SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

Bảo vệ quyền lợi NTD

9/13/2011 12:00:00 AM
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Những vẫn đề cơ bản và một số điểm mới trong Luật
Thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian vừa qua cho thấy, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không những không giảm đi mà còn có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh….

Thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian vừa qua cho thấy, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không những không giảm đi mà còn có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh…. trong mọi giao dịch tiêu dùng, từ những giao dịch nhỏ, thường xuyên phục vụ đời sống hàng ngày đến những giao dịch có giá trị lớn. Trong thời gian gần đây, hàng hoạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, nước tương nhiễm chất 3-MPCD, gian lận về phương tiện đo xăng dầu, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các địa phương đã và đang kinh doanh nhiều loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng, các vụ việc liên quan đến sự cố kỹ thuật trên xe máy Honda và xe ôtô Toyota…. Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do hành lang pháp lý còn nhiều hạn chế, các quy định hầu hết mang tính tuyên ngôn, khó thực hiện; chưa tạo được cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng phù hợp để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình; cơ chế xử lý vi phạm còn phức tạp, pháp luật hiện hành chưa chưa đưa ra được những chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp và phân công phân nhiệm rõ ràng. Các quy định hiện hành chưa tạo ra cơ chế hữu hiệu giúp các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động một cách có hiệu quả, nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh mà chưa được điều chỉnh, xử lý trên thực tế…

Trong khi đó, hoạt động bảo vệ quền lợi người tiêu dùng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và được quy định, điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong nhiều lĩnh vực, chưa có tính thống nhất….

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khoá 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010, chính thức có hiệu lực từ 01/7/2011. Sự ra đời của Luật là một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật được xây dựng theo nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Luật khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội trong đó nhà nước đóng vai trò trung tâm, khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà nước ban hành các chính sách và sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sử dụng sức mạnh của thị trường để loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn bất chính. Những quy định của Luật cho thấy, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không quá thiên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà bỏ qua lợi ích của doanh nghiệp, tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Chương I quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, chính sách của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; quyền của người tiêu dùng; nghĩa vụ của người tiêu dùng; các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chương II quy định về trách nhiệm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng: Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin; trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin; hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; điều khoản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực; thực hiện hợp đồng theo mẫu; thực hiện điều kiện giao dịch chung; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật; trách nhiệm bảo hành; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra; miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chương III quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội trong hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước giao.

Chương IV quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp: Quy định về các các phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hoà giải, trọng tài và Toà án.

Chương V quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Trách nhiệm của Bộ Công Thương, các Bộ liên quan và UBND các cấp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chương VI quy định các điều khoản thi hành.

Như vậy, tại Luật này có một số quy định mới so với các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

1. Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng;

2. Trách nhiệm của bên thứ ba trong cung cấp thông tin;

3. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung;

4. Trách nhiệm bảo hành;

5. Trách nhiệm thu hồi hàng hoá;

6. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra;

7. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

8. Quyền khởi kiện vụ án dân sự của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

9. Quyền thực hiện các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước của các tổ chức xã hội;

10. Tổ chức hoà giải;

11. Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng bằng trọng tài;

12. Quy đinh về thủ tục rút gọn tại toà án để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng;

13. Miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án liên quan đến người tiêu dùng;

14. Miễn tạm ứng án phí, lệ phí toà án;

15. Hình thức xử lý đưa vào danh sách công khai đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Gần 180 đại biểu dự Hội nghị phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại huyện Thanh Hà (10/20/2023 5:05:05 PM)
Tổ chức lại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lại người tiêu dùng Việt Nam (9/21/2018 3:56:18 PM)
Nguồn gốc hàng dệt may - khó quản lý (12/7/2017 4:35:06 PM)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan đến Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (7/6/2017 10:13:20 AM)
Kinh nghiệm kiểm soát việc sử dụng các loại thuốc thú y, kháng sinh độc hại trong chăn nuôi của một số quốc gia trên thế giới (4/29/2016 3:08:03 PM)
Một số kiến thức cơ bản về mã số - mã vạch (3/31/2016 10:09:32 AM)
Từ "Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới" đến "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam" (3/22/2016 11:03:07 AM)
Tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 (1/21/2016 11:01:54 AM)
Tổng kết Dự án nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy (10/13/2015 3:37:09 PM)
Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng (4/24/2015 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong