SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 28/3/2024

TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH

8/5/2021 3:08:39 PM
Quyết liệt các giải pháp đưa hàng hóa thiết yếu vào tâm dịch
Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
 
Sáng tạo, kịp thời, hiệu quả

Theo đó, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời, thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và Tổ Công tác tiền phương phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tại phía Nam để xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đặc biệt, Bộ Công Thương gấp rút xây dựng phương án và triển khai quyết liệt 3 nhiệm vụ chính. Một là phối hợp cùng chính quyền, Sở Công Thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Hai là, khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương, các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường. Ba là sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương thiếu cục bộ. Phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương và các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam lên phương án tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cung ứng kịp thời cho người dân. Do đó, đến nay tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định

Tuy nhiên, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị. Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa

Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn cho công tác cung ứng và lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước (bảo đảm tính thị trường), giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, tiếp tục tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương. Trước mắt, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” sẽ được tổ chức vào ngày 6/8/2021, giúp kết nối chuỗi cung ứng đang tạm thời gián đoạn do dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đếm năm 2030”. Đồng thời hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

 

3 nhiệm vụ cấp bách

Tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng sáng 3/8, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đặt ra ba nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới: Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; Nhiệm vụ thứ hai là vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; Nhiệm vụ thứ ba là duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, đây tiếp tục là dấu hiệu lạc quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng. Thời gian tới, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều dư địa để tăng trưởng, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, do vậy Thứ trưởng yêu cầu, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải chú trọng thêm về nhiệm vụ giữ vững sản xuất công nghiệp, duy trì hoạt động xuất khẩu.  

Thứ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ chức năng phải nỗ lực thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao phó. Cùng với đó, làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị ở trong và ngoài Bộ Công Thương.

Về việc cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác Tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Đối với nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng giao Cục công nghiệp làm đầu mối, phải làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất… từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phải có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, Thứ trưởng cho rằng đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối, nắm bắt các nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời đề ra những giải pháp, tham mưu các chính sách phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Đối với các đơn vị khác như: Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ…, Thứ trưởng yêu cầu, cần tăng cường sự phối hợp, bám sát các thị trường xuất khẩu để có thông tin về thị trường, từ đó có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.

Nguồn Bài: moit.gov.vn

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Ngành Công Thương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 (2/16/2024 3:22:54 PM)
Lịch trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (2/6/2024 10:47:13 AM)
Sở Công Thương tổng kết công tác năm 2023 và trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2023 (1/20/2024 7:37:00 PM)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp thục đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (12/29/2023 9:02:37 AM)
Sở Công Thương Hải Dương triển khai Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (12/21/2023 11:25:25 AM)
Đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12/19/2023 11:30:57 AM)
Tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023” (12/1/2023 6:47:36 PM)
Sở Công Thương tổ chức công bố Quyết định Phó Giám đốc Sở (12/1/2023 5:02:39 PM)
Sở Công Thương tăng cường triển khai thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước (11/2/2023 10:41:22 AM)
Kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương với Thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài (10/27/2023 7:05:55 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong