SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 29/3/2024

Tâm sự Công đoàn

7/22/2014 12:00:00 AM
Trở thành cán bộ Công đoàn
Tôi nhớ đó là một buổi chiều tháng Tư năm 1977. Tôi đang cùng anh em trong tổ lắp đường ống dẫn nước Ư 600 tại nhà máy luyện cán thép 650 do Trung Quốc giúp ở khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên....

Tôi nhớ đó là một buổi chiều tháng Tư năm 1977. Tôi đang cùng anh em trong tổ lắp đường ống dẫn nước phi 600 tại nhà máy luyện cán thép 650 do Trung Quốc giúp ở khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên thì bác Đào Bá Quát, đội phó đội sản xuất, bí thư chi bộ đạp xe tới hiện trường thông báo:

- Thằng Thắng chiều nay làm xong về chuẩn bị tư trang gọn gàng, ngày mai lên văn phòng Công đoàn xí nghiệp làm việc.

Tôi thấy phấn khởi, bâng khuâng, ngỡ ngàng vì từ ngày mai được chuyển làm công việc ở văn phòng sẽ nhẹ nhàng hơn, phù hợp với tôi hơn. Công việc cơ khí lắp ráp lúc đó rất vất vả do thiếu phương tiện máy móc hỗ trợ, dùng sức người, kinh nghiệm là chính, dễ xảy ra tai nạn. Tôi cũng đã bị tai nạn, có sẹo ở ngón tay, nghĩ đến vẫn còn sợ.

Thế là xa anh em bạn bè đã gắn bó mấy năm. ở chỗ mới không hiểu công việc thế nào, mình có làm được không? Tôi đã là đoàn viên Công đoàn nhưng không hiểu gì về Công đoàn, hoạt động đoàn thể chủ yếu là tham gia công tác đoàn thanh niên, tuổi trẻ sôi nổi. Hàng ngày đi làm, tối về lại tổ chức học bổ túc văn hoá và tôi là người giảng, không có thù lao, chỉ có nhiệt tình của người giảng và người nghe. Ban ngày là đồng đội cùng nhau sản xuất, cùng nhau đi ca khi tiến độ sản xuất thúc ép phải hoàn thành. Buổi tối lại cùng nhau trao đổi bài vở. Cùng tuổi trẻ cả, tôi cứ nghĩ đó là hoạt động của đoàn thanh niên nhưng không phải mà là phong trào bổ túc văn hoá do Công đoàn phát động, chúng tôi đều đã là đoàn viên công đoàn. Chính sự say sưa nhiệt tình này đã vô tình lọt vào mắt các cán bộ lãnh đạo của xí nghiệp và Công đoàn.

Xí nghiệp lắp máy điện Bắc Thái thuộc công ty Xây lắp luyện kim, Bộ Cơ khí luyện kim (nay là Bộ Công thương) mà tôi làm công nhân có 1.200 cán bộ công nhân làm việc phân tán ở nhiều nơi trên các công trường xây dựng. Có khi ở Quảng Ninh, khi ở Hải Phòng, khi ở Tuyên Quang... với nhiệm vụ lắp máy, lắp ống, lắp điện. Công nhân các đội lắp điện phần lớn đã qua cấp 3, các đội lắp máy lắp ống phần lớn mới qua cấp 2. Cả đội sản xuất của tôi chỉ có hai người qua cấp 3. Vì vậy việc nâng văn hoá của công nhân trong đội tôi phải đảm đương là chính.

Sáng hôm sau tôi đạp xe lên Văn phòng xí nghiệp, cách chỗ cũ 10 km. Lúc bấy giờ xe đạp còn hiếm. Tôi may mắn được gia đình mua cho một chiếc xe đạp Phượng Hoàng xích hộp màu xanh rêu, thế cũng oai lắm rồi. Và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn Công đoàn chọn tôi vì phải đi các đơn vị phân tán ở xa nhau hàng chục km.

Văn phòng Công đoàn là gian nhà đầu hồi trên đồi tại khu văn phòng xí nghiệp. Cán bộ có ba người: Anh Hồ Ngọc Uyển nguyên là tổ trưởng tổ rèn, có nhiều sáng kiến, là chiến sĩ thi đua 3 năm liền, là Đảng uỷ viên xí nghiệp cũng mới về làm thư ký Công đoàn xí nghiệp được một tháng. Chị Đào Thị Độ là y sĩ ở phòng Y tế xí nghiệp chuyển sang làm phó thư ký, lo các công việc nữ công, bảo hiểm xã hội (lúc đó bảo hiểm xã hội cho người lao động do Công đoàn quản lý. Đến năm 1995 mới tách riêng thành cơ quan Bảo hiểm xã hội). Còn tôi là cán bộ chuyên trách phụ trách văn hoá thể thao và phong trào bổ túc văn hoá...

Cả ba người đều mới nên rất bỡ ngỡ trong công việc và nhiều khi lúng túng như gà mắc tóc. Những lúc như thế, chị Độ như người chị gái luôn động viên giúp đỡ tôi: “Chị em mình đều mới làm việc, anh Uyển cũng mới nên cố gắng học hỏi để làm việc cho tốt”. Nhiều lúc tôi thấy anh Uyển bực dọc, cau mày vì công việc không chạy. Chính anh cũng chưa hiểu hết các công việc Công đoàn.

Tuy vậy ba anh em đoàn kết, chia sẻ, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Tôi làm hết sức mình, chịu khó học hỏi. Toàn việc mới mẻ mà tôi chưa biết gì. Phụ trách văn nghệ thể thao mà tôi không đàn hát được, không biết chơi một môn thể thao nào, không biết kẻ vẽ để tuyên truyền. Song nhờ sống chân thật, nhiệt tình, mọi người đều quý mến tôi. Cả các chị nấu ăn ở bếp ăn tập thể cũng thương tôi, quý tôi, nói với chị Độ:

- Mày bảo thằng Thắng đi ăn cơm muộn một mình, chúng tao cho nó thêm thức ăn.

Chị Độ nói với tôi, tôi bảo:

- Em ở chung hai anh em một phòng, đi thế không tiện.

Tôi nhờ một người bạn là Hoàng Nam Thái, ở cùng phòng, cũng là công nhân nhưng có năng khiếu vẽ, thường được công đoàn trưng dụng phục vụ công tác tuyên truyền dạy tôi kẻ vẽ khẩu hiệu. Thái dạy tôi các kiểu chữ, cách cầm bút vẽ, cách pha hồ...Sau này Thái thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội và hiện đang là hoạ sĩ có danh tại Hà Nội.

Lúc bấy giờ vật chất rất khó khăn thiếu thốn nhưng Công đoàn xí nghiệp tôi hoạt động rất nổi. Đội bóng đá nam vô địch công ty (17 công trường, xí nghiệp) nhiều năm. Đội bóng chuyền nữ vô địch nhiều năm. Đội bóng chuyền nam thường xếp từ thứ nhất đến thứ ba. Đội văn nghệ có lần biểu diễn tại thành phố Thái Nguyên bán vé thu tiền. Các đội bóng của các đơn vị khi ra sân thường mặc rất lôm nhôm, ai có gì mặc nấy nhưng các đội bóng đơn vị tôi đều mặc đồng phục, nổi bật hẳn lên do phải biết cách làm: Các cầu thủ thi đấu xong trả lại quần áo và tôi giặt sạch, cất đi. Khi đi thi đấu ai mặc số nào lại mặc số đó. Vì vậy đầu tư một lần, sử dụng nhiều lần.

Một lần bác Đào Bá Quát về xí nghiệp họp, gặp tôi nói chuyện:

- Hôm Công đoàn đặt vấn đề với các đơn vị (đội sản xuất) lựa chọn giới thiệu cho Công đoàn một người làm chuyên trách Công đoàn, đưa ra bốn tiêu chuẩn: phải học hết cấp 3 (hệ 10 năm cũ); có khả năng tổ chức hoạt động; phải nhiệt tình, có đạo đức; có xe đạp. Tao nói: “Tôi đã đi nhiều đơn vị nhưng tôi thấy thằng Thắng ở chỗ tôi đáp ứng được và rất có khả năng. Rất tốt. Và công đoàn xí nghiệp đã chọn mày”.

Công tác được mười tháng thì trường Công đoàn Trung ương chiêu sinh lớp Đại học Công đoàn khoá I. Công đoàn công ty muốn cho tôi đi. Anh Uyển bảo:

- Chờ có đợt đi nước ngoài thì đi, đi đại học ở trong nước thì đi làm gì?

Tôi đáp:

- Anh cho em đi. Học trong nước em cũng đi.

Anh Uyển đồng ý cho tôi đi, chỉ bảo: “Em xem còn vướng gì về tiền nong thì cùng chị Độ giải quyết cho xong”.

Suốt mười tháng công tác, các anh chị giao tiền cho tôi mua bán chi tiêu, bây giờ cộng sổ lại để thanh toán, thừa thiếu thế nào, tôi chỉ nói một câu là xong, không ai có ý kiến gì. Chị Độ bảo: “Các anh các chị hoàn toàn tin em”.

Ngày về trường để dự học, mẹ chị Độ chạy lên phòng tôi bảo tôi: “Nhà tôi chỉ còn đỗ đen để nấu cơm nếp. Chú đi thi, đi học, chú có kiêng đỗ đen không?”

Tôi đáp:

- Cháu không kiêng. Bà yên tâm, cháu thi là đỗ.

Lúc bấy giờ gạo nếp, gà là của quý, của hiếm. Mọi người quý và coi tôi như trong gia đình, lo lắng cho tôi và tôi nguyện không phụ lòng tin của mọi người.

Tháng Hai năm 1978, 23 tuổi tôi rời Thái Nguyên về Hà Nội học đại học với tình cảm và trách nhiệm của cả gia đình và tập thể giao cho.

Mùa hè năm 1981, còn một mùa hè nữa thì tôi ra trường. Một buổi tối, thầy Lê Văn Phụng, trưởng khoa Kinh tế lao động trường Cao cấp Công đoàn Việt Nam (nay là Đại học Công đoàn Việt Nam) đến phòng ở của tôi tại ký túc xá chơi. Ông cho biết: “Sang năm học xong cậu sẽ ở lại khoa của tớ công tác.” Tôi đề nghị: “Thầy hãy giữ kín việc này vì em chưa học xong”. Ông cười, nói: “Tớ cũng nói vậy, còn xem cậu phấn đấu thế nào”.

Mùa hè năm 1982 tôi học xong, là học sinh tiên tiến xuất sắc toàn khoá. Trưởng phòng Tổ chức nhà trường gọi lên, cho về nghỉ sớm. Ông nói:

- Trước sau cậu cũng sẽ ở Hà Nội, không ở trường thì cũng ở Tổng Liên đoàn.

Tôi về nghỉ, các anh chị trong lớp còn phải ở lại làm các thủ tục giấy tờ chuyển khẩu về các địa phương.

Từ người thợ, qua hoạt động Công đoàn, đi học, bây giờ tôi đã là người thầy ở khoa Kinh tế lao động trường Đại học Công đoàn. Học khóa I, tôi lên lớp giảng ngay cho khoá IV, V, khoá chuyên tu I, tại chức I; hướng dẫn đề án tốt nghiệp cho khoá IV, khoá chuyên tu I và trực tiếp hỏi bài tại hội đồng thi tốt nghiệp. Công việc khó khăn, mới mẻ, phải cố gắng cật lực trong thời gian ngắn để hoàn thành công việc. Tuy vất vả nhưng chính áp lực đó đã khiến tôi nhanh trưởng thành.

Tháng 8 năm 1985 tôi xin về công tác tại Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hải Hưng, trải qua công tác ở nhiều ban.

Ngày 29 tháng 3 năm 2014 tức là ngày 29 tháng 2 năm Giáp Ngọ là 49 ngày anh Hồ Ngọc Uyển mất. Tôi được chị Độ báo tin cho biết, tôi lên thắp cho anh nén hương, bồi hồi xúc động. Mới đó mà đã 37 năm rồi. Nhìn ảnh anh, vẫn cái nhìn nghiêm khắc nhưng đầy tình cảm như những ngày nào. Gặp lại nhiều các bác, các anh, các chị, các bạn. Ai cũng hỏi:

- Còn nhớ không?

- ờ...ờ...ờ... còn nhớ!

Tất cả đều nhắc lại kỷ niệm xưa với nhiều câu chuyện về đói, rét, vất vả nhưng đều ngời lên những tình cảm chân thành.

Chị Nụ, trước nấu cơm ở bếp ăn tập thể, hỏi:

- Còn nhớ chị không?

Tôi đáp:

- Em còn nhớ. Còn nhớ chị bảo cho thêm thức ăn khi đi ăn.

Chị cười.

Cháu Thuỷ, con gái anh Uyển khi tôi đang công tác ở Thái Nguyên còn rất nhỏ nay đã ngoài bốn mươi, nói với tôi:

- Mẹ cháu từ khi được cô Độ cho biết tin chú sẽ lên, cứ đi ra đi vào...

Chia tay mọi người để ra về mà lòng ai cũng bịn rịn, bồi hồi, thời gian ngắn quá, vội vã quá, nhiều điều trách quá mà sao ấm lòng. Cái tốt cái đẹp, cái no cái ấm và hạnh phúc ngày nay bắt nguồn từ những ngày xưa gian khổ nhưng trong sáng./.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Rẽ ngang (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một chuyến đi Tây hãi hùng (8/22/2014 12:00:00 AM)
Một lần đến LOHR (8/22/2014 12:00:00 AM)
Những mảnh đời trôi giạt (8/22/2014 12:00:00 AM)
Tham gia dự án với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (8/22/2014 12:00:00 AM)
Người Chủ tịch Công đoàn và những chuyến tham quan khó quên (8/22/2014 12:00:00 AM)
Lần đầu tham gia Ban chấp hành Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Kỷ niệm những lần đi tham quan du lịch (8/22/2014 12:00:00 AM)
Đi làm nhiệm vụ quốc tế Công đoàn (8/22/2014 12:00:00 AM)
Chuyện chưa được đặt tên (8/22/2014 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong