SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI DƯƠNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ 5, ngày 28/3/2024

TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH

8/6/2021 7:15:57 PM
Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021
Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” nhằm tháo gỡ những khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hội nghị là hoạt động quan trọng trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức diễn ra trong 3 ngày (ngày 6,9 và 10/8/2021), với sự tham dự của trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Ngày 06/8 Hội nghị triển khai các nội dung chính liên quan tới hoạt động cung cầu hàng hóa, nguồn hàng cần kết nối tiêu thụ của các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; ngày 9 và 10 diễn ra các cuộc giao thương trực tuyến của các doanh nghiệp, nhà cung cấp và nhà phân phối.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện Tổng Cục quản lý thị trường, các Cục, Vụ chức năng liên quan; về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đại diện một số cơ quan chuyên môn.

Cùng dự Hội nghị có đại diện UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, một số tỉnh thành khu vực phía Bắc, gần 90 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại, đại diện các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua chế biến hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu trong nước, 200 nhà nhập khẩu nước ngoài, trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tham dự tại điểm cầu Sở Công Thương Hải Dương có bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở cùng đại diện các phòng, đơn vị chuyên môn và 02 doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối hàng nông sản, thủy sản của tỉnh. Ngoài ra Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương cũng mời 20 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu và nhà phân phối uy tín tham dự sự kiện trực tuyến để kết nối giao thương, thu mua nông sản của các hợp tác xã, nhà sản xuất khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Sở Công Thương tỉnh Hải Dương 

Tìm giải  pháp kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông - thủy sản

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố khui vực Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng gia  cầm… với giá trị hàng hóa ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến cung cầu hàng hóa, trong khi mỗi địa phương áp dụng một biện pháp phòng chống dịch khác nhau dễ gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh thành có dịch. Các khâu thu mua, vận chuyển, logistic bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng hóa dễ bị ùn ứ, chỗ thừa chỗ thiếu do khâu vận chuyển, tiêu thụ gặp khó khăn. Do vậy, các Cục, Vụ, Sở Công Thương các địa phương, đơn vị chức năng liên quan cần tích cực vào cuộc giải quyết đầu ra cho nông sản, thủy sản ở các tỉnh thành hiện nay. Trước hết cần coi trọng thị trường nội địa để đảm bảo an ninh lượng thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để người dân bị đói, bị thiếu lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi xác định được thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng từ nước ngoài mà trong nước đáp ứng được và đang có lợi thế.

Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị chức năng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; vừa đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, vừa tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa hình thức bán hàng. Tăng cường quảng bá, giới thiêu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại những sản phẩm có thế mạnh để thu hút các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước. Gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, với phương châm “mở rộng thị trường mới, không bỏ rơi thị trường nội địa”. Hệ thống Tham tán thương mại ở ngoài nước cùng vào cuộc mời các nhà nhập khẩu, phân phối tại nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm để kịp thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất trong nước.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Kết nối lưu thông hàng nông sản, thủy sản của các địa phương

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh có thế mạnh về thủy hải sản. Sản lượng tôm hàng năm thu hoạch và đánh bắt khoảng 200.000 tấn, cua nuôi trồng và thu hoạch ước đạt 20.000 tấn… Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, Cà Mau còn có tiềm năng rất lớn về tài nguyên rừng, sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa là sản phẩm chủ lực với tổng diện tích gieo trồng khoảng 115.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 530.000 tấn… nhu cầu kết nối tiêu thụ và xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh là rất lớn.

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết tỉnh cũng là địa phương có điều kiện phát triển nhiều loại nông sản, hàng hóa, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm, sản lượng gạo của tỉnh ước đạt 1 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 300.000 tấn/năm; trái cây 550.000 - 600.000 tấn/năm; thủy sản ước đạt 45.000 tấn/năm; thịt hơi các loại 70.000 tấn/năm; trứng gia cầm 530 triệu quả/năm... Phần lớn nông sản của Long An cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh nhưng hiện nay, TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện các biện pháp phòng dịch, tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Đăk Lăk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (557.000 tấn), hồ tiêu (78.000 tấn), sầu riêng (100.000 tấn), quả bơ đang vào vụ thu hoạch với sản lượng trên 80.000 tấn…

Đại diện lãnh đao các tỉnh cho rằng dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh, nuôi trồng do phải tăng chi phí sản xuất, giảm công suất tại các nhà máy do thiếu hụt lao động, thiếu người thu hoạch, chế biến, vận chuyển hàng hóa bởi chưa được xét nghiệm và tiêm phòng dịch… khiến chi phí tăng cao trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm, dễ dẫn tới gián đoạn nguồn cung, khó khăn cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương chưa có biện pháp phòng dịch thống nhất, đặc biệt là trong khâu lưu thông hàng hóa. Chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu đang bị gián đoạn, đứt gãy, do thiếu lao động thu hoạch, chế biến và vận chuyển, năng lực thông quan của các cảng xuất khẩu hạn chế do công nhân nghỉ việc hoặc giãn cách… 

Cần sự tham gia tích cực của hệ thống phân phối, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, các hệ thống phân phối bán lẻ hàng trong nước như SaigonCo.op, Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố; các siêu thị, nhà phân phối, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản, thủy sản trong cả nước cần sớm vào cuộc để thu mua phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ngay từ trước đó, các địa phương đã phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống, tránh trường hợp thiếu hàng hóa cho chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo 100% sản phẩm được thu hoạch, chế biến và vận chuyển phải đảm bảo an toàn về phòng tránh dịch bệnh. Người thu hoach, chế biến, đóng gói và vận chuyển phải được xét nghiệm và tiêm ngừa vắc xin khi tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên các đơn vị thu mua, phân phối hàng hóa cũng cần chia sẻ khó khăn với người sản xuất, người chăn nuôi để điều chỉnh giá thu mua, tránh tình trạng ép giá gây thiệt hại cho sản xuất, tăng giá bán bất hợp lý nhằm trục lợi làm ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu dùng, gây tổn hại cho nền kinh tế.

Về vấn đề này, các đơn vị thu mua phân phối nông sản, thủy hải sản đều sẵn sàng điều chỉnh chính sách thu mua, phù hợp với từng thời điểm, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng; SaigonCo.op cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19.

Lãnh đạo Công ty TNHH AEON Việt Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu logistics để gia tăng hiệu quả; áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; vùng trồng cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu và đặc biệt tăng cường quảng bá sản phẩm…

Lãnh đạo sàn giao dịch TMĐT Sendo cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và kinh doanh nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong việc hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Sendo đang có chính sách hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mới gia nhập trên Sen đỏ trong thời gian đầu để tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia và Nông nghiệp số. Bên cạnh đó, Sen đỏ cũng sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển, truyền thông quảng cáo cũng như các cách thức duy trì kinh doanh dài hạn trên sàn TMĐT.

Sự vào cuộc của hệ thống Thương vụ thương mại Việt Nam tại nước ngoài

Trong thời gian qua, các văn phòng Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực vào cuộc mời các nhà nhập khẩu cùng dự hội nghị, kết nối giao thương với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nhiều hợp đồng giao dịch xuất khẩu lớn sang các thị trường mới, đối tác mới được ký kết như tại Malaysia, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nêu giải pháp hỗ trợ các địa phương xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh - Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng tiềm năng của thị trường Đức là rất lớn, giá cả hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức không là vấn đề người tiêu dùng tại thị trường này. Với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định, các cam kết đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng này. Thương vụ đang phối hợp với Cục XTTM thực hiện Đề án Phân phối và Logistic để thiết lập các kênh phân phối lớn giúp mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội thâm nhập và khẳng định vị trí tại thị trường Đức cũng như Liên minh Châu Âu, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch xuất khẩu dài hơi nhằm giảm chi phí và tăng mức độ cạnh tranh, tăng tính chủ động về mặt logistic.

Trong thời gian tới, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín; hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng và áp dụng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số để quảng bá, tích hợp giá trị vào sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Với thị trường Nhật Bản, Đại diện Công ty KOME (Nhật Bản) khuyến cáo, các nhà sản xuất, chế biến nông thủy sản Việt Nam cần xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất, công bố sản phẩm ghi chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu, chất phụ gia sử dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì được chất lượng sản phẩm, nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp, tối ưu hóa dịch vụ logistics để gia tăng hiệu quả; áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; tạo vòng khép kín bằng cách thành lập đầu mối thu mua giữa các tỉnh, để kiểm soát giá - chất lượng - sản lượng; tăng cường quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng nhận biết cho người tiêu dùng.…

Đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo thuận lợi lưu thông, tiếp tục kết nối xuất khẩu

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ Công Thương phối hợp thiết lập đường dây nóng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho các đơn vị sản xuất, thu mua, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt đến từng cơ sở. Về mặt sản xuất các địa  phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hoạt động ổn định trên cơ sở vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên xét nghiệm Sar-CoV-2  và tiêm ngừa vắc xin cho người sản xuất, chế biến và vận chuyển lương thực, thực  phẩm để đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa.

Thống nhất ý kiến tham gia và kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương trước mắt cần có giải pháp để tự cân đối cung cầu tại chỗ, số còn lại chủ động, khẩn trương kết nối với các ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, các Vụ, Cục chức năng, các hiệp hội ngành hàng để được tư vấn, hỗ trợ, tổ chức kết nối tiêu thụ ở mức cao nhất.

Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà phân phối, tập đoàn kinh doanh thương mại, tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước, kênh thương mại trên nền tảng số, nhà xuất-nhập khẩu, thương nhân… vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng và sáng tạo để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm kịp thời, tránh ùn ứ vì dịch bệnh.

 

Các điểm cầu Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các địa phương bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, trên các sản giao dịch TMĐT trong và ngoài nước… Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường nước ngoài phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm nhà nhập khẩu, đơn vị thu mua ở nước ngoài… để đẩy mạnh xuất khẩu, kể cả những thị trường truyền thống và thị trường mới để tương lai không bị phụ thuộc vào một thị trường nào.

Bộ trưởng cũng đề nghị các Thương vụ nỗ lực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường nước sở tại, giới thiệu các nhà nhập khẩu, phân phối lớn tại nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong nước; phối hợp với những đơn vị chức năng của Bộ ở trong nước để đưa ra khuyến nghị, hướng dẫn các địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt quy cách tiêu chuẩn hàng hóa, mẫu mã tiêu dùng, phù hợp phong tục tập quán, các tín ngưỡng của người tiêu dùng bản địa.

Ngay tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp tỉnh Hải Dương có nhu cầu kết nối thu mua sản phẩm sầu riêng, bơ, cà phê của Đăk Lăk, khoai lang của Đăk Nông, gia vị của các tỉnh Tây Nguyên, nguyên liệu sản phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Nam Bộ và Tây Nguyên… đã chủ động liên hệ với các đối tác khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên để thu mua sản phẩm, điển hình như Công ty CP Kim Chính, Cicimart Hải Dương…  

 

Nguồn Bài: Vương Hưng (XTTM HD)

[Quay lại]
 In trang    Đầu trang
Các tin cùng Chuyên mục
Ngành Công Thương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 (2/16/2024 3:22:54 PM)
Lịch trực Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (2/6/2024 10:47:13 AM)
Sở Công Thương tổng kết công tác năm 2023 và trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2023 (1/20/2024 7:37:00 PM)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp thục đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (12/29/2023 9:02:37 AM)
Sở Công Thương Hải Dương triển khai Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (12/21/2023 11:25:25 AM)
Đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12/19/2023 11:30:57 AM)
Tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023” (12/1/2023 6:47:36 PM)
Sở Công Thương tổ chức công bố Quyết định Phó Giám đốc Sở (12/1/2023 5:02:39 PM)
Sở Công Thương tăng cường triển khai thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước (11/2/2023 10:41:22 AM)
Kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương với Thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài (10/27/2023 7:05:55 AM)
2Banner SanBaoCongThuongBaoNhanDanÔ tô Nga nhập khẩu nguyên chiếcAntoanthucphamBaoHaiDuongTruyenhinhHaiDuong