Triển khai văn bản số 376/TB-ATMT, ngày 24/3/2021 của Bộ Công thương về việc tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong khai thác than, khoáng sản. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giảm thiểu sự cố, tai nạn lao động trong quá trình khai thác, siết chặt công tác an toàn với phương châm “Nơi nào không bảo đảm an toàn, nơi đó không được đưa công nhân vào làm việc” và xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động, khắc phục kịp thời và triệt tiêu các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn lao động, coi đó là bước đột phá giảm tai nạn lao động.
Để đảm bảo tốt công tác an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản với mục tiêu: An toàn - Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả, Sở Công Thương Hải Dương đã có Văn bản số 748/SCT-KTATMT, ngày 20 tháng 05 năm 2021, trong đó yêu cầu Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi - Chi nhánh Hải Dương (Công ty) tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong khai thác than hầm lò và tổ chức lớp tập huấn cho CBCNV của Công ty về công tác kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ hầm lò.
.jpg)
Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công Thương) tổ chức tập huấn cho cán bộ chỉ huy sản xuất, thợ lò của Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi
Theo đó, Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công Thương) đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ chỉ huy sản xuất, thợ lò của Công ty. Các chuyên đề tập huấn, huấn luyện tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác an toàn - vệ sinh lao động; Quy trình kỹ thuật thao tác thực hiện công việc trong hầm lò, ngoài mặt mỏ; Quy trình thực hiện vận hành các thiết bị nghiêm ngặt về phòng nổ trong mỏ hầm lò; Quy trình chống xén, củng cố lò; Quy trình khai thác than lò chợ; Quy trình khoan, nạp nổ mìn; Quy trình khoan thăm dò trong đào lò chuẩn bị và khoan thăm dò trong lò chợ;….
Ngoài ra, phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường cũng làm việc với lãnh đạo Công ty, yêu cầu triển khai một số vấn đề cơ bản trong sản xuất gồm:
(1) Các thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công phải có đầy đủ quy trình công nghệ, biện pháp an toàn phù hợp với điều kiện thực tế và phải được thẩm định theo quy định trước khi ban hành, thường xuyên rà soát bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Các hệ thống khai thác, công nghệ khai thác, đào lò được lựa chọn và sử dụng phải theo hướng giảm nhẹ cường độ lao động, nâng cao năng suất lao động, cần ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến có khả năng cơ giới hóa, tự động hóa trong các công đoạn của dây sản xuất, đặc biệt có khả năng giảm các nguy cơ mất an toàn.
(2) Đảm bảo các điều kiện làm việc, môi trường lao động đặc biệt là vi khí hậu trong hầm lò (thông gió, ánh sáng, khí ôxy, nhiệt độ,…) trong giới hạn cho phép đồng thời người lao động khi làm việc phải sử dụng đúng, đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, các phương tiện phòng hộ, bảo vệ cá nhân đã được trang cấp đề hạn chế bệnh nghề nghiệp và an toàn lao động.
(3) Thực hiện đầy đủ quy trình trong công tác vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản theo Quy định về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT.
(4) Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, đào tạo và đào tạo bổ sung và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ chủ huy sản xuất kể cả đội ngũ cán bộ đang quy hoạch kế cận, công nhân trực tiếp sản xuất và cán bộ quản lý về kiến thức an toàn lao động, siết chặt công tác sát hạch kiểm tra ngay tại thực tế hiện trường sản xuất. Không bố trí công việc cho các đối tượng chưa vượt qua sát hạch, không đủ trình độ làm việc. Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng lực lượng công nhân lao động có tay nghề cao, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.
(5) Tập trung huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, tay nghề tại chỗ cho công nhân các ngành nghề, bậc thợ khác nhau trong đơn vị như thợ mìn, thợ lò, thợ điện, thợ vận hành thiết bị…
(6) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hiện trường, tự kiểm tra, giám sát của cán bộ các phòng ban, quản lý cấp phân xưởng, kiên quyết đình chỉ sản xuất tại những nơi không đảm bảo điều kiện an toàn. Các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đều phải được điều tra chỉ rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm, thích đáng, thông tin rộng rãi các vụ TNLĐ, sự cố đến tất cả các đơn vị có liên quan.
(7) Thực hiện công tác huấn luyện chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), huấn luyện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn ứng phó sự cố trong hoạt động VLNCN theo Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; Huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người sử dụng lao động./. Nguồn Bài: Nguyễn Hoài Bắc (SCT) |