SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 3, ngày 19/3/2024

THÔNG TIN - TUYÊN TRUYỀN

12/21/2016 8:47:00 AM
Thành tựu công nghiệp Hải Dương sau 20 năm tái lập tỉnh
Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt gần 4.000 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt khoảng 136.800 tỷ đồng, tăng gấp 34,2 lần.
 

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX về việc phân chia lại địa giới hành chính, tỉnh Hải Hưng được chia thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hải Dương được tái lập sau 28 năm hợp nhất với Hưng Yên (01/1968- 01/1997). 20 năm trước đây, Hải Dương là tỉnh thuần nông với đại bộ phận lao động làm nông nghiệp. “Bức tranh” công nghiệp của tỉnh chỉ là một vài nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô nhỏ, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, đến nay ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và giá trị sản xuất. Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực với lợi thế sẵn có tiếp tục đà phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt gần 4.000 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt khoảng 136.800 tỷ đồng, tăng gấp 34,2 lần.

Từ khi tái lập đến nay, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng hình thành các khu, cụm công nghiệp và coi công nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế. Nối tiếp những năm sau đó, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo bước phát triển nhanh và ổn định.

Giai đoạn 2001- 2005, công nghiệp của tỉnh cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất, sinh hoạt và xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) thời kỳ 2001- 2005 (theo giá so sánh năm 1994) tăng nhanh, mức tăng bình quân 22,3%/năm, chủ yếu dựa vào nhóm sản phẩm có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như: Nhiệt điện, xi măng, lắp ráp ô tô, máy bơm nước, máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhôm thanh, giầy dép xuất khẩu, hàng may mặc, đá mài, gốm sứ, thực phẩm chế biến, đặc sản bánh đậu xanh, vv... Đến năm 2005, các đơn vị doanh nghiệp sản xuất máy bơm nước, xi măng, vật liệu xây dựng, lắp ráp ô tô, hàng may mặc, điện, bánh kẹo, bia các loại… đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2005 đạt 90 triệu USD, trong đó công nghiệp Hải Dương đóng góp trên 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Một số mặt hàng có kim ngạch lớn như: Dệt may đạt gần 33 triệu USD, da giầy trên 30 triệu USD, thực phẩm chế biến trên 16 triệu USD, hàng thủ công mỹ nghệ trên 4 triệu USD.

Giai đoạn 2006- 2010, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như: Sản xuất thiết bị phụ tùng, lắp ráp; sản xuất thiết bị điện tử, dệt may; chế biến thịt, rau quả, thực phẩm; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Một số sản phẩm chủ yếu gồm ôtô lắp ráp, máy bơm nước nông nghiệp, quần áo may sẵn, giày dép da các loại, đồ gỗ, thịt lợn cấp đông, bia, thức ăn gia súc. GTSX công nghiệp (theo giá so sánh năm 1994) tăng bình quân 13,7%/năm, một số ngành công nghiệp quan trọng tăng nhanh như công nghiệp cơ khí và sản xuất thiết bị điện- điện tử tăng bình quân 18,1%/năm; sản xuất kim loại và gia công kim loại tăng bình quân 22,3%/năm; sản xuất hàng tiêu dùng sinh hoạt và đồ gỗ tăng bình quân 16,4%/năm; chế biến nông sản, thực phẩm và thức ăn gia súc tăng bình quân 16,5%/năm; sản xuất VLXD tăng bình quân 13,9%/năm.

Giai đoạn 2011- 2015, mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế, song các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại tỉnh Hải Dương vẫn thu được kết quả tích cực. Số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, nhất là số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tư nhân. Giá trị SXCN (theo giá so sánh 2010) năm 2011 đạt: 72.518 tỷ đồng, đến năm 2015 là 119.791 tỷ đồng. Công nghiệp duy trì tăng trưởng bình quân 12,7%/năm, năm 2016 ước tăng 12,3% so với năm trước.


Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá thực tế) thường xuyên chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng GRDP toàn tỉnh, thể hiện hiệu quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Hải Dương. Ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu phát triển; chất lượng sản xuất công nghiệp dần được nâng cao và phát triển nhanh trong các lĩnh vực chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Cơ cấu thành phần kinh tế trong công nghiệp cũng có sự chuyển dịch đáng kể, tăng tỷ trọng kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm tỷ trọng vốn kinh tế nhà nước. Năm 1997, xuất-nhập khẩu hầu như chưa có gì thì đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.546 triệu USD.

Dự báo trong những năm tới, nền kinh tế sẽ vượt qua giai đoạn suy thoái và từng bước phục hồi, phát triển ổn định. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động khó lường, gây khó khăn cho hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặt ra những thách thức với nền kinh tế Hải Dương nói chung và ngành Công Thương nói riêng.

Trước những khó khăn và thách thức, để từng bước tháo gỡ, ứng phó với biến động của thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng, ngành Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực nhằm thu hút, phát triển những ngành sản xuất mũi nhọn, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; quy hoạch và triển khai các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; tạo liên kết về chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ với các nhà đầu tư có uy tín và ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần công nghiệp gia công. Tập trung hoàn thiện một số dự án công nghiệp lớn, các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chú trọng phát triển những sản phẩm có thế mạnh như: Sản xuất vật liệu xây dựng không nung, lắp ráp ô tô, cơ khí, điện và điện tử, xi măng... Quản lý tốt việc hình thành và hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Khuyến khích các làng nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống phát triển. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.

Ngành công nghiệp tỉnh Hải Dương phấn đấu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, bền vững, là động lực đưa tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, đồng thời góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn Bài: Phạm Thanh Hải (Giám đốc Sở Công Thương)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Hướng dẫn sử dụng VNeiD mức độ 1, 2 (3/11/2024 4:00:45 PM)
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 560 /KH-SCT về công tác dân vận chính quyền (3/11/2024 10:54:45 AM)
Quy trình xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (4/20/2023 10:24:56 AM)
Tham gia ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (2/20/2023 3:34:18 PM)
Thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (10/20/2022 3:05:26 PM)
Sở Công Thương tuyên truyền Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh (10/7/2022 4:21:27 PM)
Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương lần thứ IX năm 2022 (8/15/2022 8:16:46 AM)
Mời doanh nghiệp tham gia Chương trình “Chắp cánh Thương hiệu Việt” (7/20/2022 8:55:44 AM)
Sở Công Thương công khai quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền (7/14/2022 9:29:46 AM)
Hải Dương họp báo tuyên truyền một số sự kiện trong tháng 5/2022 (5/13/2022 3:11:49 PM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong