SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 19/4/2024

TIN TỨC, SỰ KIỆN CHUNG

7/26/2019 4:34:03 PM
Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong các cơ quan nhà nước
TMĐT góp phần quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ công, giao dịch thương mại, mua sắm và đấu thầu qua mạng của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức, đơn vị…
 
 

Chúng ta đã nghe nói nhiều đến thương mại điện tử và tầm quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT) trong đời sống xã hội; đặc biệt là những tác động tích cực trong phát triển kinh tế, thúc đẩy kinh doanh thương mại theo hướng hiện đại. Để có được quy mô, tầm vóc như hiện nay, không thể phủ nhận vai trò tiên phong của các hãng công nghệ, sự nắm bắt kịp thời của các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, sự tham gia tích cực của các tổ chức và người tiêu dùng.

Công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đều kịp thời nắm bắt, triển khai nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (loại hình TMĐT tiên tiến) để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời đại mới. Tại các cơ quan nhà nước, TMĐT cũng không ngừng phát triển và được ứng dụng ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, doanh nghiệp và người dân đều được hưởng những tiện ích nhất định từ việc tham gia ứng dụng, truy cập và đăng ký dịch vụ công của cơ quan nhà nước.

Những năm gần đây, loại hình giao dịch G2B, G2C có bước tăng trưởng khá. Trong đó giao dịch G2B là loại hình giao dịch giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Đây thường là những giao dịch hành chính thuần túy nhưng mang yếu tố của TMĐT khi doanh nghiệp đăng ký các dịch vụ công trực tuyến như kê khai thuế, kê khai xuất xứ hàng hóa điện tử; doanh nghiệp nộp thuế điện tử và mới nhất là chữ ký điện tử (còn gọi là chữ ký số) v.v...

Còn  giao dịch G2C là loại hình giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân. Đây cũng là các giao dịch mang tính hành chính, nhưng vẫn mang những yếu tố của TMĐT. Ví dụ khi người dân đóng tiền thuế qua mạng, trả phí khi đăng ký hồ sơ trực tuyến, v.v…

Thương mại điện tử đang góp phần quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân, cụ thể là các hoạt động cung cấp dịch vụ công, giao dịch thương mại, mua sắm và đấu thầu qua mạng của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước.

Qua đó có thể thấy giá trị của các dịch vụ công trực tuyến nói riêng và tổng thể môi trường kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam hiện nay khá minh bạch và thuận lợi cho cả các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp phát triển. Áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp các bên tiết kiệm được một số tiền không nhỏ thay vì những chi phí phát sinh không chính thức khác.

TMĐT giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; hỗ trợ xây dựng chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế địa phương; cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến một cách tiện lợi. Nền tảng ứng dụng này giúp doanh nghiệp và người dân đăng ký các dịch vụ công nhanh gọn và hiệu quả, giảm tối đa chi phí đi lại và thời gian khi phải đích thân tới các cơ quan, đơn vị. Doanh nghiệp và người dân chỉ cần ngồi tại đơn vị hoặc tại nhà truy cập và điền thông tin đăng ký dịch vụ công trên các website hoặc cổng thông tin thương mại điện tử trực tuyến do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp mà không cần phải đến tận nơi như trước kia.

Năm 2018, có 54% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá lợi ích của các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ rất cao, tỷ lệ này tăng nhẹ hàng năm so với những năm trước. Trong mấy năm trở lại đây xu hướng tra cứu thông tin trực tuyến từ các Website của cơ quan nhà nước đang phát triển ở mức tích cực, qua đó các cơ quan, đơn vị cần phát huy thể mạnh, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mà mình cung cấp.

Doanh nghiệp tăng cường tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước

Theo số liệu khảo sát thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cho thấy, 31% doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước (tăng 1% so với năm trước), 62% doanh nghiệp thỉnh thoảng mới tra cứu và vẫn còn 7% doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu các thông tin này. Đa phần những doanh nghiệp không hoặc ít tra cứu là những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Còn với các doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn quan tâm hơn tới những thông tin chính sách từ phía các cơ quan nhà nước để kịp thời vận dụng cho đơn vị. Cụ thể, 44% doanh nghiệp lớn có quan tâm tới các thông tin này trong khi đó tỷ lệ ở doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ đạt 29%. Tỷ lệ này trong vài năm trở lại đây dù có chuyển biến nhưng chưa nhiều, điều đó phản ánh tính hiệu quả cũng như nhận thức và mức độ tiếp cận đối với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trong doanh nghiệp ở một số địa phương, một số lĩnh vực chưa thực sự tốt. Như vậy, nhóm các doanh nghiệp lớn vẫn luôn quan tâm tới thông tin trên website của các cơ quan nhà nước so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Bên cạnh việc tra cứu thông tin cần thiết, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo… được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước đang theo xu hướng tăng nhẹ so với hai năm gần đây, từ 73% doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2017 tăng lên 75% doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ này năm 2018.

Điều đặc biệt là trong ba năm trở lại đây, khai báo thuế vẫn là dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất và đều chiếm gần 90% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, con số này ở tỉnh Hải Dương là trên 95%. Tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh chiếm 51% và tăng tới 9% so với năm 2017, con số này tại Hải Dương năm 2018 vừa qua là 75%.

Các dịch vụ công trực tuyến khác như thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, khai báo hải quan… đều có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tuy nhiên mức độ sử dụng của doanh nghiệp chưa cao. Nguyên nhân là số lượng các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu hàng hóa chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước.

Doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số khi giao dịch

Gần đây, chúng ta cũng được nghe nhiều tới chữ ký điện tử và chữ ký số. Đây là loại hình giao dịch TMĐT được áp dụng ở cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, trong tương lai sẽ được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Có thể hiểu Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video...) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó.

Chữ ký điện tử được sử dụng trong các giao dịch điện tử. Xuất phát từ thực tế, chữ ký điện tử cũng cần đảm bảo các chức năng: Xác định được người chủ của một dữ liệu nào đó: Văn bản, ảnh, video,... dữ liệu đó có bị thay đổi hay không.

Hai khái niệm chữ ký số và chữ ký điện tử thường được dùng thay thế cho nhau mặc dù chúng không hoàn toàn có cùng nghĩa. Chữ ký số chỉ là một tập con của chữ ký điện tử (vì chữ ký điện tử bao hàm cả chữ ký số).

Để TMĐT phát triển ngày càng bền vững ở khối các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội cả nước nói chung và trong tỉnh Hải Dương nói riêng, cần phải tăng cường công tác cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ TMĐT; tăng cường quản lý nhà nước về TMĐT và phát triển các ứng dụng CNTT, TMĐT trong các cơ quan nhà nước, trong đó:

 1- Cần tăng cường phát triển các phần mềm ứng dụng TMĐT trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Mở rộng kho cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước để cung cấp thông tin đúng, đủ cho các tổ chức và cá nhân, điều này cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá TMĐT thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc tập huấn, hội thảo. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý nhà nước về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT tại các địa phương.

3 - Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực TMĐT trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT còn đang thiếu ở cả khối cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp.

4 -Đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển TMĐT như hỗ trợ, khuyến khích xây dựng Website đối với doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng B2B, B2C và quan tâm phát triển các ngành phụ trợ cho TMĐT như viễn thông, công nghệ thông tin.

5- Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao tốc độ đường truyền Internet đáp ứng được yêu cầu của người dùng.  

Để TMĐT trong cơ quan nhà nước được ứng dụng phổ biến, mang lại hiệu quả cao, được các tổ chức và cá nhân biết đến và ứng dụng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT, giúp nâng cao nhận thức của người sử dụng, Nhà nước cũng cần hoàn thiện khung pháp lý cho TMĐT phát triển. Bên cạnh đó cần có sự liên kết quản lý các trung tâm, đầu mối các kênh TMĐT với các nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ở lĩnh vực này./.

 

Nguồn Bài: Lê Minh

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân kỷ niệm 16 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (4/15/2024 4:25:49 PM)
Kết quả sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quý I năm 2024 (3/28/2024 4:58:23 AM)
Thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương (3/20/2024 10:31:07 AM)
Mời doanh nghiệp đăng ký tham gia diễn đàn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp (3/6/2024 9:34:32 AM)
Thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công (3/1/2024 8:41:08 AM)
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024 tại các đơn vị, doanh nghiệp (2/29/2024 10:20:02 AM)
Lế ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Suwon, Hàn Quốc (2/27/2024 8:06:24 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản công (2/21/2024 10:26:44 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá tài sản công (1/30/2024 4:44:46 PM)
Cung ứng khoảng 20 tấn gạo nếp cái hoa vàng An Lạc phục vụ Tết (1/18/2024 2:38:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong