SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

KINH TẾ - XÃ HỘI

2/1/2020 8:02:32 PM
Tổng hợp thị trường lương thực và thực phẩm tỉnh Hải Dương trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao do ảnh hưởng từ giá thịt lợn; giá sữa, bánh kẹo và đồ uống đều tăng nhẹ.
 
Giá thóc gạo ổn định.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá thóc gạo trên địa bàn tỉnh khá ổn định nhờ lượng cung tốt trong tỉnh, góp phần giúp ổn định giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng dịp Tết và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

Trước Tết khoảng nửa tháng, giá thóc bắc thơm được bán tại các huyện trong tỉnh vẫn duy trì ở mức 800.000đ/tạ. Cùng với đó, giá gạo bắc thơm được bán ra tại nhiều đại lý trong tỉnh là 15.000đ/kg, giá gạo hương thơm hoặc P6 giữ ở mức 12.500đ/kg, gạo Xi là 11.500đ/kg. Mặc dù giáp Tết nhu cầu sử dụng gạo nếp cái hoa vàng để gói bánh và nấu xôi rất nhiều nhưng giá gạo vẫn ổn định ở mức 28.000đ/kg. Tháng 1/2020 cũng là thời điểm các loại gạo tẻ và gạo nếp ngon được tiêu thụ mạnh nhất trong năm bởi sức mua của nhiều hộ gia đình tăng mạnh để phục vụ Tết Nguyên đán.

Giá gạo ổn định trong thời gian trước Tết giúp người dân trong tỉnh yên tâm hơn khi mua sắm chứ không phải lo tích trữ như đối với nhiều loại thực phẩm tươi sống khác. Sau Tết, giá các mặt hàng gạo tẻ và gạo nếp vẫn giữ được ổn định và nhiều khả năng sẽ không có biến động trong tháng 2/2020 bởi nguồn cung dồi dào trong và ngoài tỉnh.

Rau xanh và củ quả tăng giá mạnh sau Tết.

Ngay sau Tết Nguyên đán, giá sau xanh các loại đều tăng nhẹ gấp 2-3 lần mặc dù nguồn cung khá dồi dào. Đặc biệt trong những ngày từ mùng 4-6 Tết, giá rau xanh các loại tăng gấp 3 lần so với trước Tết. Trong đó giá rau cần được bán ra tại một số chợ trong thành phố Hải Dương từ 14.000-15.000đ/mớ, rau cải canh 15.000đ/mớ; rau bắp cải là 12.000đ/kg, súp lơ trắng loại to có đường kính khoảng 15cm là 15.000đ/cái, súp lơ xanh kích thước tương tự từ 15.000-17.000đ/cái.

Nguyên nhân giá rau xanh tăng mạnh sau Tết là do mấy ngày thời tiết lạnh giá, người dân đi chơi Tết muộn hơn các năm trước bù cho ngày mùng 1 mưa gió to và lạnh nên ít gia đình thu hoạch rau cung cấp cho chợ đầu mối. Nhiều khả năng, thị trường rau xanh sẽ giảm nhanh sau mùng 10 tháng 1 Âm lịch (tức tuần đầu tháng 2/2020).

 

Đoàn công tác của  Sở Công Thương kiểm tra việc chuẩn bị hàng hoá Tết tại một số đại lý trên địa bàn thành phố

Giá hoa trái tăng mạnh dịp trước Tết.

Giá các sản phẩm hoa quả được bán dịp trước, trong và sau Tết thay đổi liên tục do nhu cầu mua sắm của nhân dân cao hơn ngày thường, đặc biệt với các loại hoa trái phục vụ Tết như xoài, bưởi, đu đủ, thanh long, dưa hấu, quýt, táo. Tại các chợ truyền thống trong thành phố Hải Dương, giá thanh long lúc giáp Tết lên tới 55.000đ/kg, dừa non 20.000đ - 25.000đ/quả, quýt canh khoảng 35.000đ/kg, xoài Thái từ 30.000-45.000đ/kg, hồng xiêm loại to 45.000-55.000đ/kg, bưởi diễn (hàng chính gốc) bán tại Hải Dương từ 35.000đ-45.000đ/quả.

Giá hoa quả tại các chợ và tại siêu thị trong tỉnh biến động từng ngày trước Tết. Khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao cũng là lúc các cửa hàng và siêu thị tăng giá bán kiếm lời. Tại siêu thị BigC, giá táo nhập khẩu phổ biến từ 45.000đ - 70.000đ/kg, lê nhập khẩu từ Hàn Quốc từ 40.000- 50.000đ/kg, nho không hạt từ 120.000đ/kg trở lên. Giá bán trái cây tại các cửa hàng bán hoa trái nhập khẩu trên địa bàn thành phố còn cao hơn tại siêu thị và các gian hàng trong chợ rất nhiều. Chắc chắn sau Tết, giá nhiều loại trái cây sẽ giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đi xuống so với trước.

Giá hàng khô ổn định dù lượng tiêu thụ tăng mạnh.

Nhờ nguồn cung tương đối tốt nên giá mặt hàng khô dịp trước, trong và sau Tết không có nhiều biến động. Đơn cử như giá măng khô chỉ từ 120.000đ - 170.000đ/kg tuỳ loại, miến dong từ 45.000 - 50.000đ/kg. Ngoài ra, các sản phẩm như hạt hướng dương có giá từ 60.000-75.000đ/kg, lạc nhân từ 40.000-45.000đ/kg, hạt bí từ 150.000đ - 160.000đ/kg, đỗ xanh vỡ chỉ từ 30.000- 33.000đ/kg, mộc nhĩ 120.000- 140.000đ/kg, nấm hương từ 230.000-300.000đ/kg. Giá mặt hàng nông sản khô phụ thuộc vào hình thức và chất lượng của sản phẩm bán trên thị trường nên có những mức khác nhau.

Mặc dù trải qua thời điểm nhạy cảm bởi nhu cầu tiêu dùng của  nhân dân tăng nhưng giá cả nhiều mặt hàng khô phục vụ Tết Nguyên đán khá ổn định giúp người dân thêm an tâm mua sắm trong bối cảnh giá thịt lợn leo thang. Nhìn chung, thị trường tỉnh Hải Dương vẫn duy trì tốt về nguồn cung nhiều loại sản phẩm, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Theo nhận định thị trường lương thực và nông sản sẽ ít có biến động trong tháng 02/2020.

Giá thịt gia cầm tăng trước Tết.

Trong thời gian trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm (đặc biệt là thịt gà) tăng mạnh ở cả khu vực thành thị và nông thôn do mặt hàng này luôn có mặt trong các bữa tiệc phục vụ cưới hỏi, tất niên và tại các sự kiện giỗ chạp của mỗi gia đình.

Tuy nhiên do ảnh hưởng từ giá thịt lợn nên giá các loại thit gia cầm, từ gà, vịt, ngan, ngỗng… đều tăng từ 30-50% tùy loại. Mặc dù nguồn cung thịt gia cầm trong tỉnh là rất tốt nhưng không thể bù đắp cho số lượng thịt lợn bị sụt giảm nghiêm trọng ở trong nước. Vào lúc cao điểm những ngày giáp Tết, giá gà trống ta nuôi thả vườn mào đỏ cờ được bán ở mức 120.000- 130.000đ/kg, gà lai chọi màu lông đen xám nuôi nhốt theo mô hình trang trại nhỏ cũng chỉ được bán với giá 110.000 - 120.000đ/kg. Ngoài ra, giá ngan ta nguyên con cũng có giá bán dao động khoảng 60.000đ/kg, trứng gà ta và trứng vịt khoảng 30.000đ/chục.

Giá thịt lợn giáp Tết giảm nhưng sau Tết tăng nhẹ trở lại.

Sau khi đạt mức giá cao kỷ lục vào cuối năm 2019 và tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2020, giá thịt lợn trên toàn địa bàn tỉnh có giảm nhẹ khoảng 15% vào những ngày giáp Tết. Cụ thể thời điểm từ ngày 08-16/01/2020, giá thịt lợn thăn giảm còn 140.000đ/kg, thịt lợn mông sẫn và ba chỉ từ 130.000 -135.000đ/kg. Giò lụa các loại cũng giảm từ 10-15% so với trước và được bán ra từ 170.000 - 190.000đ/kg. Giá thịt lợn giảm trước Tết do nước ta cơ bản đã khống chế được dịch tả lợn ở nhiều địa phương, nguồn cung lợn thịt tăng lên rõ rệt.

Ngay sau Tết vào những ngày cuối tháng 01 Dương lịch, giá thịt lợn tăng trở lại khoảng 10% bởi đại dịch viêm phổi cấp (nhiễm nCoV) có xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) lan rộng. Theo đó, ngày 31/01, giá thịt lợn nạc thăn và nạc vai bán ra tại hầu hết các chợ trong thành phố Hải Dương đã tăng lên mức 160.000đ/kg, thịt ba chỉ và mông sấn ở mức 150.000đ/kg. Giá thịt lợn tăng trở lại ngoài dự đoán của nhiều người bởi sau Tết thời tiết trở lạnh kèm những ngày mưa phùn. Ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona dễ lây lan khiến nhiều người ngại tiếp xúc với cộng đồng và ngại luôn cả việc giao tiếp cũng như giao dịch khi phải trao đổi hàng hóa bằng tay.

Giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung hạn chế ảnh hưởng rất nhiều tới các mặt hàng thực phẩm khác. 

Giá thịt trâu bò tăng nhẹ trước Tết.

Do nguồn cung có phần hạn chế và bị ảnh hưởng lớn từ giá thịt lợn nên giá thịt trâu, bò thời điển trước, trong và sau Tết tại Hải Dương khá đắt đỏ. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết, giá thịt trâu và bò còn tăng nhẹ thêm từ 10.000đ-15.000đ/kg. Tại các chợ  trong thành phố, giá thịt trâu và bò lúc cao điểm nhất là 270.000đ/kg, thịt bê khoảng 260.000đ/kg. Còn tại siêu thị, giá thịt bò nuôi trong nước và thịt bò nhập khẩu đều có giá trên 300.000đ/kg.

Dù sau Tết, giá thịt trâu bò đã giảm nhẹ trở lại nhưng vẫn cao. Thịt bò thăn và đùi ở mức khoảng 255.000đ/kg. Ngoài ra giá thịt bê khoảng 245.000đ/kg. Giá thịt trâu cũng tương đương thịt bò, thậm chí có nơi bán đắt hơn thịt bò từ 5.000-10.000đ/kg. Theo nhận định, giá thịt trâu và bò sẽ không có nhiều biến động trong thời gian tới vì nguồn cung trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước chưa có dấu hiệu cải thiện.

Nhóm hàng thuỷ, hải sản tăng nhẹ dịp Tết.

Giá nhiều mặt hàng thuỷ, hải sản dịp giáp Tết tăng nhẹ bởi sức mua cao trong dân và ảnh hưởng từ việc giá thịt lợn leo thang. Mặc nguồn cung thuỷ sản trong tỉnh rất tốt nhưng thời điểm này nhu cầu sử dụng thủy sản của nhân dân cũng tăng so với trước. Nguyên nhân của việc biến động giá chủ yếu do người dân giảm mua thịt lợn và chuyển sang nhóm hàng thủy sản.

Một tuần trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá chép ao loại 2kg được bán ra khoảng 65.000đkg, cá trắm ao loại 3 kg/con là 65.000đ/kg, cá quả loại 1kg/con từ 80.000- 85.00đ/kg, tôm rảo loại vừa từ 170.000đ - 180.000đ/kg, cá rô phi loại 1kg/con là 42.000đ/kg, ba ba 280.000đ/kg. Ngoài các thủy sản truyền thống, các loại hải sản như cua biển, nghẹ, cá thu, cá mực các loại, cá ngừ biến động từ 5-10% tùy loại. Giá mực ống loại vừa từ 160.000 -180.000đ/kg, cua biển từ 320.000-350.000đ/kg. Nhiều khả năng sau Tết và chính thức từ tháng 2, giá các loại thuỷ, hải sản sẽ theo xu hướng giảm nhẹ.

Giá bia và nước giải khát tăng nhẹ.

Từ đầu tháng 2, giá bia và nước ngọt tại các siêu thị và tất cả đại lý trong tỉnh bắt đầu tăng do các đơn vị nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ trong dân sẽ tăng rất mạnh dịp Tết Nguyên đán. So với cuối năm trước, giá bia và một số loại nước giải khát dịp trước Tết Canh Tý tăng khoảng 5% mặc dù nguồn cung trên thị trường rất dồi dào. Thị trường Hải Dương có đủ các chủng loại bia trong nước và nhập khẩu với nhiều mức giá khác nhau. Giá bia lon Hà Nội hoặc bia 333 được bán ra từ 235.000 - 240.000đ/hộp 24 lon, bia Tiger là 330.000đ/hộp, bia Heniken từ 390.000-395.000đ/hộp.

Giá nước ngọt các loại như Cocacola, nước cam ép, nước bí đao, nước yến… của tất cả các hãng đều tăng nhẹ với các mức khác nhau, trung bình từ 5-8% tuỳ từng điểm bán. Qua khảo sát tại các đại lý bán hàng Tết trong thành phố, giá bán ra tại mỗi điểm chỉ chênh lệch từ 5.000-15.000đ/hộp bia hoặc nước ngọt tuỳ loại. Theo giải thích của nhiều chủ hàng, giá bán tăng do giá nhập vào cao hơn trước. Giá nước bí đao Tribeco được bán ra khoảng 145.000đ/hộp, nước ngọt Redbull là 230.000đ/hộp, nước chanh leo khoảng 165.000đ/ hộp 24 lon

Từ ngày 29 Tết, nhiều đại lý vẫn đông khách hàng mua sắm nhưng lượng tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu không cao như năm trước do ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Giá dầu ăn và đường ổn định, giá bánh kẹo tăng nhẹ.

Trong khi giá dầu ăn và đường các loại rất ổn định thì giá bánh kẹo phục vụ Tết âm thầm tăng nhẹ từ 5-10% tùy loại. Trên thị trường Hải Dương, sức tiêu thụ tăng mạnh ở các sản phẩm bánh kẹo ngon nhập khẩu và bánh kẹo của các hãng như Orion, Bibica, Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị và một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có uy tín trong nước. Do việc mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong những ngày Tết là không thể tránh khỏi nên ít khách hàng phàn nàn về giá bánh kẹo bởi cùng thời điểm này họ có rất nhiều lựa chọn khác nhau với sản phẩm trong nước hoặc nhập ngoại.

Hầu hết bánh kẹo phục vụ Tết đều có mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng nhưng giá cả rất khác nhau, bánh kẹo nhập khẩu thường cao hơn bánh kẹo của các công ty có uy tín trong nước. Tuy nhiên, để làm quà biếu, sử dụng hoặc đi chơi khách hàng có nhiều lựa chọn với sản phẩm bánh kẹo từ vài chục đến vài trăm nghìn mỗi hộp mà chất lượng cũng đều rất ổn.

Những ngày giáp Tết, giá bánh bánh Danisa 681g có giá bán tại siêu thị BigC là 165.000đ/hộp, bánh Chocopie loại 12 cái của Orion có giá 67.000đ/hộp, bánh Cosy hộp thiếc 700g là 120.000đ/hộp, bánh Blue hỗn hợp 625g là 160.000đ/hộp, bánh Ritaz 340g khoảng 105.000đ/hộp. Còn tại các đại lý trong thành phố giá bánh kẹo phục vụ Tết đắt hơn tại siêu thị từ 5-8% tùy loại.

Tuy nhiên, một số Công ty sản xuất bánh kẹo trong nước, kể cả những đơn vị có thương hiệu đang có xu hướng chạy theo hàng ngoại nhưng… đang đánh lừa người tiêu dùng bằng cách thiết kế bao bì thật đẹp, hộp và túi đựng thật to, trong hộp lót thêm nhiều lớp bảo quản nên ruột hộp bánh chẳng có là bao. Có hộp bánh nhìn to đẹp, trọng lượng tới 385 gam nhưng thực tế lượng bánh trong hộp chỉ khoảng 200g. Nhiều hộp bánh khác ở trong xếp rất rất vơi còn vẻ bề ngoài thì lấy bao bì để che mắt khách hàng.   

Giá sữa tăng khoảng 5%.

Giá sữa các loại trước Tết tăng nhẹ từ 5-6% ở tất cả các hãng. Các đại lý bán sữa chỉ lý giải là giá nhập và tăng nên giá bán giá cũng tăng. Nguyên nhân ở việc tăng giá sữa lần này chủ yếu là giá thành đầu vào biến động.   

Sự biến động tăng của thị trường lương thực và thực phẩm dịp trước, trong Tết đã phản ánh thực trạng giá cả và thị trường tiêu dùng tỉnh Hải Dương trong những ngày nhạy cảm nhất của năm. Nguyên nhân chính của việc nhóm hàng tươi sống tăng cao là do ảnh hưởng từ nguồn cung thịt lợn. Ngoài ra, giá bánh kẹo, sữa và đồ uống tăng còn do tác động từ nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Hy vọng từ tháng 2/2020, giá các mặt hàng thực phẩm sẽ giảm nhẹ, giúp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng tại Hải Dương và trong cả nước./.

 

Nguồn Bài: Lê Minh

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2024 (3/4/2024 2:07:08 PM)
Những nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất năm 2024, Việt Nam lọt top 20 (1/1/2024 7:41:43 AM)
Phối hợp hỗ trợ các hoạt động Xúc tiến thương mại- Kết nối cung cầu hàng Việt tại tỉnh Hải Dương (11/9/2023 9:12:56 AM)
Hải Dương: Phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại mới (8/15/2023 8:27:20 AM)
Khuyến cáo về xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới của tỉnh Cao Bằng (6/20/2023 5:34:45 PM)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm cung ứng điện (6/12/2023 9:16:58 AM)
Khuyến cáo doanh nghiệp qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (6/7/2023 8:23:03 AM)
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chính thức là cửa khẩu nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây (Trung Quốc) (4/3/2023 2:00:34 PM)
Cửa khẩu Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam sẽ thông quan xuyên Tết 2023 (1/10/2023 8:41:10 AM)
218 doanh nghiệp vào danh sách sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021 (11/7/2022 11:31:24 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong