SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 4, ngày 24/4/2024

Tâm sự Công đoàn

7/24/2014 12:00:00 AM
Còn nhiều điều trăn trở
Công đoàn ngành Công nghiệp Hải Hưng thành lập theo quyết định số 43/QĐ-ToC của Ban thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh Hải Hưng, bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1992. ..

Công đoàn ngành Công nghiệp Hải Hưng thành lập theo quyết định số 43/QĐ-ToC của Ban thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh Hải Hưng, bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1992. Các hoạt động ban đầu tập trung vào ổn định tổ chức, nhận bàn giao các đơn vị từ hai Liên đoàn lao động thị xã Hải Dương, thị xã Hưng Yên, từ Công đoàn các ngành. Tài chính ban đầu không được thu. Tới tháng 5 năm 1992 mới được Liên đoàn lao động giao thu. Phải đến quý III năm 1992 mới đi vào ổn định mọi mặt. Quý IV đã tiến hành Đại hội theo nhiệm kỳ.

Lúc bấy giờ tình hình ở Liên Xô và Đông Âu vừa qua biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống người lao động. Nhiều đơn vị giảm biên chế, giải thể. Những người còn ở lại làm việc cũng gặp nhiều khó khăn. Công đoàn nhận được các khoản trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn, mỗi suất 20 đồng. Từ Công đoàn ngành, căn cứ tình hình thực tế để phân bổ cho các Công đoàn cơ sở. Trong các cơ quan lúc bấy giờ còn tiếp khách bằng thuốc lá. Tính ra một tuần cũng hết 20 đồng, bằng một suất trợ cấp cho công nhân. Nhân ngày 31/5 là ngày toàn thế giới không hút thuốc lá, tôi quyết định thể hiện hưởng ứng bằng việc không tiếp thuốc lá ở văn phòng. Từ đó trở đi không ai thấy việc tiếp thuốc lá ở văn phòng nữa.

Đi thực tế ở các đơn vị, nhiều hoàn cảnh khó khăn của công nhân lao động đã cho tôi những suy nghĩ và quyết định công việc. Trước tiên phải xây dựng quỹ Tình nghĩa để giúp đỡ các công nhân lao động gặp khó khăn. Trên cơ sở tiết kiệm chi tiêu, phần kết dư được chuyển sang xây dựng quỹ Tình nghĩa, công nhân lao động không phải đóng góp. Từ năm 1999 trở đi, Liên đoàn lao động tỉnh thu kinh phí, tài chính được cấp cho các khoản chi tiêu cụ thể của Công đoàn ngành nên không còn kết dư nữa, Công đoàn ngành phải huy động sự đóng góp của các Công đoàn cơ sở.

Quỹ ban đầu lấy giá thị trường một tháng lương thực (20 kg gạo) làm căn cứ trợ cấp (Thời bao cấp công chức, nhân viên hành chính chỉ được 13 kg gạo/tháng, lao động hầm lò 21 kg/tháng). Người gặp khó khăn được trợ cấp một năm không quá 2 lần.

Người được trợ cấp đầu tiên là chị Đoàn Thị Hoà, đoàn viên công đoàn công ty Cơ khí Hải Dương. Chị bị ung thư vú, bệnh viện đã trả về nhưng nếu đồng ý chữa thí nghiệm loại thuốc mới của Mỹ, không phải trả tiền, nhưng bệnh viện cũng không chịu trách nhiệm. “Có bệnh thì bái tứ phương”, chị đồng ý chữa thí nghiệm. Có lúc cánh tay chị sưng lên như bắp đùi nhưng vẫn gắng sống, nuôi con và hy vọng. Chồng chị chán nản, nhận làm việc và trông coi cho một chủ lò gạch. Buồn dẫn đến rượu và sau vài năm anh qua đời vì xơ gan do uống nhiều rượu quá.

Chị thì vẫn sống khoẻ mạnh, nuôi dưỡng các con. Thỉnh thoảng có đến văn phòng công đoàn thăm và cảm ơn công đoàn.

Niềm tin giúp cho con người vượt qua gian nan thử thách.

Có lần đến thăm công nhân khu tập thể X67, có gia đình nữ công nhân có chồng đi lao động nước ngoài. Chồng đi rồi bỏ luôn ba mẹ con không về trong khi cháu lớn bị thần kinh, phải xích vào chân giường để mẹ đi làm. Những hoàn cảnh ấy rất cần sự cưu mang giúp đỡ của mọi người và công đoàn. Thực tế cuộc sống luôn gợi ý và nhắc nhở cho tôi thực hiện các công việc Công đoàn phù hợp với yêu cầu của cấp trên và nguyện vọng của công nhân lao động.

ở công ty Đay Hưng Yên, lãnh đạo công ty và Công đoàn đã quyết định ngăn các gian tập thể làm đôi, mỗi gian nhỏ cho một phụ nữ độc thân ở, tạo điều kiện để các chị được quyền làm mẹ. Nhưng nhiều chị không còn khả năng sinh đẻ nữa.

Một lần đi tham quan du lịch, cùng anh Đinh Tuấn Dũng bước lên các bậc đá ở đền Cây Thị, khu du lịch Tràng An. Anh Dũng thở hổn hển và nói:

- Còn đang công tác mà đã mệt thế này, bước không được mà mọi việc cứ chờ về hưu sẽ làm thì làm sao được?

Câu nói ấy giúp tôi tỉnh ngộ. Đúng là khi còn trẻ, còn khoẻ, nhiều người nghĩ những việc mình chưa làm được, chưa hoàn thành thì để về hưu sẽ làm. Nhưng về hưu là tuổi cao sức yếu, làm sao được? Hãy làm ngay những việc có thể làm được. Việc hôm nay chớ để ngày mai!

Có lần anh Dũng nói với tôi: “Mỗi năm một lần, Công đoàn ngành tặng quà cho thương binh và con liệt sĩ. Nhưng giá trị cân đường hộp sữa là bao nhiêu thì cứ tặng bằng tiền, chúng tôi đem thư và tiền của Công đoàn ngành đến gọn gàng hơn”.

Đúng vậy! Đây là việc làm đền ơn đáp nghĩa và cũng chỉ có ở Công đoàn ngành Công nghiệp trước đây và Công đoàn ngành Công Thương hiện nay, bắt đầu thực hiện từ năm 1995 liên tục cho đến nay và đến năm 2013 thì Công đoàn tặng bằng tiền chứ không bằng hiện vật nữa.

Hàng năm các Công đoàn cơ sở không nhận văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa mà nhận ngay thông báo thống kê số lượng thương binh, con liệt sĩ đang công tác trong ngành để Công đoàn ngành tặng quà.

Những năm đầu Công đoàn ngành thống kê cả danh sách vợ liệt sĩ không tái giá và thanh niên xung phong làm trong ngành để tặng quà nhưng không còn nữa.

Việc làm này thiết thực hơn, có sức thuyết phục hơn và Công đoàn ngành nắm được cụ thể số lượng thương binh, con liệt sĩ đang công tác trong ngành, nhắc nhở các Công đoàn cơ sở thực hiện việc đền ơn đáp nghiã thiết thực.

Tuy vậy cũng có cán bộ Công đoàn cơ sở thiếu trách nhiệm, không thống kê hết để công nhân lao động thắc mắc. Khi có quà không phát tận tay, để lại ở văn phòng để tự bồi dưỡng???

Vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang nổi lên. Thỉnh thoảng lại có công nhân không được thanh toán các chế độ đến nhờ Công đoàn ngành giúp đỡ. Việc thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội, lương, thưởng đối với một số công nhân lao động ở các tỉnh xa phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều khó khăn do hẹn nhiều lần mà không giải quyết được.

Có người Việt, đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng khi giải thích các chế độ lại bớt xén câu chữ trong trang, thậm chí ngay trong một điều cũng chỉ đọc một nửa, còn bớt xén đi một nửa, đánh lừa công nhân!?

Ví dụ việc trích kinh phí Công đoàn (mức đóng phí công đoàn) tại Nghị định số 191/2013/NĐ – CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định mức đóng và căn cứ đóng kinh phí Công đoàn tại điều 5: “Mức đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Tại điều 11: Hiệu lực thi hành: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014. Riêng quy định về mức đóng phí công đoàn tại điều 5 nghị định này được thực hiện từ ngày Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành” (tức là ngày 01/01/2013).

Nhưng đại diện cho công ty chỉ đọc câu: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014”. Như vậy họ cố tình không đóng phí năm 2013. Họ bảo vệ ai, lừa dối ai?

Còn nhiều điều trăn trở, còn cần Công đoàn, còn cần những người làm việc tốt./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong