SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 6, ngày 26/4/2024

Bảo vệ quyền lợi NTD

3/14/2014 12:00:00 AM
Tăng cường chống hàng giả- Kỳ I
Sản xuất và buôn bán hàng giả từ nhiều năm nay đã trở thành vấn nạn trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, xu thế của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn.

Sản xuất và buôn bán hàng giả từ nhiều năm nay đã trở thành vấn nạn trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, xu thế của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)…

Kỳ  I: Tập trung vào đường dây, ổ nhóm

Xử lý hàng ngàn vụ vi phạm

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện với quy mô ngày càng lớn, được sản xuất cả ở nước ngoài đưa vào Việt Nam. Phổ biến nhất là giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Quần áo Lacoste; giày Adidas, Nike; túi xách Gucci, Chanel; kính mắt Rayban; máy tính Casio, thiết bị vệ sinh Toto, Inax; hóa mỹ phẩm Debon… Phần lớn các mặt hàng này đều được sản xuất từ Trung Quốc và vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ.

Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT - cho biết, lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh ngăn chặn nạn hàng giả và các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Giai đoạn 2010 - 2012, cả nước đã phát hiện, xử lý 36.483 vụ hàng giả, kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính 134,1 tỷ đồng. Năm 2013, phát hiện và xử lý 13.037 vụ, thu phạt 57,2 tỷ đồng. “Tuy nhiên việc xử lý hàng giả chủ yếu vẫn trên khâu lưu thông. Việc xử lý tận gốc, từ khâu sản xuất còn hạn chế” – ông Tín nhận định.

Để tránh sự kiểm soát gắt gao của lực lượng QLTT, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi, các hoạt động vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; đáng chú ý là không ít đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ hàng hóa.

Năm 2013, Đại sứ quán Anh đã hỗ trợ lực lượng QLTT trong Dự án “Nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam” gồm các lớp đào tạo về thực thi quyền SHTT, tổ chức Triển lãm hàng thật, hàng giả, xuất bản Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ thực thi quyền SHTT dành cho kiểm soát viên thị trường. Các hoạt động này đã phát huy được hiệu quả tích cực, lực lượng thực thi nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát; người tiêu dùng có nhiều kiến thức để phân biện hàng giả, hàng thật.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo Cục QLTT, tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả vẫn "sống khỏe". Theo ông Tín: Thứ nhất, do siêu lợi nhuận nên một bộ phận nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định của pháp luật vẫn sản xuất, kinh doanh hàng giả (kể cả từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ) với công nghệ ngày càng tinh vi, rất khó phân biệt. Thứ hai, không ít người tiêu dùng vẫn chấp nhận hàng giả, hàng nhái vì giá rẻ, phù hợp với túi tiền, nhất là người thu nhập thấp, các vùng nông thôn, miền núi…

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn trong chính sách đã bó buộc khả năng của lực lượng QLTT vì có khá nhiều kẽ hở trong các quy định, văn bản pháp luật. Biện pháp chủ yếu vẫn là xử lý hành chính, chưa có những quy định chặt chẽ về việc xử lý hình sự. Mức phạt hành chính, chế tài cũng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội - cho biết: Việc phát hiện không khó, tuy nhiên, để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ. Theo quy định, việc xử lý bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Tuy nhiên, chi phí giám định nhiều mặt hàng rất đắt. Khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Đồng thời, chính đương sự vi phạm phải nộp phí giám định, song đến nay hầu như không có đương sự nào nộp. Mặt khác, việc giám định hàng giả có sự tham gia của khá nhiều tổ chức, trong khi trình độ chuyên môn, máy móc, kỹ thuật còn nhiều hạn chế đôi khi gây ảnh hưởng đến thời hiệu xử lý vụ việc.

Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa đồng đều. Vì vậy, công tác dự báo nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động; việc phát hiện xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm có quy mô lớn chưa được nhiều.

Khó khăn lớn nhất là lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn quá mỏng. Ở nhiều nơi, Đội QLTT chỉ có từ 3-4 biên chế phải phụ trách 1 huyện, thậm chí 2-3 huyện. Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu. Kinh phí hoạt động, đặc biệt là kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động vật, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống…

Đánh vào các đường dây, ổ nhóm

Ông Lord Puttnam – Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Lào, Campuchia - cho rằng, Việt Nam là một thị trường thu nhập trung bình nhưng có mức tiêu dùng lớn. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt thị trường sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. “Bên cạnh việc củng cố mạnh mẽ luật pháp liên quan tới quyền SHTT nhằm thúc đẩy tính sáng tạo và đổi mới cho các sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu của riêng mình và thương hiệu chính là lời đảm bảo chất lượng, an toàn từ người sản xuất, kinh doanh tới người tiêu dùng”.

Theo ông Tín, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách chống kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo từng tuyến, từng khu vực. Tăng cường trinh sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, các đường dây, ổ nhóm lớn. Thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm quyền SHTT.

Nguồn Bài:

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Gần 180 đại biểu dự Hội nghị phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại huyện Thanh Hà (10/20/2023 5:05:05 PM)
Tổ chức lại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lại người tiêu dùng Việt Nam (9/21/2018 3:56:18 PM)
Nguồn gốc hàng dệt may - khó quản lý (12/7/2017 4:35:06 PM)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch liên quan đến Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (7/6/2017 10:13:20 AM)
Kinh nghiệm kiểm soát việc sử dụng các loại thuốc thú y, kháng sinh độc hại trong chăn nuôi của một số quốc gia trên thế giới (4/29/2016 3:08:03 PM)
Một số kiến thức cơ bản về mã số - mã vạch (3/31/2016 10:09:32 AM)
Từ "Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới" đến "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam" (3/22/2016 11:03:07 AM)
Tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 (1/21/2016 11:01:54 AM)
Tổng kết Dự án nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy (10/13/2015 3:37:09 PM)
Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng (4/24/2015 12:00:00 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong