SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 25/4/2024

TIN TỨC, SỰ KIỆN CHUNG

7/20/2017 10:37:34 AM
Thực trạng tiêu thụ nông sản thực phẩm tỉnh Hải Dương 6 tháng đầu năm và một số giải pháp đột phá trong thời gian tới
Các loại nông sản của tỉnh được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có giá bán cao và ổn định.

Tỉnh Hải Dương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhờ đồng đất màu mỡ, thuận lợi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế như vải quả, ổi, na, các loại rau củ như hành, tỏi, cà rốt và nhiều  nông sản khác cũng như phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, khi nguồn cung nông sản thực phẩm tăng cao thì việc tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản thực phẩm lại hết sức quan trọng.

Nhận thức được vấn đề này, ngay từ đầu năm 2017, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị và phòng  chuyên môn, đặc biệt là Trung tâm Xúc tiến thương mại tích cực nghiên cứu, tăng cường tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu nông sản thực phẩm của tỉnh, gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm. Ngoài những công việc cụ thể như tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm, Sở Công Thương còn chủ động cùng các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân và các đơn vị, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp phát triển các loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, dần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung; phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn và một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn của Úc, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương để thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản sang các thị trường Úc, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chủ động triển khai tích cực của Lãnh đạo Sở Công Thương, kết quả công tác xúc tiến, phát triển thị trường và tiêu thụ nông sản thực phẩm đã mang lại hiệu quả tốt, tác động đến nhận thức cần thiết phải có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích những cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ theo tín hiệu thị trường.

Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu nông sản trong nước nhìn chung tăng nhẹ. Các loại nông sản của tỉnh được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có giá bán cao và ổn định. Điển hình trong số nông sản mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn cùng kỳ năm 2016 như: Hành củ có giá từ 10.000 - 16.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1.000 - 5.000 đồng/kg; cà rốt đầu vụ từ 9.000- 10.000 đồng/kg, chính vụ giá từ 4.900 – 5.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lãi từ 4–5 triệu đồng/sào. 

Quả vải vẫn là mặt hàng được trông đợi mang về nguồn thu lớn nhất cho người nông dân tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Trong đó, vải sớm chiếm gần 60% sản lượng, vải thiều chiếm hơn 40% sản lượng. Khác với những năm trước, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng vải toàn tỉnh năm 2017 sụt giảm khoảng 36% so với năm 2016, ước đạt 32.000 tấn,  tuy nhiên việc tiêu thụ vải quả năm 2017 rất thuận lợi. Sản lượng vải quả của tỉnh không đủ để cung cấp cho thị trường rộng lớn của cả nước và xuất khẩu. Ngay tại các điểm tập kết, quả vải sớm đã được các thương lái tranh mua với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg (tăng bình quân 18% so với năm 2016)Trong khi đó, giá bán lẻ vải sớm cho người tiêu dùng tại các chợ trong tỉnh dao động từ 55.000đ-60.000/kg và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nửa tháng sau, trà vải thiều chính vụ cho thu hoạch và cũng có giá bán khá cao, ngay tại vùng vải thiều Thanh Hà đã có giá bình quân 37.000đồng/kg; tăng từ 15-20% so với năm trước. Các thương nhân tìm nhiều đến vải quả đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap để xuất khẩu sang thị trường Úc Châu Âu.

 

Quả vải thiều được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích.

Để đạt được kết quả trên, trước vụ thu hoạch vải một tháng, Sở Công Thương đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực quảng bá, giới thiệu quả vải thiều bằng nhiều hình thức; chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại hỗ trợ UBND huyện Thanh Hà in ấn băng rôn, phát tờ rơi giới thiệu quả vải; tìm mối tiêu thụ nội địa; mời các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và đưa quả vải vào bán tại các siêu thị lớn và cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn có uy tín trong cả nước. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp cùng các ban, ngành tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi làm các thủ tục kiểm dịch, chiếu xạ để quả vải của tỉnh kịp thời được xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng như Úc, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Trung Quốc đảm bảo chất lượng. Sản lượng vải xuất khẩu năm 2017 ước đạt 10.560 tấn, chiếm khoảng 33% tổng sản lượng vải toàn tỉnh. 

Tính đến hết tháng 6, những doanh nghiệp điển hình trong và ngoài tỉnh đã tham gia xuất khẩu số lượng lớn vải quả như: Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt(xuất khẩu 350 tấn sang Trung Quốc), Công ty XNK nông lâm sản Thanh Hà (xuất khẩu 90 tấn sang Pháp và Úc), Công ty TNHH TM và DV Rồng Đỏ (xuất khẩu 40 tấn sang Úc), Công ty Cổ phần Giống cây trồngKiên Giang (xuất khẩu 80 tấn sang Hàn Quốc). Đặc biệt, Công ty Agricare Việt Nam lần đầu xuất khẩu quả vải sang Singapore và Canada dù với số lượng chỉ 1,5 tấn nhưng đã bước đầu khai phá được thị trường mới giàu tiềm năng khu vực Bắc Mỹ và thị trường giàu có trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, các thương lái Trung Quốc thu mua trực tiếp để xuất khẩu về nước khoảng 10.000 tấn.

Với lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh cung vượt cầu, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thịt lợn hơi, Sở Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, các phòng Kinh tế thị xã và thành phố, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm và thủy sản. Yêu cầu các siêu thị thu mua thịt lợn hơi và cá của các trang trại, gia trại đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong tỉnh. Đề nghị các thương nhân chú trọng tiêu thụ nông sản phực phẩm vào các thị trường lớn trong nước, vào các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội và một số thành phố lớn khác.

Mặc dù nhiều địa phương phát triển chăn nuôi lợn ồ ạt nhưng chất lượng, chủng loại thịt lợn trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính ngạch ( thị trường cần thịt lợn sạch, lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh để cấp đông xuất khẩu nhưng nguồn hàng trong tỉnh không thể đáp ứng), dẫn đến việc một số Công ty chế biến lợn sữa cấp đông xuất khẩu vẫn phải thu mua hàng từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thậm chí từ các tỉnh miền Trung của nước ta.

Trong tháng 4 và 5/2017 giá lợn hơi trong tỉnh đã xuống thấp kỷ lục, chỉ còn từ 16-18.000 đ/kg (giảm khoảng 30.000đ/kg so với thời điểm tháng 5/2016), gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi. Chính vì lượng cung thịt lợn quá nhiều đã ảnh hưởng dây chuyền làm giảm giá cá thương phẩm trên thị trường từ 15-17% so với cùng kỳ năm 2016, khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn trong quá trình tái sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương Hải Dương đã chủ động triển khai sớm đến các phòng, đơn vị chuyên môn và Trung tâm Xúc tiến thương mại tích cực liên hệ, bằng mọi cách tìm đầu ra cho thịt lợn và cá thương phẩm; trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi để giảm giá thức ăn cho các trang trại; làm việc với doanh nghiệp chế biến, cấp đông thịt lợn xuất khẩu để tiêu thụ lợn sữa, lợn choai trong tỉnh gắn kết một số trang trại ở một số địa phương chuyển hướng nuôi lợn thịt sang nuôi lợn sữa, lợn choai, tạo nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Kết quả thu được rất khả quan khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Công ty TNHH Thắng Lợi đã liên kết với gần 40 trang trại, gia trại cung cấp lợn choai để chế biến xuất khẩu. Công ty đã thực hiện hết công suất giết mổ, nâng sản lượng xuất khẩu thịt lợn sữa và lợn choai lên gần 5.000 tấn.

Cùng với đó, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT hỗ trợ các trang trại giảm bớt số lượng đàn lợn đến kỳ xuất chuồng bằng cách định hướng các đơn vị tự tổ chức giết mổ lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời Sở công thương đã nhanh chóng chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNN, BQL Khu công nghiệp và một số địa phương hỗ trợ mở 07 điểm bán hàng trực tiếp tại các chợ và khu đông dân cư trên địa bàn tỉnh (chợ Con, chợ Kho Đỏ, chợ Phú Lương, chợ Cẩm ThượngKCN Đại An, KCN Phúc Điền) nhằm khuyến khích người dân tiêu thụ thịt lợn, đồng thời thu hẹp chênh lệch giá bán thịt lợn tại chợ với giá lợn hơi trên thị trường. Đến cuối tháng 6/2017, giá lợn hơi đã tăng 5.000-6.000đ/kg lên 22.000 – 23.000đ/kg, đồng thời giá thịt lợn thành phẩm cũng giảm từ 35.000-40.000đ/kg xuống mức 45.000-50.000đ/kg.

Nhằm hạn chế tình trạng được mùa mất giá, kiểm soát tốt tình trạng dư cung và điều tiết tốt nguồn cung hàng hóa nông sản thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; duy trì đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp thực phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt những giải pháp trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới như sau:

(1) Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sớm hình thành những cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung; giao quyền chủ động sản xuất, thâm canh cho doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp sản xuất theo nhu cầu của thị trường (các hộ nông dân chỉ sản xuất, chăn nuôi theo hình thức vệ tinh của các doanh nghiệp lớn, đảm bảo yêu cầu chủng loại giống, chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm theo yêu cầu của thị trường).

(2) Trên cơ sở điều tra, phân tích và dự báo sát nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; điều tiết thời điểm thu hoạch để góp phần cân đối nguồn cung hàng hóa theo nhu cầu thị trường;

(3) Có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, xây dựng kho lạnh, bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các vùng chuyên canh, sản xuất với khối lượng lớn; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp kỹ thuật, nâng cao năng lực bảo quản hàng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo duy trì chất lượng và vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm nông sản sau thu hoạch cho đến khi tham gia vào các hệ thống phân phối, cũng như đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

(4) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo liên kết chặt chẽ giữa các công đoạn của quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng; kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản và các cơ sở, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhằm tạo các liên kết chuỗi, chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường.

(5) Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin về các thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó có thông tin dự báo về từng loại thị trường, để định hướng sản xuất, bảo quản, chế biến một cách hợp lý, từng bước phát triển sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường.

(6) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và các thương nhân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (nhất là về mặt bằng, hỗ trợ vay vốn tín dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cung ứng điện, nước tưới sạch, đảm bảo giao thông thuận tiện, giảm các chi phí, thời gian và thủ tục trong kiểm dịch, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ,…). Định kỳ tổ chức hội nghị toạ đàm giữa chính quyền địa phương và các thương nhân để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, nhằm phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất với khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn cũng như sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và người nông dân trong tỉnh, tin rằng việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc, hạn chế được tình trạng "được mùa mất giá" và sản xuất không gắn với thị trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. /.

Nguồn Bài: Phạm Thanh Hải (Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân kỷ niệm 16 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (4/15/2024 4:25:49 PM)
Kết quả sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quý I năm 2024 (3/28/2024 4:58:23 AM)
Thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương (3/20/2024 10:31:07 AM)
Mời doanh nghiệp đăng ký tham gia diễn đàn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp (3/6/2024 9:34:32 AM)
Thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công (3/1/2024 8:41:08 AM)
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024 tại các đơn vị, doanh nghiệp (2/29/2024 10:20:02 AM)
Lế ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Suwon, Hàn Quốc (2/27/2024 8:06:24 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản công (2/21/2024 10:26:44 AM)
Thông báo lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá tài sản công (1/30/2024 4:44:46 PM)
Cung ứng khoảng 20 tấn gạo nếp cái hoa vàng An Lạc phục vụ Tết (1/18/2024 2:38:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong