SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

CÔNG NGHIỆP

11/30/2015 1:43:28 PM
Tháo gỡ khó khăn trong quản lý các Cụm công nghiệp
Thực trạng việc quản lý các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được tháo gỡ.

Ngày 27/4/2015, Bộ Công Thương ra văn bản số 4222/BCT-CNĐP, thông báo danh mục Quy hoạch các Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương sau rà soát theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 03/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3140/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng 2025.

Tỉnh Hải Dương hiện có 32 CCN, với tổng diện tích gần 1.404,87 ha tiếp tục nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2020 nâng tổng số CCN lên 42 Cụm với tổng diện tích khoảng 1.900 ha. Đến năm 2025 là 45 CCN với tổng diện tích là 2.300 ha.

Việc quản lý CCN đang được thực hiện theo Quy chế quản lý CCN ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 105). Tuy nhiên, thực trạng việc quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được tháo gỡ.

Hiện nay trong số 30/32 CCN đang hoạt động, nhưng chỉ có 3 CCN: Ba Hàng (TP. Hải Dương); Lương Điền; Dịch vụ thương mại và làng nghề Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) có doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 3 CCN này, duy nhất cụm Lương Điền đã xây dựng xong hệ thống đường giao thông, thoát nước, còn lại vẫn chưa được đầu tư. Theo quy định, với những CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì phải thành lập Trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, việc thành lập Trung tâm lại chưa có hướng dẫn, trong khi kinh phí của tỉnh đang còn rất khó khăn. Tại một số CCN, UBND huyện làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, như vậy vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh là không phù hợp. Văn bản hướng dẫn về hồ sơ thành lập CCN cũng không cụ thể, thiếu hẳn phần cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào Cụm.

Cần có cơ chế, chính sách để phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Thông tư liên tịch số 31/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước khi quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về có hiệu lực. Để thống nhất các CCN và được phê chuẩn theo đúng trình tự pháp lý, Sở Công Thương Hải Dương đã hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đưa các CCN được thành lập trước Quy chế vào quy hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tại một số CCN như An Đồng, huyện Nam Sách nhu cầu mở rộng diện tích hiện nay rất cấp thiết. Riêng với CCN Nam Đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, nhu cầu mở rộng thêm khoảng 20 ha nhưng đến nay chưa có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Đây là hai tiêu chí cần thiết nhưng thực tế khó khả thi không chỉ với riêng CCN Nam Đồng mà hiện nay chưa CCN nào trên địa bàn tỉnh đáp ứng được các tiêu chí trên nên không thể mở rộng.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN đang rất bức xúc và cũng đã đến mức báo động như tại các CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên (huyện Gia Lộc); Hưng Thịnh, Tân Hồng - Vĩnh Hồng (huyện Bình Giang); An Đồng (huyện Nam Sách) và Ngọc Sơn, Kỳ Sơn (huyện Tứ Kỳ). Đáng lưu ý, trong số 30 CCN đang hoạt động chưa cụm nào có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ quan quản lý cũng không nắm được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN. Bên cạnh đó, tình trạng sang nhượng, cho thuê lại đất đai, nhà xưởng không kiểm soát được.

Thực trạng không kiểm soát được hoạt động của các CCN, một phần xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đồng nhất, dẫn tới việc khó triển khai tại các địa phương, nguyên nhân chủ yếu là Quyết định 105 không quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển CCN như ưu đãi đầu tư vào CCN, hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các hoạt động hỗ trợ phát triển CCN nên đã hạn chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển CCN. Các tiêu chí, điều kiện, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN kèm theo các biểu mẫu hướng dẫn chưa chặt chẽ, cụ thể.

Điều kiện thành lập, hoạt động của Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN ở các địa phương không rõ, dẫn đến triển khai còn lúng túng. Việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN ở địa phương chưa rõ cơ quan đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Việc phân công trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND cấp huyện theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có quy định cơ chế thống kê, báo cáo số liệu về tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hoạt động của các CCN nên công tác thống kê, báo cáo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thống kê giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách,… của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN.

Vì vậy, trong thời gian tới, để quản lý và phát triển CCN một cách hiệu quả, bên cạnh thực hiện tốt các quy định hiện hành, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp. Ví dụ, nên đề xuất: Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN theo hướng quy định cụ thể, chi tiết đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, khả thi trong quá trình triển khai; bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển CCN.

Về mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, dự kiến đề xuất theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; trường hợp địa phương có nhiều CCN tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn thì thành lập Trung tâm phát triển CCN trực thuộc Sở Công Thương để tổ chức quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN sử dụng vốn ngân sách nhà nước; bổ sung cơ chế phối hợp các cơ quan quản lý ở địa phương trong việc hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN và các dự án sản xuất kinh doanh trong CCN theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian thực hiện; bổ sung quy định phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng Bộ, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện theo hướng tăng cường vị trí, trách nhiệm của cơ quan đầu mối Sở Công Thương ở địa phương và Bộ Công Thương ở Trung ương.

Nguồn Bài: (Tống Thị Thu Trang- Phòng Quản lý công nghiệp)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Mời đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025 (2/2/2024 4:39:55 AM)
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công trên địa bàn tỉnh Hải Dương (12/27/2023 3:21:38 AM)
Phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương (10/25/2023 8:15:15 AM)
Thẩm định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại tỉnh Hải Dương (6/30/2023 8:45:22 AM)
UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (2/17/2023 3:59:06 AM)
Mời doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024 (1/18/2023 3:09:45 PM)
Kết quả bình xét đề nghị tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tỉnh Hải Dương năm 2022 (12/24/2022 9:15:05 AM)
Danh sách đề nghị xét tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” nghề thủ công mỹ nghệ tỉnh Hải Dương năm 2022 (10/26/2022 8:33:48 AM)
Khảo sát thực tế xây dựng đề án khuyến công năm 2022 (9/28/2022 11:14:45 AM)
Mời dự Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria 2022 (6/20/2022 8:48:12 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong