SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

KHUYẾN CÔNG & TƯ VẤN PTCN

3/30/2018 3:06:43 PM
Hiện trạng và giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trong tỉnh đang là một vấn đề cấp bách. Do vậy, các cấp, ngành liên quan và cơ sở làng nghề cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp để bảo vệ môi trường.
 
Hiện trạng làng nghề

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 66 làng nghề, với các loại hình sản xuất như: Đồ gỗ mỹ nghệ, giày da, thêu ren, làm hương, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, cơ khí... Hầu hết các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chiếm tỷ lệ rất thấp; nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa qua xử lý vẫn thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh. Tại các làng nghề, chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân trong làng nghề.

Nhận thức được hiện trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề. Song quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Các làng nghề rất đa dạng về quy mô sản xuất, loại hình sản xuất với những đặc thù riêng. Tuy nhiên cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng về bảo vấn đề BVMT làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất.

Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý vấn đề môi trường tại các làng nghề thuộc về UBND các cấp, tuy nhiên hầu hết các văn bản mới dừng lại ở UBND cấp tỉnh. Như vậy, để pháp luật thực sự có hiệu lực phải có văn bản quy định trách nhiệm cho UBND từng cấp, thậm chí có văn bản quy định đến cấp làng, thôn. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn địa phương chưa chủ động thực hiện đúng trách nhiệm được phân công, chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác BVMT làng nghề; chưa có sự kết hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương để phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT còn yếu và chưa phát huy hiệu quả. Các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề triển khai chậm. Tại nhiều làng nghề, chủ cơ sở và người dân còn chưa nắm được Luật BVMT và các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về BVMT tại các làng nghề chưa được thường xuyên và triệt để, công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT chưa nghiêm.

Công tác phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng dân cư làng nghề còn chưa được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa cao. Một số địa phương tập trung phát triển kinh tế mà chưa quan tâm, coi trọng công tác BVMT tại các làng nghề.

Để khắc phục những vấn đề về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và các cơ sở sản xuất làng nghề cần có trách nhiệm và thực hiện hiệu quả những giải pháp BVMT đã đề ra.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Sở Tài nguyên và Môi trường: (1) Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề án BVMT chi tiết của dự án đầu tư xây dựng làng nghề và các cơ sở đã đi vào hoạt động trong làng nghề theo quy định. (2) Phối hợp với các cơ quan liên quan của UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy định về BVMT. (3) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. (4) Chủ trì hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. (5) Giám sát việc thực hiện công khai thông tin về BVMT tại các làng nghề trên địa bàn.

Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường tại các làng nghề.

UBND cấp huyện, xã: (1) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT làng nghề theo quy định. (2) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (3) Đôn đốc việc xây dựng nội dung BVMT trong hương ước, quy ước của làng nghề, trình phê duyệt theo quy định. (4) Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về BVMT và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. (5) Thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm BVMT, khuyến khích các cơ sở phân loại chất thải tại nguồn.

Đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề

Thực hiện đúng, đủ các nội dung về đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, đề án BVMT theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận trong hương ước, quy ước của địa phương (nếu có).

Áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ theo quy định. Thực hiện thu gom, phân loại, tập kết đúng nơi quy định chất thải rắn. Đối với chất thải nguy hại (nếu có) phải thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có giấy phép hành nghề theo quy định.

Tiếp nhận và vận hành đúng quy định các hạng mục công trình xử lý chất thải nếu được lựa chọn, đầu tư; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấp hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ, rò rỉ hóa chất, phán tán ô nhiễm thì phải báo cáo cho UBND cấp xã để chỉ đạo xử lý và khắc phục kịp thời.

Đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề; nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; nước thải công nghiệp và các loại phí, lệ phí khác có liên quan.

Nguồn Bài: Nguyễn Xuân Minh

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Hải Dương năm 2023 (12/13/2023 3:19:18 PM)
Tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người quản lý năng lượng (9/13/2023 10:38:41 AM)
Hội nghị khuyến công 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVII tại Quảng Ninh (8/7/2023 4:56:47 AM)
Triển khai phổ biến, hướng dẫn kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 (6/30/2023 2:51:16 AM)
Nghiệm thu Đề án Khuyến công Quốc gia năm 2022 (12/12/2022 10:10:21 AM)
Họp Hội đồng thẩm định các đề án khuyến công địa phương năm 2022 (11/11/2022 3:17:09 AM)
Một số giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh 3 tháng cuối năm 2022 (9/30/2022 2:34:14 AM)
Tăng cường công tác quản lý hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương (3/31/2022 9:52:54 AM)
Đẩy nhanh triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia (2/28/2022 3:28:05 PM)
Phong tặng danh hiệu 08 Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương (11/8/2021 9:13:13 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong