SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 19/4/2024

THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

10/3/2020 3:53:46 PM
Tổng hợp thị trường lương thực và thực phẩm tỉnh Hải Dương 9 tháng năm 2020
Giá thịt lợn luôn ở mức cao gây nhiều bất lợi cho người tiêu dùng, giá sữa tăng từ 10 -15%, giá thóc gạo biến động nhẹ, giá trái cây và một số hải sản cao cấp giảm mạnh.
 
Giá thóc gạo biến động nhẹ

9 tháng vừa qua, giá thóc gạo trên địa bàn tỉnh biến động nhẹ bởi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trên thị trường thế giới. Nguyên nhân khác là do tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng đã ảnh hưởng tới sản xuất và nguồn cung lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở trong nước và tại tỉnh Hải Dương, giá thóc gạo cũng tăng nhẹ vào những thời điểm người dân mua gạo dự trữ do sau khi Chính phủ và các địa phương áp dụng lệnh cách ly xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  vào thời điểm tháng 3, 4 và đầu tháng 8/2020.

Việc tăng giá gạo vào những thời điểm này chủ yếu do các đại lý áp dụng khi thấy người dân có nhu cầu mua tích trữ. Tuy nhiên sau các thời điểm trên, giá thóc gạo đã giảm nhẹ trở lại khoảng 50% so với mức tăng trước đó. Tại các đại lý trên địa bàn thành phố Hải Dương, giá gạo bắc thơm cuối tháng 9 được bán ra khoảng 16.000đ/kg; giá gạo hương thơm và gạo P6 khoảng 13.500đ/kg, gạo Xi khoảng 12.500đ/kg, giá gạo nếp cái hoa vàng từ 25.000 - 27.000đ/kg.

Giá rau xanh giảm mạnh dịp hè

9 tháng qua, giá rau xanh trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động. Giá rau tăng mạnh gấp 2, thậm chí là 2,5 lần trong tháng 2 và giảm nhẹ dần từ giữa tháng 3. Trong dịp hè, rau giảm giá mạnh rồi ổn định trong thời gian dài nhờ thời tiết thuận lợi cho việc canh tác và thu hoạch rau màu. Trong dịp hè, giá rau mùng tơi, rau rền, rau đay, rau muống chỉ từ 2.000 - 3.000đ/mớ. Thời điểm cuối tháng 9 giá rau xanh đã tăng nhẹ so với trước; giá các loại rau phổ thông như rau mùng tơi, rau rền, rau đay, rau muống chỉ từ 3.000 - 4.000đ/mớ; khoai tây có giá từ 12.000- 15.000đ/kg, khoai sọ từ 16.000đ - 20.000 đ/kg, bí ngô từ 7.000 - 10.000đ/kg tùy từng cửa hàng.

Mặc dù có giá bán lẻ tại chợ cao nhưng thời điểm tháng 8, nhiều nông dân trồng bí ngô nhưng bán lại cho các tiểu thương tại chợ với giá rất rẻ, chỉ từ 3.000 - 4.000đ/kg. Thậm chí có nơi còn không có người mua khiến nông dân phải cho lợn, gà ăn hoặc bổ ra lấy hạt. Điều này cho thấy việc cung - cầu chưa hợp lý hoặc người cần bán chưa tìm được người cần mua phù hợp. Công tác kết nối tiêu thụ nông sản còn mong manh và thiếu tính bền vững. Người nông dân cũng chưa chủ động và năng động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Giá  trái cây ở mức thấp

Ngoại trừ tháng 1, giá nhiều loại hoa trái trên địa bàn tỉnh khá cao do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng vào dịp lễ Tết. Từ giữa tháng 2 trở đi giá nhiều loại trái cây giảm nhẹ do phía Trung Quốc tăng cường kiểm dịch đối với trái cây nhập khẩu do lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan. Cũng từ thời điểm này, giá hầu hết các loại trái cây (ngoại trừ sầu riêng) có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh long, mít, xoài đều giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái cây xuất khẩu gặp khó trong năm 2020 (Ảnh minh họa)

Dọc tuyến đường gần chợ đầu mối nông sản Gia Lộc, giá dưa hấu bán lẻ chỉ từ 5.000-6.000đ/kg. Còn tại các cửa hàng hoa quả và chợ dân sinh thời điểm cuối tháng 6, giá dưa hấu bán lẻ từ 7.000 - 9.000đ/kg, giá xoài từ 18.000đ-24.000đkg, thanh long từ 18.000-25.000đ/kg, mít 10.000đ/kg. Trong dịp hè, giá vải quả của tỉnh Hải Dương khá cao, từ 30.000đ - 45.000đ/kg tùy từng thời điểm do sản lượng vụ mùa năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với dự kiến. Giá vải cao đã mang lại niềm vui lớn và thu nhập tốt cho những hộ dân có vườn vải được thu hoạch trong tỉnh. Tuy nhiên đó cũng là nỗi buồn cho một số hộ dân trồng vải nhưng bị thất thu vì mất mùa.

Thời điểm cuối tháng 9, giá trái cây trên địa bàn tỉnh không đắt và cũng không quá rẻ. Điển hình như giá ổi Thanh Hà loại ngon từ 10.000 - 15.000đ/kg, dưa hấu từ 8.000 - 10.000đ/kg, thanh long và lê từ 20.000-25.000đ/kg, bười đào Thanh Hà từ 16.000 - 20.000đ/quả.  

Giá hàng khô ổn định.

Nguồn cung tốt và sự phân phối hợp lý giúp giá nhiều mặt hàng khô ổn định trong 9 tháng qua tại Hải Dương. Tại hầu hết các chợ, giá măng khô duy trì từ 120.000-170.000đ/kg, miến dong từ 45.000-50.000đ/kg. Các sản phẩm như hạt hướng dương có giá từ 60.000-65.000đ/kg, lạc nhân từ 45.000-55.000đ/kg, hạt bí từ 135.000-150.000đ/kg, đỗ xanh vỡ từ 32.000-37.000đ/kg, mộc nhĩ 120.000-140.000đ/kg, nấm hương từ 230.000-300.000đ/kg. Sở dĩ giá các mặt hàng khô có sự chênh lệch lớn là do phụ thuộc rất nhiều vào hình thức và chất lượng của từng loại sản phẩm. Những nông sản khô có nguồn gốc từ Trung Quốc thường rẻ hơn sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước từ 25 -50% tùy từng mặt hàng.

Giá thịt lợn đắt đỏ

Từ đầu năm đến tận cuối tháng 9, giá thịt lợn vẫn rất đắt nên đã gây nhiều bất lợi cho người tiêu dùng và ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả hàng thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh. Rất may là thời gian giáp Tết, giá thịt lợn giảm nhẹ khoảng 15% đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Tuy nhiên sau Tết, giá thịt lợn đã tăng trở lại và duy trì mức giá cao trong nhiều tháng liền.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tìm mọi cách tăng cường nguồn cung từ nước ngoài bằng cách cấp phép cho một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thịt lợn, trâu và bò từ các thị trường Nga, Brazil, Ấn Độ, Úc để giảm nhiệt thị trường thịt lợn trong nước, thậm chí nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam nhưng dường như chưa đủ số lượng để giải tỏa cơn khát thịt lợn trong nước.

Mặc dù trong tháng 9, giá thịt lợn hơi chỉ từ 75.000 - 80.000đ/kg nhưng giá thịt lợn thành phẩm vẫn đắt gấp đôi giá lợn hơi. Tại các chợ trong tỉnh Hải Dương cuối tháng 9, giá thịt lợn ba chỉ, nạc thăn và nạc vai ở mức 155.000đ/kg; thịt chân giò khoảng 150.000đ/kg, giò lụa từ 170.000- 190.000đ/kg. Nghịch lý về giá thịt lợn sẽ không thể kéo dài khi nguồn cung thịt lợn hơi trong nước tăng lên vào cuối năm nay. Đây là điều mà người tiêu dùng đang mong chờ trong suốt thời gian vừa qua. Nhiều khả năng giá thịt lợn sẽ giảm nhẹ trong quý IV/2020 sau khi nguồn cung trong nước có nhiều chuyển biến tích cực.

Giá thịt trâu, bò vẫn đắt đỏ

Do nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng tiêu cực từ giá thịt lợn nên giá thịt trâu và bò trong 9 tháng qua dù ổn định nhưng vẫn ở mức cao. Tại hầu hết các chợ trong tỉnh Hải Dương, giá thịt trâu/bò thăn và đùi luôn giữ ở mức 250.000đ/kg, thịt bê khoảng 240.000đ/kg. Còn tại siêu thị, giá thịt bò từ 280.000đ - 325.000đ/kg tùy loại.

Có thể thấy trong suốt những năm vừa qua, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò để lấy thịt được nhiều địa phương tích cực triển khai nhưng số lượng tăng đàn vẫn còn rất hạn chế. Các tỉnh, thành phố tập trung vào chính sách đầu tư sản xuất công nghiệp đã không còn đồng cỏ chăn nuôi trâu bò. Người dân nông thôn từ 45 tuổi trở xuống cũng từ bỏ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và thậm chí bỏ luôn ruộng đồng để làm công nhân trong các nhà máy với thu nhập ổn định hơn.

Về các làng quê trong tỉnh Hải Dương rất khó để tìm thấy một gia đình chăn nuôi trâu, bò như ngày trước. Việc chăn nuôi trâu/bò hiện nay chỉ dành cho các trang trại hoặc gia đình có người lớn tuổi hoặc những người không thể làm được các công việc trong doanh nghiệp. Đây là lý do khiến giá thịt trâu, bò không thể giảm trong suốt những năm vừa qua. Do đó, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm giá thịt trâu, bò sẽ tiếp tục đắt đỏ.

Giá thịt trâu và thịt bò chưa bao giờ rẻ với người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Giá thịt gia cầm biến động

Trong quý I, giá nhiều loại thịt gia cầm giảm mạnh do nguồn cung tăng trên toàn quốc, nhờ đó người tiêu dùng được mua sản phẩm gia cầm với mức tương đối rẻ đến tận cuối tháng 4. Từ tháng 5, giá thịt gia cầm tăng nhẹ trở lại và duy trì đến giữa tháng 9 do nhu cầu tiêu thụ của nhân dân tăng và áp lực leo thang của giá thịt lợn.

Từ nửa cuối tháng 9 sau khi nguồn cung thịt lợn trên toàn quốc tăng, đã tạo áp lực khiến giá thịt gia cầm giảm nhẹ trở lại. Tại các chợ trong tỉnh thời điểm cuối tháng, giá thịt ngan ta khoảng 55.000 đ/kg, thịt gà ta (nuôi theo mô hình trang trại) làm sẵn từ 75.000-82.000đ/kg, thịt vịt làm sẵn khoảng 55.000đ/kg. Giá gà đồi Chí Linh loại 2kg/con là 48.000đ/kg. Ngoài ra, giá trứng gà ta và trứng vịt chỉ từ 27.000-30.000đ/chục, trứng vịt lộn khoảng 32.000đ/chục.

Hàng thuỷ, hải sản ổn định, giá hải sản cao cấp giảm mạnh trong những tháng hè

9 tháng qua, giá nhiều loại thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Sức tiêu thụ và nguồn cung duy trì tương đối đều. Tại các chợ, giá cá chép ao loại 2kg/con được bán ra khoảng 62.000đ/kg, cá trắm ao loại 3 kg/con từ 62.000-65.000đ/kg, cá quả loại 1kg/con từ 75.000-85.00đ/kg, tôm rảo loại to là 220.000đ/kg, cá rô phi loại 1kg/con là 40.000đ/kg.

Giá các loại hải sản như cua biển, nghẹ, cá thu, cá mực, cá ngừ ít biến động. Giá mực ống loại vừa từ 160.000-180.000đ/kg, cua biển từ 400.000-500.000đ/kg tùy loại, ghẹ xanh từ 400.000-500.000đ/kg. Dịp hè, những hải sản cao cấp như tôm hùm, tôm sú loại to giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do thị trường xuất khẩu hạn chế. Tại các cửa hàng bán hải sản trong thành phố Hải Dương, từ tháng 6 đến tháng 9, giá tôm hùm loại 3con/kg lúc thấp nhất chỉ từ 600.000đ/kg, giá tôm sú loại to cũng giảm từ 20-30% so với trước. Đây chính là thời điểm người dân có cơ hội thưởng thức hải sản cao cấp mà thường ngày không thể có tiền để mua bởi mức giá quá đắt đỏ.

Giá bia và nước giải khát biến động nhẹ

9 tháng qua, giá bia rượu và nước giải khát biến động nhẹ theo nhu cầu tiêu thụ trong dân. Cũng giống như năm trước, giá bia lon và nước ngọt tăng khoảng 5% vào dịp Tết rồi sau đó giảm nhẹ. Các loại bia chai có mức tăng tương tự vào dịp hè do nắng nóng oi bức và nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Cuối tháng 9, giá bia lon Hà Nội hoặc bia 333 được bán ra khoảng 235.000đ/hộp 24 lon, bia Tiger là 325.000đ/hộp, bia Heniken là 380.000đ/hộp, bia Tengo là 160.000đ/két, bia chai Hải Dương là 125.000đ/két, bia chai Hà Nội là 165.000đ/két 20 chai; nước trà bí đao Tribico là 125.000đ/hộp, cocacola là 180.000đ/hộp.

Giá dầu ăn, đường và bánh kẹo tương đối ổn định

9 tháng qua, giá dầu ăn, đường, nước mắm, bánh kẹo các loại tương đối ổn định. Giá bánh kẹo trong tháng 2 giảm nhẹ từ 3-7% ở một số loại để kích cầu tiêu dùng sau khi Tết qua đi, bởi lúc này các siêu thị và đại lý muốn xả nhanh số hàng trong kho chưa bán hết dịp trước Tết. Tại nhiều đại lý, giá đường kính trắng xuất khẩu duy trì khoảng 15.000đ/kg. Các loại bánh kẹo như: Danisa 681g khoảng165.000đ/hộp, bánh Chocopie loại 12 cái của Orion có giá 48.000đ/hộp, bánh Cosy sữa 600g từ 45.000 -50.000đ/túi, bánh Blue hỗn hợp 625g là 160.000đ/hộp.

Giá sữa biến động tăng từ 10-15%

Trong 9 tháng vừa qua, giá tất cả các loại sữa đã âm thầm biến động tăng, đặc biệt trong quý I và II năm 2020. Thông thường các hãng sữa áp dụng chương trình khuyến mãi tặng thêm sản phẩm cùng loại nhưng với giá bán cao hơn trước. Sau khi hết chương trình khuyến mãi, giá sữa được niêm yết đương nhiên sẽ cao hơn trước. Đây là cách làm khá phổ biến của nhiều hãng sữa trong mấy năm gần đây nhằm qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông khi nhắc tới mặt hàng có phần nhạy cảm này.

Như vậy, cứ vài tháng, giá sữa lại nhích lên cao hơn trước. Các đại lý thì cho rằng giá vẫn vậy nhưng thực tế từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 9, giá sữa đã cao hơn đầu năm từ 10-15% tùy loại và chủ yếu biến động trong quý I và II/2020. Thời điểm cuối tháng 9, giá sữa tươi Vinamilk đã ở mức 335.000đ/thùng (48 hộp loại 180ml), sữa bột Vinamilk Grow+ loại 900g đành cho trẻ từ 2-10 tuổi có giá 250.000đ/hộp, sữa bột Nutifood Grow Plus+ loại 900g dành cho trẻ trên 1 tuổi là 390.000đ/hộp, sữa tươi Mộc Châu loại 180ml/hộp là 290.000đ/thùng 48 hộp.

Như vậy, trong 9 tháng vừa qua, các mặt hàng lương thực có những mức biến động nhiều ít khác nhau. Giá gạo tăng nhẹ vào thời gian đầu của hai đợt dịch Covid-19. Giá trái cây, ngoại trừ quả vải, sầu riêng, bơ, nho có giá bán ổn định, còn lại đa phần các trái cây khác đều giảm từ 20-30% tùy loại. Giá thịt lợn đắt đỏ trong thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh hoạt và tiêu dùng của nhân dân; tác động xấu tới giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm khác trong thời điểm nhiều gia đình đang phải đối mặt với khó khăn vì giảm thu nhập do đại dịch Covid-19 gây ra. Mặc dù nguồn cung lương thực và thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tốt nhưng đời sống của người dân ít nhiều vẫn bị tác động./.

 

Nguồn Bài: Phòng TT-TT (TT XTTTM)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 19/4/2024 (4/19/2024 9:31:35 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 16/4/2024 (4/16/2024 9:24:58 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 15/4/2024 (4/15/2024 10:30:03 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 12/4/2024 (4/12/2024 9:28:30 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 10/4/2024 (4/10/2024 9:40:56 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 09/4/2024 (4/9/2024 9:46:11 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 08/4/2024 (4/8/2024 9:29:28 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 03/4/2024 (4/3/2024 9:27:14 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 01/4/2024 (4/1/2024 9:32:13 AM)
Bảng giá thị trường Hải Dương ngày 28/3/2024 (3/28/2024 9:33:41 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong