Tổ chức lớp học rất tốt: 10, tốt 16.
Kết quả học tập của học viên rất tốt: 2, tốt 21.
Không có dấu X nào tại các cột tạm được, kém.
Trong lúc dẫn đoàn đi tham quan, tôi đã tranh thủ nói cho các bạn biết về mảnh đất Thanh Hoá anh hùng, địa linh nhân kiệt; về câu chuyện Lê Lợi ba lần vớt được Gươm thần ở biển, đánh giặc xong rồi trả lại rùa thần ở Hồ Gươm; về dòng sông Mã, về cầu Hàm Rồng, về các cụ già bắn rơi máy bay, về Ngô Thị Tuyển...và trong buổi liên hoan, nhà nghỉ Công đoàn Công nghiệp Việt Nam tặng các bạn Lào bức tranh sơn mài khảm trai về dòng sông Mã, cầu Hàm Rồng; tôi đã hát bài Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao, bài hát đã được chọn làm nhạc nền cho chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh Thanh Hoá.
Buổi liên hoan chia tay diễn ra rất vui và cảm động. Tôi đã hát bài Hoa Chămpa cho tất cả mọi người cùng múa Lăm Vông. Tình cảm chan hoà, lời ca dịu dàng, sâu lắng, thiết tha: Hoa đẹp xinh ơi, em chính người tôi thiết tha yêu trọn đời. Tình đoàn kết chiến đấu bao nhiêu năm qua mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững lại được thể hiện. Bên dãy Trường Sơn, Mê Kông nước sông bao la Việt – Lào Khơ me anh em. Từ bao đời nay, bên nhau chúng ta anh em kết đoàn, dốc lòng đánh kẻ thù chung... Những bài hát Việt – Lào cứ ngân nga mãi đến khi Người ơi người ở đừng về cất lên thì mọi người biết mình sắp phải chia tay rồi. Các bạn Lào đều thấy một tuần trên đất Việt Nam nhanh quá, ngắn quá. Chia tay bịn rịn bùi ngùi.... Nguồn Bài: |