SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

TIN TỨC, SỰ KIỆN CHUNG

4/8/2019 4:25:07 PM
Thương mại điện tử trong thời đại 4.0: Cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Hải Dương
Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là xu thế tất yếu của thời đại 4.0, vì vậy các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương nên chủ động nắm bắt cơ hội, ứng dụng TMĐT để thúc đấy phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Những năm vừa qua số lượng người truy cập internet và sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng nhanh, nhu cầu mua bán hàng hóa thông qua các trang mạng ngày càng lớn. Đây chính là cơ sở quan trọng để hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế số phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nắm bắt được xu thế của thị trường, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng Website, tham gia các trang mạng xã hội để quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng, người dân cũng tham gia nhiều hơn vào việc mua bán, giao dịch hàng hóa trên các Website TMĐT và các trang mạng xã hội khác.

Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018 được xây dựng từ kết quả khảo sát hàng chục nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy hoạt động mua bán trực tuyến ngày càng trở nên quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi thu hút đông đảo sinh viên và  người lao động trẻ. Việc mua bán, trao đổi và cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng được triển khai ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Có tới trên 80% số người trong độ tuổi từ từ 20-45 đã từng mua sắm trực tuyến tại các website TMĐT, trang facebook hoặc zalo ít nhất 02 lần trong năm vừa qua với các mặt hàng khác nhau. 

TMĐT - Đòn bẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Sự bùng nổ của các ứng dụng thương mại điện tử làm tăng khả năng mua sắm trực tuyến. Trong năm 2017, có hơn 210 website có nội dung liên quan đến thương mại điện tử được thành lập. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2017 đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20% cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường đang trong giai đoạn phát triển.

Số liệu khảo sát về hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp tại Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện trong năm 2017 với sự hỗ trợ từ các Sở Công Thương cho thấy, có tới 39% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, cao nhất trong các công cụ quảng cáo và bán hàng trực tuyến; các vị trí tiếp theo lần lượt là: Bán hàng qua website của DN  là 35%, bán hàng qua ứng dụng di động  là 22%, qua sàn giao dịch thương mại điện tử  là 18%. Tất cả đã cho thấy hiệu quả không nhỏ của việc bán hàng trực tuyến so với các hình thức bán hàng truyền thống.

Theo số liệu thống kê năm 2018 tại tỉnh Hải Dương do Sở Công Thương thực hiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng các hoạt động quảng bá, tiếp thị, giới thiệu và bán hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp trên môi trường mạng là hơn 90%. Trong đó 45% đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, qua website của doanh nghiệp là 22%, qua ứng dụng di động là 20% và qua sàn giao dịch TMĐT chỉ là 13%. Như vậy có thể thấy doanh nghiệp trong tỉnh dù đã tham gia hoạt động TMĐT bằng nhiều hình thức và ở các mức độ khác nhau nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn và nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Cụ thể hơn, thương mại điện tử đang là đòn bẩy hữu hiệu cho sự phát triển của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và các doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên am hiểu về công nghệ thông tin đều có Website riêng hoặc có nhu cầu xây dựng website riêng bởi họ xác định website là nơi mà khách hàng có thể tìm thấy hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp ngay cả khi ngồi tại nhà hoặc trên xe buýt vào bất cứ thời điểm nào mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian. Thậm chí, website đang là kênh truyền thông hữu hiệu nhất cho các DN truyền thông, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành; doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, điện thoại, công nghệ thông tin và bất động sản. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ đều đánh giá cao hiệu quả của việc quảng bá, giới thiệu và bán hàng trên các trang mạng xã hội; một số doanh nghiệp có website riêng cho biết ngoài việc quảng bá, giới thiệu và bán hàng, website còn làm tăng uy tín và độ tin cậy của họ với khách hàng.

Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hải Dương bắt đầu hoạt động (Ảnh chụp màn hình)

Thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp tỉnh Hải Dương

Nước ta đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nên dù muốn hay không các doanh nghiệp của tỉnh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong nước và quốc tế. Tầm quan trọng của TMĐT đối với mỗi doanh nghiệp là vấn đề không phải bàn cãi. Vì vậy doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương phải tận dụng thời cơ, kịp thời ứng dụng và tham gia các hoạt động thương mại điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào quy mô và định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Lũy kế đến hết tháng năm 2018, tỉnh Hải Dương có trên 12.500 doanh nghiệp được thành lập, tuy  nhiên chỉ có khoảng 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 95% trong tổng số các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh nên việc ứng dụng TMĐT sẽ là cầu nối giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh trong thời đại kinh tế số. Với một chi phí rất thấp, rất khả thi, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng tham gia hoạt động TMĐT như xây dựng Website, lập trang Fanpage, trang Facebook của doanh nghiệp, trang Zalo hoặc ứng dụng WhatsApp.... hoặc tạo gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để đem lại cơ hội phát triển kinh doanh cho chính mình.

Ngoài những lợi ích thể hiện rất rõ như mua bán hàng hoá và dịch vụ. Doanh nghiệp cần tham gia ứng dụng TMĐT để hướng tới mục đích sâu xa hơn, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh dài hạn hơn, đó là:

1.            Xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp trên thị trường.

2.            Giới thiệu hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.

3.            Giới thiệu hàng hoá, sản phẩm, dịch sẽ cung cấp để thăm dò thị trường.

4.            Tìm hiểu thị trường, nghiên cứu thị trường, mở rộng thị trường.

5.            Xây dựng và thiết lập mối quan hệ trực tuyến với khách hàng.

6.            Mở kênh tiếp thị trực tuyến tới đông đảo người tiêu dùng.

7.            Tìm đối tác cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.

8.            Tìm cơ hội xuất khẩu hàng hóa…. và nhiều lợi ích khác.

Có thể khẳng định rằng, bất kỳ một đơn vị hoặc doanh nghiệp nào chậm tham gia ứng dụng TMĐT trong sản xuất và kinh doanh thì sẽ bỏ lỡ một hình thức kinh doanh phổ biến và tiên tiến nhất trong thế kỷ này.

Qua khảo sát tại các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong tỉnh Hải Dương, vấn đề khó khăn nhất đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay là thiếu nguồn lực cán bộ am hiểu công nghệ thông tin, thiếu sự đầu tư bài bản về TMĐT nên chưa xây dựng được các kế hoạch kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên cũng phải xác định rõ, nếu doanh nghiệp không chủ động xuất phát từ bây giờ thì sẽ chậm chân hoặc khó cạnh tranh với các đối thủ có cùng lĩnh vực hoạt động trong thời gian tới. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng giống như doanh nghiệp không có kế hoạch xây dựng nền móng tốt và kiên cố thì sẽ không thể xây công trình chắc chắn và bền vững. 

Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại kỹ thuật số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Thực tế qua khảo sát, tiếp cận và chia sẻ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Hải Dương cho thấy không ít các doanh nghiệp nhỏ dù có tuổi nghề chỉ 2 - 3 năm nhưng đã tích cực nắm bắt cơ hội, ứng dụng nhiều hình thức thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả rất tốt, vượt xa nhiều doanh nghiệp lâu năm khác cùng ngành nghề. Đó chính là chìa khóa cho thành công bước đầu và là động lực to lớn để các doanh nghiệp trẻ về tuổi đời, trẻ về tuổi nghề tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới./. 

Nguồn Bài: VHH

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Mời doanh nghiệp đăng ký tham gia diễn đàn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp (3/6/2024 9:34:32 AM)
Thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công (3/1/2024 8:41:08 AM)
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024 tại các đơn vị, doanh nghiệp (2/29/2024 10:20:02 AM)
Lế ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Suwon, Hàn Quốc (2/27/2024 8:06:24 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản công (2/21/2024 10:26:44 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá tài sản công (1/30/2024 4:44:46 PM)
Cung ứng khoảng 20 tấn gạo nếp cái hoa vàng An Lạc phục vụ Tết (1/18/2024 2:38:00 AM)
Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 20/01/2024 (1/17/2024 11:58:48 AM)
Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương (1/10/2024 11:59:53 AM)
Bộ Công thương ban hành Thông tư sửa đổi liên quan đến kinh doanh thuốc lá (1/3/2024 10:09:51 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong